/ 10
271

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Tập 6

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore

Thời gian: 24/05/1999

 

Hôm qua giảng đến câu thứ nhất của Cảm Ứng Thiên: “Họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu.” Câu nói này là nói rõ nguyên lý của cảm ứng đạo giao, văn tự tuy đơn giản nhưng đạo lý thâm sâu vô cùng. Dùng cách nhìn của khoa học hiện nay để nhìn thì gọi là “tâm điện cảm ứng”. Tâm là thật, điện là thí dụ, thí dụ này không thể thí dụ đến phù hợp, đến thích đáng, chỉ có thể thí dụ gần giống. Bởi vì hiện tượng vật lý ở thế gian, dường như tốc độ của điện là nhanh nhất, nhanh bằng với tốc độ ánh sáng. Thế nhưng tốc độ cảm ứng của tâm còn nhanh hơn không biết bao nhiêu lần so với tốc độ ánh sáng và điện, đơn giản là không thể so sánh. Tốc độ của sóng điện là 300.000km/1 giây, còn tốc độ của ý niệm trong tâm, ý niệm vừa sanh khởi thì liền khắp hư không pháp giới, chúng tôi trong lúc giảng đã nhiều lần nói qua với quý vị, đây là nói nguyên lý của cảm ứng. Nội dung trong Vựng Biên rất phong phú, nêu ra rất nhiều công án, câu chuyện để làm chứng minh. Kỳ thực những thí dụ này là nêu ra không hết, chỉ cần chúng ta bình tâm mà quan sát, trong đời này của chúng ta, từ bản thân mình và hoàn cảnh xung quanh thì sẽ có thể thể nghiệm được cảm ứng là hiện tượng chân thật, người phương Tây gọi đây là chân lý. 

Đoạn thứ năm trong Vựng Biên, nêu ra một câu nói của đại sư Lục Tổ Huệ Năng thuộc Thiền tông đời Đường, câu này nói được rất hay, trong Đàn Kinh, Lục Tổ nói: “Hết thảy phước điền không rời tâm địa”, câu này là nói tổng quát, cùng điều mà chỗ này nói “họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu” là cùng một ý nghĩa. “Tâm địa” chính là ý niệm của chúng ta, trong tâm có khởi tâm động niệm thì cảm được cát hung, họa phước. Quả báo nhỏ gọi là cát hung, lớn gọi là họa phước. Trong kinh Phật nói: “Cát hung, họa phước đều do tâm tạo”, lại nói hai việc tội và phước này cùng với hai loại quả báo khổ và lạc, đều là do ba nghiệp “thân, ngữ, ý” tạo tác mà chiêu cảm nên. Người thế gian không hiểu được đạo lý này, nếu như rõ ràng đạo lý này thì mới thực sự nói đến tự cầu đa phước; không rõ ràng đạo lý này, tùy thuận phiền não, vọng tưởng của mình mà tạo tác thì nhất định chiêu cảm hung họa. 

Cho nên, chúng ta nếu muốn tiêu trừ thiên tai nhân họa của thế gian này, có thể làm được không? Đáp án là khẳng định, quyết định có thể làm được. Dùng phương pháp gì? Giáo dục. Lần này tôi ở châu Úc, Cục trưởng Cục đa nguyên văn hóa bang Queensland đến thăm tôi, nói về vấn đề hòa hợp chủng tộc, hòa hợp tôn giáo, mọi người đều có thể bỏ đi thành kiến của mình, tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa thuận, làm sao mới có thể thực tiễn? Bởi vì ông là người phụ trách công tác này ở châu Úc, tôi nói với ông một câu, đó là “giáo dục”. Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc dạy bảo chúng ta: “Dựng nước quản dân, giáo dục làm đầu”, bạn xây dựng một chính quyền, xây dựng một quốc gia, cai trị nhân dân, dùng phương pháp gì vậy? Giáo dục làm đầu. Ngày nay nếu muốn đạt được xã hội hài hòa, thế giới hòa bình, ngoài giáo dục ra thì không có biện pháp thứ hai nào khác. Nội dung của giáo dục là gì? Chính là đạo lý của cảm ứng. Nếu làm rõ ràng đạo lý này, rõ ràng chân tướng sự thật thì khởi tâm động niệm của chúng ta tự nhiên liền thu liễm. Nỗ lực hành thiện, tiêu chuẩn của thiện là gì? Là thập thiện nghiệp đạo. Người người đều có thể phụng hành thập thiện nghiệp đạo thì thiên tai nhân họa tự nhiên không còn nữa, không thể phát sinh. 

Trong kinh Phật đã nói, nếu như vọng tưởng, ý niệm của chúng ta tùy thuận sân giận, tùy thuận đố kỵ, tà dâm thì hiện tượng địa ngục liền ở trước mắt. Địa ngục từ đâu mà đến, bạn phải hiểu rõ. Nếu là tùy thuận tham lam, keo kiệt, tham không biết chán, bản thân có nhưng không bỏ ra bố thí thì tạo ra nghiệp ngạ quỷ, cảnh giới ngạ quỷ trong lục đạo liền hiện tiền. Nếu như tùy thuận ngu si, cái gì gọi là ngu si? Pháp thế gian và xuất thế gian không có khả năng phân biệt thật giả, không có khả năng phân biệt chánh tà, không có khả năng phân biệt phải trái, thậm chí đến thiện ác, lợi hại cũng điên đảo, đây là ngu si, ngu si là hành nghiệp của súc sanh. Cho nên tham sân si là nghiệp nhân của ba đường ác. Chúng ta bình lặng mà quan sát, quảng đại quần chúng trong xã hội này, ai không có tham sân si? Không những có, mà tham sân si còn đang không ngừng tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng khiến người đáng sợ! Những ý niệm, hành vi tham sân si tăng trưởng, vậy thì ba đường ác hình thành cũng rất nhanh. Chúng ta không nhất định phải đọa vào đường ác trong lục đạo, e rằng xã hội hiện nay của chúng ta đã biến thành địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh rồi; bạn nói điều này đáng sợ biết bao. Ngày nay có một số người giác ngộ, những chí sĩ, bậc nhân đức muốn cứu vãn xã hội này. Đại sư Ấn Quang dẫn đầu chúng ta, cho chúng ta khải thị vô cùng lớn, nói cho chúng ta biết, cứu giúp kiếp nạn này, đạo lý của nhà Nho không kịp nữa, đại đạo lý của nhà Phật cũng không kịp nữa, thế nên ngài mới đề xướng Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên và Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn để cứu khổ, cứu nạn. Trong tất cả ác nghiệp thì nghiệp sát và nghiệp dâm nặng nhất, cho nên An Sĩ Toàn Thư đối với hai loại ác nghiệp này đã đặc biệt dùng độ dài của bài văn để nói rõ, nhắc nhở chúng ta chú ý, hai loại ác nghiệp này là đại tội căn bản, là mầm mống của hung họa. Thập thiện có thể cứu vãn kiếp vận, niệm Phật là thiện pháp đệ nhất, sau cùng ngài có Tây Quy Trực Chỉ, khuyên chúng ta niệm Phật cầu sanh thế giới Cực Lạc. 

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 10