/ 10
143

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Tập 10

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore

Thời gian: 28/05/1999

 

Các vị đồng học, chào mọi người. Hôm qua giảng đến “thị dĩ thiên địa hữu tư quá chi thần, y nhân sở phạm khinh trọng, dĩ đoạt nhân toán”.

Những điều này đều là sự thật, tuyệt đối không phải Phật Bồ-tát, cổ thánh tiên hiền dùng phương thức này để khuyên dạy người đời đoạn ác tu thiện. Nếu chúng ta dùng thái độ như vậy để nhìn sự việc này, vậy thì sai rồi, không biết được những lời của bậc thánh hiền nói đều là lời chân thật, nhất định không vọng ngữ. Phương pháp, cách thức khuyên dạy người đời rất nhiều, nhất định không thể dùng đến phương pháp giả dối không thật. Bởi vì người thế gian chỉ cần phát hiện bạn nói dối một lần thì về sau dù nói gì đi nữa họ cũng không tin. Trên thế giới có rất nhiều quốc gia, như nước Mỹ, Úc cũng là như vậy, bạn làm việc với cơ quan đoàn thể nhà nước, chỉ cần có một lần lừa dối, nói dối, họ sẽ ghi chép lại trong hồ sơ, về sau bạn có nói gì thì người ta cũng không tin. Pháp thế gian mà còn như vậy, huống hồ chư Phật Bồ-tát, những đại thánh đại hiền này; lời của các ngài nói, chúng ta phải nỗ lực mà phụng hành. Nhưng mà Phật Bồ-tát đã từng nói cho chúng ta biết, trời đất tuy có những vị thần giám sát thiện ác người đời, nhưng nếu như ý niệm của chúng ta chuyển đổi lại thì tình hình này liền hoàn toàn khác. Thánh nhân thế gian dạy bảo chúng ta: “Khắc niệm tác thánh”, niệm là vọng niệm, khắc phục vọng niệm thì bạn chính là thánh nhân. Mà thiên địa thần minh đối với thánh hiền nhân thì không có chuyện không tôn kính, không có chuyện không bảo hộ, tình hình liền hoàn toàn không giống nhau nữa! Đến cảnh giới của Phật Bồ-tát thì càng cao hơn. Trong chú giải, có một đoạn trích dẫn từ kinh Hoa Nghiêm, phía sau là giải thích của tổ sư đại đức, dạy bảo chúng ta công phu khắc kỷ phải từ chỗ khó khắc phục nhất mà dụng công, khắc kỷ chính là sửa đổi lỗi lầm, thay đổi bản thân. Chính chúng ta phải phản tỉnh, ở trong đời sống thường ngày, lỗi lầm nào là lớn nhất thì từ ngay chỗ lỗi lầm lớn nhất đó mà bắt tay vào. Lỗi lầm lớn, rất khó sửa mà chúng ta đều sửa được thì lỗi lầm nhỏ sẽ dễ dàng.

Đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay này, chúng ta xem thấy truyền thuyết thời xưa, hiện nay kiểu truyền thuyết như vậy rất nhiều, trong thành phố thường có thể xem thấy, dường như đều tập trung vào năm 1999, 2000, 2001, trong ba năm này thế gian sẽ xảy ra tai nạn rất lớn. Tai nạn từ đâu đến vậy? Do ác nghiệp của chúng sanh chiêu cảm đến, đây là lý của cảm ứng. Truyền thuyết chưa hẳn là thật, thế nhưng chúng ta tỉ mỉ quan sát xã hội này, thế đạo nhân tâm, lòng người bất thường, họ bài trừ hết thảy thiện pháp, hoan hỷ tiếp nhận hết thảy ác pháp. Người ta nghe thập thiện nghiệp đạo xong thì lắc đầu; tạo mười ác nghiệp thì họ gật đầu, bạn nói xem còn cách gì nữa? Tham sân si mạn, lừa dối người khác, niệm niệm đều muốn khống chế hết thảy người, sự và vật, muốn chiếm hữu hết thảy người, sự và vật, đều làm những việc tổn người lợi mình. Thật ra tôi đã nói rất nhiều, tổn người khẳng định không lợi mình, họ đã hiểu sai! Cho rằng tổn người có thể lợi mình, kỳ thật tổn người là đã hại chính mình. Lợi ích hiện nay mà bạn đạt được rất ít, sau khi chết nhất định đọa tam đồ, cái khổ đó ắt phải chịu. Rõ ràng những đạo lý này, hiểu rõ sự thật này thì trước mắt chịu khổ một chút có kể là gì! Đời sau là phước báo trời người, càng thù thắng hơn là niệm Phật vãng sanh làm Phật, làm tổ; đây mới là lợi ích lớn chân thật. Nếu bạn muốn đạt được lợi ích chân thật thì nhất định phải sửa đổi lỗi lầm của bản thân, không thể không sửa, không thể không đổi.

Chỗ không giống nhau của hết thảy chúng sanh và chư Phật Bồ-tát là tâm Phật chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, đó là tâm Phật, tâm Bồ-tát; còn phàm phu thì hoàn toàn trái nghịch lại với điều này; tâm phàm phu là tâm hư ngụy, tâm hư giả, tâm ô nhiễm, tâm cao thấp, tâm tự tư tự lợi. Chân thật sửa đổi thì phải sửa từ trong tâm, nếu như thật sự có được tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng thì nghiệp chướng từ vô lượng kiếp đều được tiêu trừ, giống như trong kinh Đại thừa thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới.” Mọi người đều đã từng nghe qua, Phật dạy là “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”, từ bi là tâm yêu thương chân thành, tâm yêu thương thanh tịnh, bình đẳng thì gọi là từ bi; tâm yêu thương này là tận hư không khắp pháp giới. Chúng ta xem thấy trong các tôn giáo khác cũng thường nói “thượng đế yêu người thế gian”. Do đây có thể biết, hư không pháp giới chỉ có một thứ chân thật, chính là tâm yêu thương, có thể yêu thương hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới mới là chân thật yêu thương chính mình. Đạo lý, chân tướng sự thật, nghiệp nhân quả báo này, ở trong kinh đã nói được rất rõ ràng, rất tường tận. Chúng ta tu hành như vậy, quý vị nghĩ thử xem, những vị thần giám sát tội lỗi trong trời đất này, còn có thể ghi chép tội lỗi của bạn, đoạt đi phước thọ của bạn hay không? Không thể, cũng chính là bạn đã vượt qua phạm vi quyền hạn của họ. Chỉ cần bạn dùng vọng tâm, còn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vẫn còn muốn làm những việc không muốn người khác thấy thì bạn còn ở trong phạm vi quyền hạn của thiên địa quỷ thần, bạn không cách gì vượt qua họ. Việc này phải biết, phải hiểu được.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 10