/ 10
133

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Tập 4

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore

Thời gian: 22/05/1999

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, đây là từ xưa đến nay ở Trung Quốc, thông thường đại chúng trong xã hội đều rất xem trọng, người y theo phương pháp này tu học rất nhiều, đạt được cảm ứng cũng không thể nghĩ bàn. Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, chính là hội tập rất nhiều sự tích của cảm ứng, hiệu quả vô cùng rõ rệt. Cổ nhân khuyên dạy chúng ta, tâm địa con người phải hậu đạo. Lần này tôi đến châu Úc, tuy thời gian chỉ có bốn ngày, các đồng tu cũng không bỏ lỡ, muốn tôi dùng thời gian bốn ngày này, đem đại ý của Liễu Phàm Tứ Huấn giới thiệu cho mọi người. Đạo lý của cảm ứng, phần khai tông minh nghĩa nói được rất rõ ràng, trong kinh Dịch nói: “Nhà tích điều thiện ắt thừa niềm vui, nhà tích điều bất thiện ắt thừa tai ương.” Giữ tâm hậu đạo thì nhất định có phước về sau; giữ tâm khắc nghiệt, cho dù hoàn cảnh trước mắt rất thịnh vượng, thế nhưng không bao lâu ắt sẽ suy thoáiLý luận và sự thật này, xưa nay trong và ngoài nước, chỉ cần chúng ta tỉ mỉ quan sát thì đều có thể nhìn thấy, hơn nữa thấy được rất rõ ràng. Cho nên bất luận là cá nhân, bất luận là gia đình, đoàn thể, hoặc là quốc gia, phải biết được sự hưng thịnh đều ở giữ tâm hậu đạo, đoạn ác tu thiện.

Cổ nhân nói, phàm là người rõ ràng đạo lý này thì phải đem bài văn này lưu thông rộng khắp. Chúng ta phải nên học tập Ấn Tổ, cả cuộc đời của đại sư Ấn Quang là toàn tâm toàn lực lưu thông bộ sách này, ngoài ra còn có Liễu Phàm Tứ Huấn, An Sĩ Toàn Thư. Ba bộ sách này, có số lượng lưu thông vượt xa kinh luận Phật pháp, Đại sư Ấn Quang làm như vậy là có dụng ý gì? Không gì ngoài việc cứu vãn kiếp nạn của thế gian hiện nay. Kiếp nạn này rất nghiêm trọng, chúng ta phải nhận thức rõ ràng. Kiếp nạn từ đâu mà tạo thành? Từ nhân tâm, nhân hạnh mà tạo thành, tâm hạnh bất thiện liền tạo thành kiếp nạn. Nhà Phật thường nói: “Y báo tùy theo chánh báo chuyển”, y báo là hoàn cảnh của chúng ta, chánh báo là lòng người, là hành vi. Lòng người thiện thì hoàn cảnh đời sống chúng ta liền tốt; lòng người bất thiện thì hoàn cảnh liền xấu đi. Cho nên quyển sách này nhất định phải đọc thuộc nghĩ sâu, nỗ lực phụng hành, ở trong đời sống thường ngày khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, nghĩ xem có tương ưng với giáo huấn của Cảm Ứng Thiên hay không? Nếu tương ưng thì chúng ta có thể nghĩ, có thể nói, có thể làm; không tương ưng thì không thể được. Cho nên nhất định phải đọc thuộc trước, phải thường xuyên tư duy nghĩa lý ở bên trong, đọc thuộc nghĩ sâu, nỗ lực phụng hành thì tiền đồ của bạn xán lạn vô cùng.

Chính tôi học Phật, tôi năm 26 tuổi tiếp xúc với Phật pháp, rất nhiều đồng tu đều biết, tôi không có phước báo, cũng không sống thọ. Không chỉ có một người xem tướng đoán mệnh cho tôi, mà có rất nhiều người đều nói tôi không qua khỏi 45 tuổi, tôi tin tưởng, vì rất nhiều thế hệ trong nhà tôi đều không qua 45 tuổi, cho nên tôi có thể tiếp nhận. Tôi không có phước báo là do trong đời quá khứ không tu phước, may mắn là tôi vẫn còn một chút thiện căn, vẫn còn một chút thông minh trí tuệ, đủ để tiếp nhận thiện pháp. Năm đó lão cư sĩ Chu Kính Trụ đem quyển Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên giới thiệu cho tôi, sau khi đọc xong tôi rất cảm động, biết được khuyết điểm của mình, liền sửa đổi lỗi lầm, thay đổi bản thân, học nhẫn nhục, học nhẫn nhường. Hiện nay vẫn còn một chút thọ mạng như vậy, dường như vẫn còn một chút phước báo như vậy, đây không phải đời trước tu, mà do những gì đời này tu được, nói thật ra là đắc lực nhờ lời dạy của Ấn Tổ. Ba loại sách này tôi đều đã giảng qua vài lần, lần này các đồng tu thỉnh tôi giảng lại lần nữa, tôi nói tốt, cũng đúng lúc. Mọi người học Phật công phu không đắc lực, niệm Phật không thể được công phu thành phiến, tham thiền không thể đắc thiền định, nghiên giáo không thể viên giải, nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Chúng ta phải tìm cho ra nguyên nhân này, tiêu trừ nhân tố này thì bất luận tu học pháp môn nào, công phu sẽ đắc lực.

Đặc biệt là thế gian hiện nay, thế giới này, mỗi một khu vực đều liên tục xảy ra tai nạn, năm sau nhiều hơn năm trước, lần sau nghiêm trọng hơn lần trước, chúng ta phải có tâm cảnh giác. Tháng trước, có một vị đồng tu ở châu Úc gửi đến ba quyển sách lớn là “Dự ngôn cổ xưa của phương Tây”, tôi đã dùng thời gian hai tuần để đọc hết, tôi mới thật sự hiểu rõ. Trước đây chúng tôi cũng xem qua một số quyển trích lục, nhưng trích lục không hoàn chỉnh nên không rõ, cũng là do chính mình tu dưỡng không đủ. Bây giờ xem thấy nguyên văn, đọc được toàn văn tôi mới hiểu được, toàn thế giới đều biết, Nostradamus là nhà tiên tri nổi tiếng của phương Tây, con người này thực tế mà nói, cùng với Khổng tiên sinh được nói tới trong Liễu Phàm Tứ Huấn là nhân vật giống nhau. Ông đối với sự thay đổi của xã hội tương lai, tình hình thịnh trị hay động loạn đều đoán được rất chính xác, thế nhưng không có cách gì hóa giải. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn, Khổng tiên sinh đoán được rất chuẩn xác vận mệnh của Viên Liễu Phàm nhưng cũng không có cách gì sửa đổi. Tiên sinh Viên Liễu Phàm rất may mắn, gặp được thiền sư Vân Cốc, dạy ông mệnh là do mình tạo, đương nhiên mình có thể sửa, cải tạo vận mệnh, ông đã sửa thành công. Trong các triều đại của Trung Quốc, người giống như tiên sinh Liễu Phàm nhiều không tính kể. Bạn hiểu được đạo lý, hiểu được phương pháp thì bạn liền có thể cải tạo vận mệnh, sáng tạo vận mệnh, tiền đồ là một mảng xán lạn. Hiểu được đạo lý này rất khó, không phải là việc dễ, thấu triệt hiểu rõ phương pháp cũng không phải dễ dàng. Cho nên, chúng ta nhất định phải hết lòng nỗ lực học tập, đạo lý này rất sâu. 

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 10