/ 10
251

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Tập 5

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore

Thời gian: 23/05/1999

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Đạo lý của cảm ứng rất sâu, sự tích của cảm ứng cũng rất rộng, người xưa khuyến khích chúng ta rất nhiều, vô cùng yêu thương che chở. Trong sách xưa dạy bảo chúng ta, trong pháp thế xuất thế gian, đặc biệt là thiện pháp, tín tâm là nhân tố thành tựu đệ nhất. Bất luận là mong cầu ngay trong đời này, đạt được quả báo hạnh phúc mỹ mãn; hay là học Phật, hy vọng ngay trong đời này có thể vãng sanh Tịnh độ, thân cận A-di-đà Phật, cũng đều ở tín tâm. Đặc biệt cần phải cảnh giác, trong kinh Phật thường nói: “Thế gian vô thường, cõi nước mong manh”, thọ mạng con người rất ngắn ngủi, một hơi thở ra mà không hít vào thì đã qua đời khác. Cho nên chúng ta có một niệm tín tâm chính là một niệm thiện căn, niệm niệm tín tâm chính là niệm niệm thiện căn tăng trưởng, cần phải nhanh chóng nỗ lực, nhất định không thể chờ đợi. Nếu như bạn cho rằng vẫn còn ngày mai, vẫn còn năm sau, vẫn thong thả qua loa như vậy thì một đời này sẽ luống qua uổng phí, đến lúc lâm chung hối hận cũng không kịp. Cho nên, chúng ta phải xây dựng tín tâm, phải tinh cần nỗ lực. Phật pháp bất luận là tông phái nào, Hiển giáo, Mật giáo, tổ sư đại đức đều dạy chúng ta phải tu từ căn bản, cái gì là căn bản? Tâm là căn bản. 

Trong thế pháp, Quản Trọng đã nói: “Vui vẻ tiếp người thì thân như huynh đệ”, lời nói này rất có đạo lý, “nóng giận tiếp người thì tàn khốc như chiến tranh”. Nhà Phật thì dạy chúng ta “tươi cười tiếp người”, các vị xem đạo tràng của nhà Phật, kiến trúc đầu tiên là điện Thiên Vương, trong điện Thiên Vương thờ Di-lặc Bồ-tát, tạo tượng Di-lặc Bồ-tát là tạo tượng của hòa thượng Bố Đại. Đây chính là dạy chúng ta phải dưỡng tâm, phải tu tâm, tâm phải lớn, phải biết bao dung phải biết tha thứ, phải biết lấy hoan hỷ mà đối đãi với tất cả chúng sanh, đối đãi với tất cả mọi người, đây là điều đầu tiên trong giáo học Phật pháp. Thành tựu của một người chính là ở đức hạnh, đức hạnh chính là thực tiễn của trí tuệ chân thật, học vấn chân thật. Khổng tử là một bình dân, bình dân thông thường, không có địa vị, không có tiền của, vì sao ngài có thành tựu thù thắng như vậy? Thích-ca Mâu-ni Phật tuy sinh ra trong hoàng tộc, nhưng ngài đã xả bỏ, địa vị, tiền của thảy đều xả hết, trải qua một đời sống bình dân thông thường nhất. Thành tựu của ngài là gì? Thật ra mà nói, chính là một tấm lòng yêu thương thanh tịnh bình đẳng, yêu thương hết thảy chúng sanh. 

Chúng tôi trong quá trình tu học bốn mươi mấy, gần năm mươi năm này, tổng kết giáo huấn của Phật Bồ-tát, đã tìm ra một cương lĩnh, nếu khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng ta, đều có thể không trái nghịch với cương lĩnh này, y giáo phụng hành thì tự nhiên có thành tựu. Cả đời tu học này của tôi, không có che giấu bất cứ điều gì, tất cả đều phụng hiến cho mọi ngườiTu tâm, đầu tiên phải tu tâm chân thành, đừng sợ người ta dùng giả dối đối đãi với mình, chúng ta phải dùng tâm chân thành đối đãi với người. Phải biết, họ dùng tâm giả dối đối đãi với ta là lẽ đương nhiên, tại sao vậy? Vì họ đối với chân tướng sự thật không hiểu rõ, họ không biết được hư không pháp giới tất cả chúng sanh là cùng một duyên khởi, họ không biết được hư không pháp giới là do một niệm tự tánh biến hiện ra. Cho nên họ dùng tâm không thành thật để đối người tiếp vật, đó là chuyện đương nhiên! Phật Bồ-tát thì hiểu rõ, chúng tôi tiếp nhận Phật pháp hun đúc cũng gần năm mươi năm rồi, chúng tôi đã hiểu rõ. Sau khi hiểu rõ rồi mà vẫn muốn dùng tâm giả dối để đối đãi người thì đó là tội lỗi, không hiểu rõ thì không hề gì, hiểu rõ rồi thì không thể được. Phải dưỡng tâm chân thành của mình, tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh chính là xả bỏ hết thảy chấp trước, buông xuống thị phi nhân ngã, những thứ này không để ở trong tâm thì tâm bạn liền được thanh tịnh. Dưỡng tâm bình đẳng của chính mình, rời khỏi hết thảy vọng tưởng phân biệt, rời khỏi hết thảy thị phi cao thấp thì tâm liền bình đẳng; tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng chính là tâm chân thành, chính là tâm giác ngộ. Dùng tâm này để nhìn hết thảy chúng sanh, để nhìn hết thảy vạn vật thì tâm yêu thương tự nhiên liền lưu lộ ra. Cho nên đề kinh của kinh Vô Lượng Thọ, đã nêu ra cương lĩnh tu hành cho chúng ta, là năm chữ “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Pháp môn Tịnh độ chính là hạ công phu dựa trên thanh tịnh, bình đẳng. Thanh tịnh bình đẳng thì giác ngay, giác chính là chân thành, giác chính là từ bi, đây là dưỡng tâm. 

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 10