/ 14
26

SA DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

TẬP 9

Nguyên bản: Ngẫu Ích Sa môn Trí Húc, y theo Luật Tạng biên tập

Người giảng: Pháp Sư Định Hoằng

Giảng tại: Chùa Viên Minh, Hương Cảng

Thời gian: 20/08/2012

Dịch giả: Thích Thiện Trang


Trân trọng kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu, cùng chư vị đồng tu đang xem trực tiếp qua mạng Internet. Chúc mọi người tốt lành! Chúng ta tiếp tục học tập Sa Di Giới Yếu. Thỉnh mọi người xem trang 17 trong quyển kinh, thỉnh mọi người xem điều thứ 15:

“Nếu thầy thân tâm mệt mỏi, bảo đi thì nên đi, không được tâm tình không vui, biểu hiện ra trên sắc mặt.”

Đây tiếp tục nói về hầu thầy, phụng sự sư trưởng ra làm sao. Nếu như sư trưởng thân tâm mệt mỏi, Ngài không muốn nói chuyện với quý vị nữa, tức bảo quý vị hãy trở ra trước, ta muốn nghỉ ngơi. Lúc đó quý vị nên nhanh chóng đi ra, dù cho muốn thỉnh hỏi Phật pháp, hoặc muốn hỏi chuyện thường, đều không nên tiếp tục hỏi. Trừ khi là vô cùng khẩn cấp, sự việc thông thường có thể để ngày hôm sau hỏi, nên rời khỏi. Không thể cảm thấy, tôi không dễ gì hẹn gặp sư trưởng, mà sư trưởng lại mệt mỏi rồi, tâm thái liền không vui, thậm chí có oán giận, như vậy là không tốt. Thậm chí “biểu hiện ra trên sắc mặt”, lời nói, trong tâm không hài lòng, sắc mặt cũng khó coi, sắc mặt như vậy là đại bất kính với sư trưởng. Hễ đối với sư trưởng, kể cả đối với cha mẹ người lớn mà có “tâm thái không vui”, có oán giận, đó đều là đại bất hiếu, đại bất kính, không nên có. Nếu như có, thì phải mau mau sám hối, từ bỏ. Trong Đệ Tử Quy cũng có cách nói tương tự, đó là “bảo đi nên đi”, thí dụ như “Người không an, không làm phiền”, “người đang bận, đừng quấy nhiễu”, đều là không nên làm phiền người khác, cố gắng tôn trọng người khác đang nghỉ ngơi, đây là sự tôn trọng tối thiểu nhất. “Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”, “sư trưởng bảo” cũng là “chớ làm biếng”, sai quý vị làm gì thì quý vị lập tức đi làm nhanh. Đương nhiên cũng bao gồm bảo quý vị làm việc nặng nhọc, bảo quý vị đi phục vụ, thì quý vị cũng phải lập tức đi chớ làm biếng.

Điều thứ 16:

“Phàm có việc phạm giới v.v. thì không được che giấu, mau mau đến gặp thầy, tinh thành xin sám hối. Thầy chấp nhận thì tận tình phát lồ, tinh thần hối cải, được thanh tịnh trở lại, nếu phạm bốn giới căn bản, thì phải y theo quyết nghi của thầy, mới có thể thực hành thủ tướng sám.”

