/ 14
34

SA DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

TẬP 4

Nguyên bản: Ngẫu Ích Sa môn Trí Húc, y theo Luật Tạng biên tập

Người giảng: Pháp Sư Định Hoằng

Giảng tại: Chùa Viên Minh, Hương Cảng

Thời gian: 17/08/2012

Dịch giả: Thích Thiện Trang


Kính chào quý vị Pháp sư, quý vị Đại đức đồng tu, chúc mọi người tốt lành! Chúng ta tiếp tục học tập Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu của Đại sư Ngẫu Ích. Mời mở bản Kinh, trang thứ ba, hàng thứ nhất. Chúng ta ta đọc qua đoạn:

“Sa Di Oai Nghi nói, Sa di có Ngũ đức: một là phát tâm lìa tục vì hoài bội đạo; hai là hủy bỏ hình đẹp vì thích ứng pháp phục; ba là cắt ái từ thân vì không thân sơ; bốn là không kể thân mạng vì tôn sùng Phật pháp; năm là chí cầu đại thừa vì độ chúng sanh.”

Đoạn này là Đại sư Ngẫu Ích trích dẫn bộ Kinh Sa Di Oai Nghi, để nói đầy đủ Ngũ đức của Sa di. Là năm loại đạo đức. Sa Di Oai Nghi là do Sa môn Cầu Na Bạt Ma, người Thiên Trúc dịch vào thời triều nhà Tống. Trong đó nói Sa di đủ có năm đức, “một là phát tâm lìa tục vì hoài bội đạo”, hoài bội là nhớ nghĩ, để trên đầu, giữ gìn tư tưởng. Vì sao phải phát tâm xuất gia, rời bỏ nhà thế tục đến trong cửa Phật để làm Tăng nhân? Bởi vì đạo. Ngay cả quân tử nhà Nho cũng làm được “mưu đạo không mưu thực, lo đạo không lo nghèo”. Chúng ta vì đạo mà đến đây, không phải vì cái ăn cái mặc mà tới, không phải vì hưởng thụ mà đến, vì đạo có thể đem tất cả hưởng thụ năm dục sáu trần đều buông xả. Cảnh giới của Sa di còn cao hơn so với quân tử của thế gian. Vì vậy, Sa di là đạo nhân chân chánh. Chúng ta thấy Lão Hòa thượng Hư Vân, quý vị mới xem trên phim tối qua, Ngài xuất gia đích thực là vì đạo. Đó là thiện căn đời trước của Ngài rất sâu dày, nên Ngài có thể nghĩ đến phải ra khỏi sanh tử, nghĩ tới ở lại trong sanh tử luân hồi không tự tại, và phát tâm xuất thế cũng vì cứu giúp chúng sanh.

Đức thứ hai là “hủy bỏ hình đẹp vì thích ứng pháp phục”. Hình ở đây là hình tướng của chúng ta, xuất gia hủy đi mái tóc trên đầu, đem những quần áo tráng lệ của thế gian cũng buông bỏ, mặc lên trang phục của Tăng nhân. Những bộ trang phục chúng ta hiện đang mặc ở đây, quý đồng tu của kỳ xuất gia ngắn này đều phải mặc áo ngoài, giầy, vớ. Đó là trang phục của người Trung Hoa triều nhà Minh. Còn trang phục thật sự của Ấn Độ đắp lên thân là y, thọ 10 giới Sa di đắp lên man y, đó là một tấm vải không có ô vuông, không có điều. Sau khi chúng ta thọ giới Cụ túc, thì được đắp y 7 điều, y 9 điều. Hiện giờ tôi đắp trên thân là y 9 điều, đây là Ngài Sướng Công yêu cầu tôi đắp y này. Tôi giảng Kinh tại Hiệp hội thì đắp y 25 điều, còn ở đây thì đắp y 9 điều. Y 9 điều, y 25 điều đều thuộc về Đại y, khi lên tòa giảng pháp phải đắp Đại y; y 7 điều là phải đắp khi nghe kinh và trong các thời khóa thường ngày; còn một loại y nữa là y 5 điều, thì thông thường không đắp, y 5 điều là trang phục của lao động. Y đắp thật sự của người Ấn Độ cổ và chúng ta trên thực tế là không giống nhau. Y của họ là một tấm vải lớn để quấn lên thân, không như trang phục của chúng ta là có ống tay, có cổ áo; y của họ không có, nó chỉ là một tấm vải quấn lên trên thân. Sau khi đến Trung Hoa, nó được giản dị hóa, đây là một dạng trang phục mang ý nghĩa kỷ niệm. Điều này cũng nói, chúng ta buông xả hưởng thụ của thế gian, để làm một người tu đạo, ấy là Đức trọng khiến để Người Trời kính ngưỡng.

Đức thứ ba là “cắt ái từ thân vì vô địch mạc”. Đây là từ âm cổ đọc là địch, trong Luận Ngữ, Khổng Tử có nói qua một câu, “Tử viết: Quân tử chi ư thiên hạ dã, vô địch dã, vô mạc dã, nghĩa chi dữ bỉ”. Ý nghĩa là gì? Người quân tử đối với người trong thiên hạ, không có thân sơ hậu bạc, địch mạc. Đây là chỉ thân sơ. Bây giờ giảng về thân sơ. Thân là nghĩa, là cùng với người khác giao thiệp đều lấy đạo nghĩa kết bạn, không phải dùng cảm tình, hoặc thậm chí là dùng vật chất. Như mọi người uống rượu ăn thịt, thì thành bạn bè rượu thịt, đó là kết bạn với tiểu nhân. Người quân tử lấy đạo nghĩa để kết bạn. Cho nên Sa di phải hơn như vậy, đã xuất gia “cắt ái từ thân”, cùng với cha mẹ đều phải rời xa rồi. Đây không phải là bất hiếu, mà ngược lại đây là hơn cả đại hiếu. Lúc trước ở tại gia, phụng dưỡng là cúng dường ăn mặc đối với cha mẹ. Nay xuất gia làm Tăng, tu đạo rồi, thì lấy công đức của chính mình để cúng dường. Chính mình chân chánh tu hành thành tựu thì cha mẹ cũng được siêu sanh. Bởi vậy, xuất gia phải đem tình chấp buông xả. Người đời khó buông xả nhất là tình chấp, đem tình chấp buông xả, đều từ bi bình đẳng, đối với tất cả chúng sanh, không có thân sơ mà đều là thân thuộc cả. Đây là đại đức, giống như đức của trời. Quý vị thấy, trời đều đem tâm yêu thương bình đẳng đối với vạn vật, mưa xuống thì tưới nhuần bình đẳng vạn vật, không có nói ta yêu thích ngươi thì ta mưa cho ngươi nhiều hơn; ta không ưa thích ngươi thì mưa cho ngươi ít, trời không có tâm niệm như vậy. Đại đức là giống đức của trời. Khổng Tử tán thán việc làm của Vua Nghiêu hợp với lòng trời, bởi vì Vua Nghiêu bình đẳng bác ái.

/ 14