/ 10
160

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Tập 9

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore

Thời gian: 27/05/1999

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Chúng ta đã học qua bốn câu cương lĩnh của Cảm Ứng Thiên, đúng như những gì mà Tư Mã Quang nói: “Bạn để lại tiền của cho con cháu, con cháu chưa chắc có thể giữ được. Bạn để lại sách vở cho con cháu, con cháu chưa chắc đã đọc. Điều tốt nhất là tích đức, tích lũy công đức thì con cháu của bạn nhất định có quả báo tốt.” Đây là chân thật hiểu rõ đạo cảm ứng thì mới có thể nói ra được. Phật nói cho chúng ta biết, quan hệ cha con, quan hệ anh em, cho đến quan hệ giữa người với tất cả người, đều không ngoài bốn loại duyên là báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Nếu như không phải là bốn loại duyên phận này thì dù gặp nhau cũng không quen biết, chúng ta gọi là người xa lạ. Trong đời này, hễ có phát sinh mối quan hệ với mình thì nhất định là trong đời quá khứ có bốn loại nghiệp duyên này. Trong nghiệp duyên có thiện, có ác; chúng ta hiểu được tường tận thì nhất định phải biết đoạn ác tu thiện. Ta thiếu nợ người thì nhất định phải trả, người khác lừa gạt ta, xâm phạm ta, cướp đoạt của ta thì đều phải nghĩ là đang trả nợ, vậy trong tâm này của bạn thoải mái biết bao, tự tại biết bao! Họ gạt ta, trộm của ta, cướp đoạt của ta, vì sao họ không đi lừa gạt người khác, không đi cướp đoạt người khác? Vì trong đời quá khứ người khác không có cái duyên này với họ. Hay nói cách khác, chúng ta ở trong đời quá khứ đã từng lấy của họ, đã từng trộm cắp của họ, đã từng cướp đoạt của họ, hôm nay gặp được nhân duyên tương ngộ thì họ vẫn là dùng phương pháp này để lấy lại, đúng lúc chúng ta trả nợ. Cho nên chúng ta phải hoan hỷ, kết thiện duyên với tất cả chúng sanh, đừng kết ác duyên, cho dù gặp phải ác duyên, cũng tuyệt đối không để ở trong lòng. Người xưa nói “nhân giả vô địch”, một người nhân từ, người có tâm yêu thương, người có tâm từ bi thì họ suốt đời suốt kiếp tuyệt đối không có oan gia đối đầu. Lời nói này là sao? Oan gia đối đầu đương nhiên có nhưng trong tâm họ đích thực không có, tâm địa thanh tịnh từ bi, cho dù là oan gia đối đầu, họ cũng là yêu thương chân thành oan gia, khi thấy người đó gặp khó khăn thì nhất định giúp đỡ nhiệt tâm, không hề ghét bỏ. Làm người như vậy thì phước về sau rất lớn.

Cho dù đời trước chúng ta không có tu phước, phước rất mỏng, nếu như cả đời ta có thể tin tưởng đạo lý của cảm ứng, y giáo phụng hành, bạn làm rất hết lòng, làm rất nỗ lực thì trong đời này phước báo liền hiện tiền. Đời này của tôi, các đồng tu đều rất rõ, đời trước tu tuệ, không tu phước, cho nên đời này có một chút tuệ, không có phước. Đời sống vật chất vô cùng khó khăn, tôi đã trải qua những ngày tháng khổ cực rất dài, là người khác sẽ không chịu nổi, tôi đều đã trải qua. Thế nhưng tuổi tác càng cao thì dường như phước báo cũng càng thêm lớn, đây không phải là do đời trước tu mà do đời này tu được, đây là quý vị đều tận mắt nhìn thấy. Tuổi già bất luận là làm việc gì, đều rất thuận tâm, đều rất tự tại, đây là tôi làm chứng chuyển cho mọi người, nhà Phật gọi là “tam chuyển pháp luân”, tôi làm chứng minh cho mọi người. Chỉ cần nỗ lực đoạn ác tu thiện, chỉ cần dùng tâm thương yêu chân thành, thanh tịnh, bình đẳng đối đãi với tất cả chúng sanh, không phân người thân kẻ oán, nhất loạt bình đẳng. Tôi không cầu phước báo mà phước báo tự nhiên hiện tiền; không cầu thọ mạng mà thọ mạng tự nhiên kéo dài. Những thứ này tôi có mong cầu hay không? Không có. Tôi không hề nghĩ sẽ sống lâu ở thế gian này, tất cả đều tuân theo lời dạy bảo của Phật Bồ-tát, tùy duyên qua ngày. Ngạn ngữ trong nhà Phật gọi là “làm hòa thượng một ngày thì đánh chuông một ngày”, sanh mạng còn ở thế gian một ngày thì vì Phật pháp, vì chúng sanh làm việc tốt một ngày. Tôi không mong cầu phước báo, tôi cũng không mong cầu danh vị, cũng không mong cầu trường thọ, không cầu bất cứ thứ gì, ngày tháng này làm sao không tự tại cho được! Một số người có lòng tốt rất quan tâm tới đời sống của tôi, thường đến hỏi thăm, tôi cũng tùy duyên thôi. Cho nên, nhất định phải hiểu sâu lý luận của báo ứng và chân tướng sự thật. Tiếp theo là đoạn kinh văn nhỏ thứ ba, ở trong toàn văn thì thuộc về đoạn lớn thứ hai. Những gì trong đoạn lớn thứ hai là nói về việc thiên thần giám sát thế gian. Câu đầu tiên là nói tổng quát:

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 10