/ 14
25

SA DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

TẬP 6

Nguyên bản: Ngẫu Ích Sa môn Trí Húc, y theo Luật Tạng biên tập

Người giảng: Pháp Sư Định Hoằng

Giảng tại: Chùa Viên Minh, Hương Cảng

Thời gian: 19/08/2012

Dịch giả: Thích Thiện Trang


Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị Đại đức đồng tu, chúc mọi người tốt lành! Chúng ta tiếp tục học tập Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu. Mời mọi người mở trang 8 trong sách. Hôm nay chúng ta giảng đến điều giới thứ tư:

“Giới thứ tư: không vọng ngữ. Nếu chưa chứng Tứ quả mà nói dối đã chứng, chưa đắc được Tứ thiền mà nói dối đã đắc, chưa ngộ đạo mà nói dối đã ngộ. Và nói dối trời đến, rồng đến, quỷ thần đến v.v. hư dối không thật, lừa dối người đời là Đại vọng Ngữ, thì phạm trọng tội mất giới Sa di, không thông sám hối.”

Vọng ngữ, đó là lời nói giả dối lừa gạt người, hư dối không thật, biết rõ ràng như vậy mà lại nói thế khác, nói không đúng với sự thật, vả lại tâm còn cố ý nói bịa đặt, đó gọi là vọng ngữ. Vọng ngữ rất nặng như vừa nói ở trên, đây là Đại vọng Ngữ, điều thứ nhất là chính mình chưa chứng quả mà nói mình đã chứng quả. Chứng quả ở đây bao gồm 4 quả vị là: sơ quả Tu đà hoàn, nhị quả Tư đà hàm, tam quả A na hàm và tứ quả A la hán. Chưa chứng được những quả vị đó mà nói đã chứng được. Chưa đắc thiền định, Tứ thiền là chỉ cho loại định của trời Tứ thiền, tu thiền định mới được sanh đến những cõi trời này, tự mình chưa đắc được định mà nói tôi đã đắc được định. Đó là biết rõ chưa đắc mà nói đắc, vì sao vậy? Vì để dối gạt đại chúng, để gạt lấy được tiếng tăm lợi dưỡng, sự cúng dường của đại chúng, đó là thuộc về tạo Đại vọng Ngữ. Còn có “chưa ngộ đạo mà nói dối đã ngộ”, tức là chưa khai ngộ, chưa khai trí huệ, mà nói mình đã khai trí huệ. Và nói dối người trời đến rồi, hoặc là rồng đến rồi, quỷ thần đến rồi, nhưng thật tế chính mình không thấy họ đến, đó là nói để lừa gạt chúng sanh. Đây là “hư dối không thật, cuống hoặc người đời”, cuống là dối trá, hoặc là mê hoặc. Đó đều gọi là Đại vọng Ngữ, là phạm trọng tội. Tội này sẽ khiến người đó đọa vào địa ngục A Tỳ, cùng với nghịch tội gần như bằng nhau, đó đương nhiên là mất giới Sa di, vả lại “không thông sám hối”. Phàm đã làm Đại vọng Ngữ như vậy, thì phải bị diệt tẩn, trục xuất khỏi Tăng đoàn, không được ở trong Tăng đoàn.

Cho nên đây là điều mà người tu hành phải đặc biệt chú ý, không được có một chút xíu tâm giả dối, không được có một tơ hào tâm tham lam danh lợi. Tuyệt đại đa số người tạo Đại vọng Ngữ đều là vì tham lam danh văn lợi dưỡng. Hiện nay trong xã hội cũng có rất nhiều người liều mạng, thật không sợ đọa địa ngục A Tỳ, nói mình là Bồ-tát gì đó tái lai, thậm chí nói mình là Phật gì đó tái lai. Từ xưa đến nay có một quy tắc như vầy, phàm là Phật Bồ-tát tái lai, nếu thân phận của họ bộc lộ rồi, tất liền phải vãng sanh, phải rời khỏi nhân gian. Trong lịch sử thật sự có không ít Tổ sư Đại đức là Phật Bồ tát tái lai, như Tổ thứ 6 Tịnh độ tông chúng ta là Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, Ngài là Phật A Di Đà tái lai. Thân phận của Ngài làm sao mà bộc lộ? Thời ấy, nhà vua mời Ngài làm Quốc sư, có một lần vua muốn mở tiệc chiêu đãi Tăng nhân, vua mong có 1000 vị Tăng đến ứng cúng. Kết quả lúc đó mọi người đều đến đủ, vị trí ghế trên cùng còn trống, mọi người đều không ngồi, bởi cảm thấy đức hạnh của mình không đủ, ghế trên đó nên để cho người chân chánh tu hành, mọi người đều nhường lẫn nhau, ông nhường tôi, tôi nhường ông. Đột nhiên có một vị Hòa thượng tai to, không ai biết, lại đến ngồi lên vị trí chủ tọa đó, mọi người thấy có người ngồi rồi, cũng không sao, liền ngồi xuống để ăn cơm.

Sau bữa ăn, vua liền hỏi Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, hôm nay có Phật Bồ Tát đến ứng cúng không? Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ nói có. Là ai? Đó là một vị cổ Phật tái lai? Là vị cổ Phật nào tái lai? Ngài nói: Người có tai to, ngồi ở vị trí chủ tọa là cổ Phật tái lai. Vua nghe nói thì rất vui mừng, lập tức phái người đuổi theo vị cổ Phật, sợ cổ Phật đi mất. Đuổi một mạch, theo đến một hang núi, thấy Hòa thượng tai to đang ngồi thiền, đến gần để thỉnh Ngài, nói rằng: Hoàng thượng thỉnh Ngài vào cung làm Quốc sư. Hòa thượng tai to liền cười nói: “Di Đà nhiêu thiệt”, Di Đà là Phật A Di Đà, nhiêu thiệt tức là nhiều chuyện, “đem thân phận của ta nói ra”, nói xong Ngài liền viên tịch, đi rồi. Những người đó thấy vậy thất vọng buồn bã, mong thỉnh vị cổ Phật đó, mà Ngài đi mất rồi. Trở về báo cáo với vua, vua nghe rồi cũng rất tiếc nuối, bèn hỏi, “trước khi ra đi cổ Phật có nói gì không?”, “Dạ thật có nói một câu: Di Đà nhiều chuyện”. Ai là Di Đà? Như vậy là lộ ra thân phận của Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, không ngờ Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật! Mau mau đi thỉnh, lập tức sai người đi thỉnh Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ. Người đi thỉnh vừa mới ra cửa, thì đụng trúng một người chạy từ ngoài cửa vào. Liền hỏi, sao ngươi vội vàng vậy? Người đó trả lời, báo cáo Hoàng thượng, Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ đã viễn tịch, đi rồi ạ. Quý vị thấy, hễ thật sự là Phật Bồ Tát tái lai, một khi thân phận bộc lộ thì lập tức liền đi, sẽ không ở lại nhân gian. Ở lại nhân gian thì không phải là tìm sự rắc rối ư? Mọi người sẽ tìm họ, thì không xong rồi, họ không thể ở lại tại đó nữa, tuyệt đối sẽ không làm mê hoặc những thiện nam tín nữ.

/ 14