/ 10
142

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Tập 8

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore

Thời gian: 25/05/1999

 

Chư vị đồng học, chào mọi người. Mời xem câu thứ hai của Cảm Ứng Thiên: “Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình.” 

Bốn câu mở đầu là tổng cương lĩnh của toàn bài, văn tự về sau đều là nói rõ ràng tường tận cho bốn câu này. Hai câu tổng cương lĩnh phía trước là “họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu”, đây là nói nguyên lý của cảm ứng; hai câu tiếp theo là “thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, đây là nói rõ chân tướng sự thật của báo ứng, trong bốn câu này có lý có sự. Hư không pháp giới y chánh trang nghiêm là một cảm ứng quả báo lớn; một thế giới, một xã hội là một báo ứng nhân quả loại nhỏ, còn nói đến một người, một gia đình thì đây là nghiệp nhân quả báo nhỏ nhất. Cho nên tất cả kinh mà Phật nói cũng không rời khỏi nguyên lý này, trong kinh Hoa Nghiêm nói “ngũ chu nhân quả”, kinh Pháp Hoa nói “nhất thừa nhân quả”. Do đây có thể biết, pháp thế gian và xuất thế chính là một nhân duyên quả báo rõ ràng, cho nên nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không.” Ngày hôm qua, chúng ta đọc đến câu chuyện Vệ Trọng Đạt đời nhà Tống, trên thực tế là nêu ông ra để làm thí dụ, có một người nào, một chúng sanh nào không như vậy? Tội nghiệp mà cả đời chúng ta đã tạo là vô lượng vô biên, đặc biệt là người hiện nay. Người thời xưa cũng tạo nghiệp, cứ lấy Vệ Trọng Đạt ra mà nói, ác nghiệp mà ông tạo quá nhiều, thế nhưng đem so với người hiện nay chúng ta thì ông tạo vẫn còn ít. Những ác nghiệp mà người hiện nay tạo, so với ông thì chí ít phải tăng thêm trăm lần, ngàn lần cũng chưa là gì, nguyên nhân là gì? Người thời xưa từ nhỏ đã tiếp nhận qua giáo dục thánh hiền.  

Cho nên tất cả ác nghiệp mà Vệ Trọng Đạt đã tạo là ác niệm trong ý niệm, chưa trở thành hành vi, ý niệm ác tuy có nhưng việc ác không dám làm. Vì sao không dám làm? Do giáo huấn của thánh hiền nhân. Người hiện nay không những có ác niệm mà họ dám làm. Tội nghiệp lớn nhất là bất hiếu cha mẹ, hủy báng Tam bảo. Chúng ta nghĩ thử xem, chính mình có làm việc này hay không? Cả đời chúng ta khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác, chính mình nghĩ xem có xứng đáng với cha mẹ hay không? Có xứng đáng với Tam bảo hay không? Tội nghiệp này thật ghê gớm, huống hồ cái khác? Trong kinh Vô Lượng Thọ nói rất hay: “Đời trước không biết”; hay nói cách khác, cũng không thể quá trách cứ họ, đây là tâm của quân tử, người nhân đức, có thể lượng thứ cho hết thảy người tạo tác tội nghiệp. Thế nhưng quỷ thần sẽ không lượng thứ cho bạn, Phật Bồ-tát có thể lượng thứ cho bạn, quỷ thần sẽ không lượng thứ cho bạn. “Thiện hay ác sớm muộn đều có báo ứng”, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi. Quả báo của sự việc này lý rất sâu, sự vô cùng phức tạp, chúng ta không thể chỉ nhìn vào những việc trước mắt, đối với việc trước mắt, phải có trí tuệ chân thật thì bạn mới có thể thấy ra được, phàm phu làm sao có thể thấy được việc trước mắt? Khi có người cố tình tạo tác, bạn phải xem kết cuộc của họ, sau đó bạn mới thật sự hiểu được quả báo như bóng đi theo hình. 

Nhà Phật nói có ba loại quả báo, loại thứ nhất là “hiện báo”, phàm là quả báo thì đều có nhân, có duyên, nhân duyên quả báo. Nhân là những gì trong đời quá khứ đã tạo, duyên là hiện tiền, hiện tại gặp được cơ duyên liền đem những nghiệp nhân này trong a-lại-da thức lôi kéo ra, thế là biến thành quả báo hiện tiền. Quả báo thiện nhất định có hạt giống thiện, hạt giống là nhân, gặp được thiện duyên; thiện duyên, duyên có hai loại, gọi là tăng thượng duyên, gồm có thuận cảnh tăng thượng duyên và nghịch cảnh tăng thượng duyên, thuận nghịch tăng thượng duyên đều có quả báo rất tốt, đó là vì sao? Nhân của bạn tốt, trong a-lại-da thức có hạt giống thiện, nhân thiện. Nếu như trong a-lại-da thức là hạt giống ác, nhân ác thì dù gặp được thiện duyên cũng sẽ biến thành việc ác, cũng sẽ có quả báo ác hiện tiền. Những chân tướng sự thật này, chúng ta chỉ cần hơi bình lặng quan sát thì bạn sẽ thấy rất rõ ràng, rất tường tận. 

Những gì mà cả đời tôi gặp được, những vị đồng tu theo tôi nhiều năm, đều thấy được rất rõ ràng. Những duyên mà tôi đã gặp có thiện, có ác. Duyên thiện là tôi gặp được mấy vị thầy tốt, tiên sinh Phương Đông Mỹ tiếp dẫn tôi vào cửa Phật, đại sư Chương Gia đặt nền tảng cho tôi, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã thành tựu tôi, đây là thiện nhân, thiện duyên. Về sau trong quá trình hoằng pháp của tôi, đạo tràng mà tôi xuất gia đã không tiếp nhận tôi nữa, tôi bị đuổi đi, đây là ác duyên. Nghĩ thử xem quả báo về sau là tốt hay không tốt? Là quả báo tốt. Vì nếu tôi không bị đuổi đi thì đời này của tôi không thể thành tựu, nguyên nhân là gì? Muốn thành tựu thì phải trải qua muôn ngàn thử thách ở trên giảng đài. Đạo tràng đó của tôi cho dù đối với tôi có tốt hơn đi nữa thì họ cũng không chịu để tôi giảng kinh, tôi không có cơ hội lên giảng đài, cho nên ác duyên này, quả báo về sau tốt. Sau đó tôi gặp được Hàn Quán Trưởng, trong cả đời này, trong suốt ba mươi năm bà đã giúp đỡ tôi thành tựu, cho tôi cơ hội giảng kinh. Bà hoàn toàn nắm giữ quyền quản lý đạo tràng, có rất nhiều người nói với tôi, gồm cả xuất gia tại gia đã nói Hàn Quán Trưởng đoạt quyền. Tôi chỉ cười cười nói: “Có người quản việc không phải tốt hơn sao? Tôi không cần phải lo lắng nữa!” Thế nên người thông thường nhìn thấy, đây là nghịch duyên, nói sao mà tôi lại gặp phải người như vậy? Đối với tôi mà nói thì đó là thiện duyên, bà đã thành tựu tôi. Bà thì cái gì cũng muốn, tôi thì cái gì cũng đưa cho bà, tham sân si của tôi đã đoạn dứt, thế nên nhân của bạn thiện, dù gặp phải duyên ác thì quả báo vẫn là thiện. Tôi có được thành tựu như ngày nay, người khác nói là bà không tốt, còn tôi thì cảm tạ đại ân đại đức của bà, đây là điều mà phàm phu thông thường thế gian không nhìn ra. 

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 10