Đây nói tới chính mình có lỗi lầm đã phạm giới, 10 giới Sa di, 24 môn oai nghi, thậm chí tương lai đã thọ giới Tỳ kheo, “Phàm có việc phạm giới v.v.”, đều không thể “che giấu”. Không chịu nói ra, giấu ở trong tâm, như vậy làm cho tội vĩnh viễn không sám trừ được, vả lại là thói quen sẽ lần thêm lớn, cần phải mau mau đến gặp sư phụ thiết tha cầu sám hối, cầu xin sư phụ tha thứ. Đương nhiên trước khi sám hối phải hỏi qua sư phụ, hiện giờ con có thể hướng sư phụ sám hối được không? Sư phụ đồng ý, thì quý vị mới “tận tình phát lồ”. Tận tình tức là không có một chút tơ hào giấu diếm, đều nói ra hết. Quý vị dám nói ra, thì quý vị mới có dũng khí để cải lỗi, làm mới chính mình. Quý vị không chịu phát lồ, thì làm sao quý vị có thể sửa đổi được? Cho nên phát lồ sám hối, đó là nền móng của sửa lỗi. Phải “tinh thành sám hối”, phát lồ nói ra, để thừa nhận lỗi lầm, mà đồng thời trước mặt sư trưởng phát nguyện sau không tái phạm. Quý vị phải làm thật sự, tinh thành hối cải. Tinh là tinh chuyên, tôi sửa lỗi phải dùng tâm; thành là chân thành, không phải giả dối, không dối mình, không dối người. Có lỗi phải sửa lỗi, làm mới chính mình, “được thanh tịnh trở lại”, tội nghiệp này của quý vị liền có thể tiêu trừ. Chúng ta phải cảm ơn sư trưởng làm tăng thượng duyên cho chúng ta sám hối, nếu như không có sư trưởng, thì chúng ta muốn sám hối đều không biết đối trước ai để phát lồ. Cho nên chúng ta cảm ơn sư trưởng. Đương nhiên cũng có thể hướng đồng tu của mình, thật sự có tri kiến chính xác, có đức hạnh, họ nghe tội nghiệp của quý vị, mà sẽ không chê cười, hủy báng quý vị, đó là người đáng tin cậy, chúng ta cũng có thể hướng họ sám hối.

Cũng nói lại rằng, chúng ta phát lồ sám hối, thì cũng không phải sợ người ta nói lỗi của chúng ta. Người ta nói lỗi của chúng ta thì cũng như giúp chúng ta tiêu nghiệp chướng, nên không phải sợ. Tôi không dám nói, nói rồi sợ người khác đều biết được, tôi rất xấu hổ, tâm thái quý vị như vậy thì làm sao được thanh tịnh. Thật ra người ta đều nói quý vị, phê bình quý vị, cười chê quý vị, hủy báng quý vị, thì mới giúp quý vị tiêu nghiệp chướng. Vốn nghiệp chướng đó, thì khả năng quý vị phải đọa ác đạo, nhưng do nhờ người khác sỉ nhục, hủy báng, nên nghiệp chướng của quý vị tiêu trừ hết rồi, không phải đọa ác đọa nữa. Tội nghiệp đó ai tiêu cho quý vị? Chính là người hủy báng quý vị, người cười chê quý vị, họ giúp quý vị bỏ đi nghiệp rồi, quý vị phải cảm ơn họ, quý vị thấy họ làm vậy là đại từ đại bi giúp quý vị tiêu nghiệp chướng, quý vị có nên cảm ơn không? Sao có thể lại hận họ được chứ? Do đó đừng nên sợ người ta chê cười, sỉ nhục chúng ta, có tội phải sám, có lỗi phải sửa. Đệ Tử Quy cũng nói “Vật tuy nhỏ, chớ cất riêng, nếu cất riêng, cha mẹ buồn”, chúng ta đem vật đổi thành tội thì “tội tuy nhỏ, chớ cất riêng, nếu cất riêng, thầy buồn thương”, thì liền hoàn toàn tương ứng với trên. Đây là cung kính đối với lão sư, tức là thật sự y giáo phụng hành, còn có “Biết sửa lỗi, không còn lỗi, nếu che giấu, lỗi chồng thêm”, là hoàn toàn tương ưng, có lỗi phải sửa, sửa rồi liền không còn, tức là được thanh tịnh, nghiệp thân khẩu đều thanh tịnh rồi. Nếu như quý vị còn che giấu, thì tội này lại tăng thêm tội.

/ 14