/ 14
42

SA DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

TẬP 10

Nguyên bản: Ngẫu Ích Sa môn Trí Húc, y theo Luật Tạng biên tập

Người giảng: Pháp Sư Định Hoằng

Giảng tại: Chùa Viên Minh, Hương Cảng

Thời gian: 21/08/2012

Dịch giả: Thích Thiện Trang


Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị Đại đức đồng tu, cùng tất cả chư vị đồng tu đang theo dõi trực tiếp trên mạng Internet. Chúc mọi người buổi sáng tốt lành! Chúng ta tiếp tục học tập Sa Di Giới Yếu, mời mở trang 22 trong bản Kinh. Chúng ta tiếp tục đọc Oai nghi thứ tư “Nhập chúng”, tức là làm sao ở cùng tứ chúng đồng tu. Chúng ta xem điều thứ 13:

“Không nói nhiều, cười nhiều, nếu cười lớn hoặc ngáp thì phải lấy tay áo che miệng”

Đây rất là rõ ràng, tức là không thể nói nhiều, cười giỡn nhiều. Nếu như thật lúc không thể nhịn được phải cười lớn, hoặc ngáp, đều phải dùng tay áo che miệng lại, đây là một loại oai nghi. Đối trước người ta nhe răng nhếch miệng, nhe hàm mà cười, hoặc ngáp, há miệng lớn, đều rất là khó coi. “Không nói nhiều, cười nhiều”, thì Đệ Tử Quy cũng dạy tương tự “nói nhiều lời, không bằng ít”, nói càng ít càng tốt. Người chân chánh tu hành, họ đều nói rất ít. Lão Hòa thượng Hư Vân đều là im lặng ít nói, bình thường là nhắm mắt, thường không nhìn, không để chịu ảnh hưởng của cảnh giới bên ngoài. Điều thứ 14 là:

“Không được đi gấp gáp”

Đây nói đi theo cách khoan thai, bước đi phải khoan thai thanh thoát, không thể đi quá nhanh, vừa đi vừa chạy, vừa đi vừa chạy đều không nên. Trong bốn oai nghi nói “đi như gió”, gió ở đây không phải là cuồng phong, gió lốc, không nói đi đến đâu là giống như một trận cuồng phong đến đó. Mà như gió nhẹ, thổi chầm chậm, biểu thị bạn bước đi rất nhẹ, rất an tường, vả lại vững chải chậm từng bước. Như quá khứ ông Tăng Quốc Phiên huấn luyện đệ tử của mình, đi đứng, nói năng, làm việc đều phải chậm. Chậm tức là an tường, bình thản là oai nghi, những động tác chậm rãi, là thể hiện rất có oai nghi, động tác nhanh quá là thể hiện nóng nảy gấp gáp, tính khí bộp chộp nóng nảy, thì oai nghi cũng không có rồi. Điều thứ 15:

“Không được lấy đèn của Phật để mình dùng”

Đèn của Phật là vật của Tam Bảo, đồng tu tại gia chúng ta đều không thể tự tiện dùng vật của chung, đây là phạm giới trộm, huống là đem vật của thường trụ trong đạo tràng để mình dùng riêng. Bạn muốn đèn, thì bạn có thể gặp thường trụ hỏi xin, thí dụ nói vui lòng cho mượn một cái đèn bàn, như vậy có thể được. Chứ không được không hỏi mà tự lấy, và còn đem đèn của Phật để tự mình dùng, là vô cùng không nên. Đó là “vật tuy nhỏ, chớ cất riêng”, cũng đừng dùng riêng. Điều thứ 16:

“Thắp đèn, phải lấy lồng che lại, chớ để con trùng bay vào”

Đốt đèn, thời trước đều là dùng đèn dầu hoặc đèn cầy, lửa cháy sẽ khiến những côn trùng thiêu thân xông vào lửa, chúng ta phải thương yêu những sanh mạng nhỏ này, nên đem che đèn lại, như vậy để những côn trùng không bay vào. Đó là “phiếm ái chúng”, chúng là bao gồm tất cả chúng sanh, không chỉ là người, đối với côn trùng cũng phải yêu thương vậy. Cổ nhân nói “yêu chuột thường để cơm, thương bướm không đốt đèn”, đây là thể hiện lòng từ bi. Điều thứ 17:

“Hoa cúng Phật, nên lấy hoa nở tròn đầy, không được ngửi trước, bỏ đi hoa héo rồi mới cúng hoa mới, hoa héo không được bỏ xuống đất giẫm đạp, nên đem bỏ chỗ khuất”

Hoa để cúng Phật thì nhất định phải dùng hoa tốt, hoa nở được viên mãn; hoa chưa có nở hoặc đã héo tàn thì không thể lấy cúng Phật, đây là cung kính đối với Phật. Thấy hoa đẹp, thì chúng ta không thể trước đưa mũi mình ngửi rồi sau đó đem cúng Phật, như vậy không được, Phật đều không ngửi trước, sao bạn có thể ngửi trước? Đây là điều tối thiểu mà chúng ta kính Tam Bảo phải làm được. Chúng ta cúng Phật, mỗi ngày đều phải có hoa tươi, thì nhất định có những hoa héo tàn, rụng, nên chúng ta trước phải bỏ hoa héo tàn đi, sau đó mới thay hoa mới. Không thể tùy tiện ném bỏ hoa đã héo xuống đất, khiến bị người đạp, như vậy là không tốt, suy cho cùng hoa đó đã cúng Phật. Nên phải đem bỏ “chỗ khuất”, tức là chỗ vắng vẻ, hoặc đem bao gói lại, làm như thu hồi để xử lý, tìm hố để bỏ xuống; hoặc không có điều kiện làm được việc đó thì cung cung kính kính đem bao lại, rồi cũng có thể bỏ vào thùng rác, nhưng quan trọng là phải có tâm cung kính. Điều thứ 18:

/ 14