/ 10
253

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Tập 1

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore

Thời gian: 11/05/1999

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Gần đây có một số đồng tu mong muốn tôi giảng lại Thái Thượng Cảm Ứng Thiên một lần nữa, hy vọng được đưa đến đài truyền hình để phát sóng, đây là một việc tốt. Thế nhưng thời gian giảng lại một lần cũng tương đối dài, gần đây chúng tôi ở nơi đây bắt đầu giảng kinh Hoa Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Địa Tạng, cùng lúc giảng ba bộ kinh này đã đủ nhiều rồi, nay lại thêm một loại nữa, cảm thấy phân lượng quá nặng. Cho nên nghĩ đi nghĩ lại, tôi tranh thủ thời gian nửa tiếng đồng hồ vào mỗi buổi sáng, chúng tôi dự định từ hai đến ba tháng sẽ giảng viên mãn khóa trình này.

Khóa trình này, thật ra mà nói là vô cùng quan trọng, cuối triều Thanh, đầu thời Dân Quốc, đại sư Ấn Quang đặc biệt đề xướng pháp môn này. Vào năm cuối triều Thanh, đại sư Ấn Quang đang ở núi Phổ Đà, bấy giờ tri huyện Định Hải, triều Thanh gọi là tri huyện, đã lên núi lễ thỉnh đại sư Ấn Quang đến huyện Định Hải giảng kinh hoằng pháp. Bởi vì giọng địa phương của đại sư rất nặng, ngài là người Sơn Tây, cho nên có trở ngại về mặt ngôn ngữ, ngài liền cử một vị pháp sư đến huyện Định Hải để giảng kinh. Pháp sư ấy giảng kinh gì vậy? Dường như là giảng Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn. Chúng tôi từ trong tài liệu lịch sử xem thấy thông tin này thì hết sức kinh ngạc, quan đứng đầu địa phương thỉnh pháp sư đến giảng kinh, nhưng pháp sư không giảng kinh Phật mà giảng kinh điển của Đạo giáo. Đặc biệt là cả đời Ấn Tổ cực lực đề xướng những loại thư tịch như Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên. Thế nên bị người đương thời cũng như đời sau phê bình Ấn Tổ rất nhiều, đây đều là tri kiến của phàm phu. Trong Phật pháp, tôi nghĩ rất nhiều đồng tu đều biết có một câu nói như thế này: “Người viên thuyết pháp, không pháp nào không viên”; có lẽ cũng có người nghe qua câu khác: “Pháp nào không phải là Phật pháp?” Chúng ta nghĩ thử xem, hai câu này nghĩa là gì? Thật ra mà nói, cái gọi là thế pháp và Phật pháp là từ đâu mà phân ra vậy? Từ trong tâm bạn phân ra. Còn trong pháp thì không có pháp thế gian hay pháp xuất thế gian gì hết, không có phân hai, từ trong tâm phân ra. Nếu như tâm của bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì đó gọi là pháp thế gian, cho dù bạn học kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm thì cũng là pháp thế gian, tại sao vậy? Vì không ra khỏi tam giới. Nếu như rời khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì nói cho quý vị biết, hết thảy pháp đều có thể liễu sanh tử, xuất tam giới, cho nên có pháp nào không phải là Phật pháp đâu! Chúng ta cần phải rõ ràng đạo lý này.

Hôm qua chúng tôi đi thăm Thiên Chúa giáo, có một vị tiên sinh hỏi tôi một vấn đề: “Trong Thiên Chúa giáo gọi là linh hồn, cùng với pháp tánh mà Phật giáo nói, khác biệt ở chỗ nào?” Tôi nói rất đơn giản với ông ấy: “Có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì gọi là linh hồn, không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì gọi là pháp tánh.” Ông ấy lập tức hiểu được, ông thể hội được. Có phải là một việc hay không? Là một việc. Thế nhưng trong một cái có phân biệt chấp trước, còn cái kia thì rời khỏi phân biệt chấp trước, có phân biệt chấp trước thì mọi pháp đều có chướng ngại; rời phân biệt chấp trước thì vạn pháp viên dung. Cho nên phải biết được hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới là một pháp tánh, trong Hoa Nghiêm nói là một pháp thân: “Mười phương ba đời chư Phật cùng đồng một pháp thân”, câu nói này quý vị nghe cũng đã quen tai. Đã cùng đồng một pháp thân, bạn nghĩ thử xem, có pháp nào không phải là Phật pháp! Vậy Cảm Ứng Thiên sao có thể ngoại lệ? Cũng là Phật pháp. Huống hồ Cảm Ứng Thiên và Âm Chất Văn từ đầu đến cuối mỗi câu, mỗi chữ đều là trình bày về ngũ giới thập thiện. Ngũ giới thập thiện trong nhà Phật là pháp căn bản, rời khỏi ngũ giới thập thiện thì người này đang hành tà đạo. Bất luận là bạn tu học pháp môn nào, bất luận bạn là sơ học, hay là La-hán, hay là Đẳng giác Bồ-tát, nếu bạn rời khỏi ngũ giới thập thiện thì bạn là tà đạo, vậy sao gọi là Phật pháp cho được? Muốn giảng ngũ giới thập thiện được viên mãn, giảng được thực tế thì Cảm Ứng Thiên và Âm Chất Văn là giáo trình tốt. Nhất là ở giai đoạn hiện nay của chúng ta, đại sư Ấn Quang đã thấy rất rõ ràng, thế gian này có động loạn, có tai nạn, nếu muốn cứu vãn tai nạn này chỉ có một phương pháp, đó là thức tỉnh hết thảy chúng sanh chân thật giác ngộ, đoạn ác tu thiện. Tai nạn này cho dù không thể hoàn toàn hóa giải nhưng cũng làm cho những tai nạn này giảm nhẹ, thời gian của tai nạn được rút ngắn, đây là khẳng định có thể làm được.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 10