/ 10
221

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Tập 7

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore

Thời gian: 25/05/1999

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Ngày hôm qua giảng được hai câu đầu tiên của Cảm Ứng Thiên là “họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu”.

Trong Vựng Biên đã nêu ra những công án, sự tích qua các thời kỳ nhiều không kể xiết, mỗi điều đều cần phải đọc kỹ nghĩ sâu. Bởi vì thời gian của chúng ta hạn chế nên không thể giới thiệu từng điều từng điều một, mà chỉ có thể chọn lựa vài điều, đem trọng điểm nói rõ ràng với mọi người. Trong đại kinh, Phật thường nói chúng ta biết: “Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh”, đây là Phật tri Phật kiến, “duy nhân tự chiêu” cũng chính là ý này. Cổ đức nói với chúng ta, người phàm vọng tưởng quá nhiều, rất nhiều vọng tưởng này có thể phân làm ba loại là vọng tưởng quá khứ, vọng tưởng hiện tại và vọng tưởng vị lai. Thường hay nghĩ đến quá khứ, vinh nhục của quá khứ, ân oán đã kết với một số người trong quá khứ, buồn vui tan hợp. Loại này đều là thuộc về vọng tưởng quá khứ. Đặc biệt là người lớn tuổi, luôn nghĩ đến những sự việc thời còn trẻ của họ, cứ nghĩ đi nghĩ lại thời trẻ tuổi, vĩnh viễn lặp lại không ngừng những chuyện cũ, đây là thuộc về vọng tưởng quá khứ. Có những sự việc ở trước mắt, hoặc là nên làm, hoặc là không nên làm, luôn luôn do dự không quyết, loại này là thuộc về vọng tưởng hiện tại. Loại thứ ba là nghĩ đến tương lai, sự việc của tương lai, thật ra mà nói thì chưa thể dự liệu, có rất nhiều việc không thể được, nhưng họ vẫn cứ nghĩ, hoặc là tiền của, hoặc là địa vị, hoặc là quyền thế, loại này là thuộc về vọng tưởng vị lai. Ba loại vọng tưởng này là vô lượng vô biên, nó niệm niệm không gián đoạn, vọng niệm này tiếp nối vọng niệm kia. Chúng ta không thể xem thường những vọng niệm này, cứ cho rằng những vọng niệm này không quan trọng, vậy thì bạn sai rồi. Một vọng niệm chính là một nghiệp nhân, nghiệp nhân gặp được duyên thì quả báo liền hiện tiền, thiện niệm thì có thiện báo, ác niệm nhất định cảm đến ác báo, quả báo thiện ác tơ hào không sai, đây chính là căn nguyên của cát hung họa phước mà trong bài văn này nói đến. Thánh hiền thế xuất thế gian thường dạy bảo chúng ta, chúng ta phải ghi nhớ, phải nghĩ sâu, phải nỗ lực thực hành. 

Trong Vựng Biên có nêu ra một câu chuyện, câu chuyện này trong Liễu Phàm Tứ Huấn cũng có. Đời nhà Tống có một người tên Vệ Trọng Đạt, câu chuyện của người này lưu truyền rất rộng, không chỉ rất nhiều người thời đó biết được, do lưu truyền ghi chép trong sách nên người đời sau biết được cũng nhiều. Năm đó ông nhậm chức ở Hàn lâm viện, có một hôm bị vua Diêm-la bắt đi. Việc này, người thời nay khi nghe đến thì thấy dường như là thần thoại, rất khó khiến người tin tưởng, nhưng kỳ thực việc này là thật. Tôi hồi nhỏ cũng gặp một việc, tôi nhớ rất rõ ràng, quê hương chúng tôi là một thành thị nhỏ, thành thị này là thành cổ, xây dựng từ thời nhà Hán, đến ngày nay đã có 2.000 năm lịch sử. Lúc còn nhỏ, tôi có một khoảng thời gian ngắn, chúng tôi là sống ở dưới quê, cách xa thành thị đến 25 dặm đường. Lúc đó muốn vào thành là phải đi bộ, đại khái phải đi hơn hai giờ đồng hồ, cũng không kể là quá xa. Tôi sống ở nhà của bà ngoại, cách nhà ngoại tôi đại khái khoảng một hay hai căn nhà, có một người bị bệnh rất nặng, người bệnh nặng đó nói: “Thành hoàng muốn tôi đi làm việc.” Người ta hỏi: “Thành hoàng muốn ông đi làm việc gì?” Ông nói: “Đi gánh đồ.” Họ hỏi: “Vì sao phải gánh đồ?” Ông nói: “Thành hoàng lão gia muốn dọn nhà, bắt rất nhiều người đi gánh đồ, và muốn bắt tôi đi.” Họ hỏi: “Vậy phải làm sao?” Ông nói: “Mọi người có thể đốt tiền vàng cho tôi, để tôi đi thuê người khác làm, vậy thì tôi không phải đi nữa.” 

Thế rồi người trong nhà liền đốt ngựa giấy, người giấy, đốt rất nhiều tiền vàng, sau đó ông đi thuê người làm, bệnh của ông liền khỏi, đã trở về. Mọi người chúng tôi nghe xong đều cảm thấy rất kỳ lạ, tại sao Thành hoàng lại muốn dọn nhà? Ba ngày sau, miếu Thành hoàng bị quân đội chiếm đóng, quân đội lấy miếu Thành hoàng làm doanh trại, những bức tượng bên trong miếu đều bị phá hủy, lúc này mới bỗng nhiên hiểu ra. Khi miếu Thành hoàng bị quân đội chiếm lấy thì ba ngày trước Thành hoàng lão gia đã dọn nhà đi rồi, đã dọn đi, đây là sự thật mà chúng tôi tận mắt nhìn thấy. Cho nên “ngẩng đầu ba thước có thần minh”, cho dù bạn tin hay không tin, bạn tin thì có, bạn không tin thì vẫn là có. Người hiện nay không đọc sách thánh hiền, không tin tưởng những lời khuyên dạy chân thành. Những việc mà tận mắt tôi nhìn thấy rất nhiều, cho nên tôi đối với những điển tịch ghi chép của người xưa, tôi đều tin sâu không nghi. Những tiểu thuyết thần thoại như Liêu Trai Chí Dị, Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký, Tử Bất Ngữ, những loại này, tuyệt đại đa số là sự thật, không phải là bịa đặt vô căn cứ, không phải là ngụ ngôn. 

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 10