THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Tập 2
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore
Thời gian: 14/05/1999
Chư vị đồng học, bắt đầu hôm nay, chúng ta cùng nhau học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Bản văn này kể ra cũng không dài lắm, chỉ có hơn 1.300 chữ, tựa đề gọi là Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. “Thái Thượng”, hai chữ này là tôn xưng, hàm nghĩa rất sâu. Phật Bồ-tát giảng kinh thuyết pháp cho chúng ta hoàn toàn là lưu xuất từ tự tánh, cho nên không phải là một người nào đó giảng. Nếu như chúng ta cho rằng kinh Phật là những gì do Thích-ca Mâu-ni Phật nói, vậy thì sai rồi. Trong rất nhiều kinh luận chúng ta xem thấy, chính Phật nói ngài cả đời chưa từng giảng qua kinh, ngài cả đời chưa từng nói qua một chữ. Lời này là lời thật, không phải khiêm tốn, cũng không phải tùy tiện nói. Phàm phu chấp trước có “ta”, cho nên khi nói pháp thì “tôi nói”, “anh nói”, “ông ấy nói”. Chư Phật Bồ-tát vô ngã, trong kinh Kim Cang nói rất rõ ràng, không những là “không tướng ta, không tướng người, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả”, mà ngay đến ý niệm cũng không có, gọi là “không thấy ta, không thấy người, không thấy chúng sanh, không thấy thọ giả”, cái thấy đó là kiến giải, ý niệm không những không chấp tướng, mà ngay cả ý niệm cũng không có. Từ đâu mà ngài nói ra vậy? Lưu xuất từ chân tánh. Chân tánh không phải là chân tánh của người khác, mà là chân tánh của chính chúng ta, đạo lý này nhất định phải hiểu. Lưu xuất từ tự tánh, đây là chân thật; nếu như từ tâm ý thức, ý thức là của cá nhân, vậy thì lời nói đó không đáng tin cậy.
Thánh nhân xuất thế gian, trong Phật pháp thường nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật.” Thế gian cũng có thánh nhân, những người này có kiến tánh hay không? Có thành Phật hay không? Phật có lời phương tiện, nói thánh nhân thế gian chưa thể kiến tánh, đây là lời phương tiện. Nói lời chân thật, trong kinh luận Đại thừa nói được rất nhiều, chư Phật Như Lai ứng hóa ở thế gian là tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp, làm sao biết được họ không phải là chư Phật Như Lai hóa thân thị hiện? Lúc trước có người nói, Khổng tử là Đồng Nho Bồ-tát, có người đến hỏi tôi, lời nói này có đáng tin hay không? Chúng ta y theo cách trả lời thường lệ của tổ sư, không thể phân định có hay là không. Bởi vì bạn nói ngài là Bồ-tát nhưng tìm không ra căn cứ, chúng ta không thể nói tùy tiện; nếu bạn nói ngài không phải là Bồ-tát, từ trên nguyên lý mà nói thì Bồ-tát ứng hóa ở thế gian cũng có khả năng. Nếu như thật sự khế nhập cảnh giới thì tất cả chúng sanh, có người nào không phải là Bồ-tát? Có người nào không phải là Như Lai? Đề tựa này cũng là như vậy, chánh văn cũng là như vậy, vừa mở đầu là hai chữ “thái thượng” đứng đầu. Đồng tu học Phật chúng ta cần phải hiểu rõ, hai chữ đứng đầu này là lưu lộ của tự tánh, tánh đức, là chí cao vô thượng; hay nói cách khác, chúng ta có thể lý giải, có thể phụng hành chính là thuận theo tánh đức. Thuận theo tánh đức đây là chân thiện, trái với tánh đức đây gọi là ác, đây là tiêu chuẩn tối cao của thiện ác, là tiêu chuẩn tuyệt đối của thiện ác. Hai chữ này đứng đầu là để chúng ta phải cảnh giác, không thể lơ là, dụng ý là ở chỗ này.
Kế tiếp là cảm và ứng. “Cảm”, người xưa có một thí dụ giống như trồng trọt, “ứng” giống như khai hoa kết quả. Dùng hai chữ này làm tên gọi cho một tác phẩm văn chương, chính là nói rõ “có cảm nhất định có ứng”, đây là đạo lý gì? Cảm ứng đều là y theo tự tánh mà sanh khởi. Tự tánh ở khắp mọi nơi, ở khắp mọi thời, ngày nay chúng ta gọi là thời gian và không gian, trong tự tánh không có phân ra, thời gian và không gian là một mảng, cho nên có cảm ắt có ứng. Trên thân thể mỗi người chúng ta, gọi là “nhổ một sợi tóc mà động toàn thân”, một sợi tóc rất nhỏ không đáng kể, nếu như khi chúng ta giựt nó thì toàn thân liền cảm thấy khó chịu, bạn động đến một sợi tóc đây là cảm, toàn thân khó chịu đó là ứng. Do đây có thể biết, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng ta, đừng cho rằng đây là chuyện nhỏ, không có vấn đề gì, một ý niệm cực nhỏ đều có thể chấn động hư không pháp giới. Chúng ta không biết được, đã mê mất. Cũng giống như một sợi lông trên thân chúng ta vậy, chúng ta nhổ một sợi lông thì toàn thân đều có thể cảm nhận được. Việc này mọi người đều biết, đây là thân thể chúng ta. Thế nhưng bạn không thể hiểu được hư không pháp giới, hết thảy chúng sanh là pháp thân thanh tịnh của chính mình, đều là một thể. Chính bởi vì nó là một thể, cho nên cảm ứng không thể nghĩ bàn, có cảm ắt ứng, tùy cảm tùy ứng.