/ 14
38

SA DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

TẬP 3

Nguyên bản: Ngẫu Ích Sa môn Trí Húc, y theo Luật Tạng biên tập

Người giảng: Pháp Sư Định Hoằng

Giảng tại: Chùa Viên Minh, Hương Cảng

Thời gian: 17/08/2012

Dịch giả: Thích Thiện Trang


Trân trọng kính chào quý vị Pháp sư, quý vị Đại đức đồng tu, chúc mọi người tốt lành! Chúng ta tiếp tục học tập Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu của Đại sư Ngẫu Ích. Mời mọi người mở bản Kinh, phần lời nói đầu. Chúng ta xem từ đoạn thứ hai, trước hết chúng ta đọc qua đoạn văn Kinh:

“Hai từ Sa di, là xưa đã lược bớt. Nhưng nay có thể tóm lại có 3 cách dịch nghĩa. Thứ nhất dịch là Tức từ: Tạng giáo Sa di thì dứt đi kiến tư ác, tu sanh duyên từ; Thông giáo Sa di thì dứt kiến tư ác, tu pháp duyên từ; Biệt giáo Sa di thì dứt tam hoặc, tu tam từ; Viên giáo Sa di thì nhất tâm viên mãn, dứt tam hoặc, viên tu tam từ. Thứ hai dịch là Cần sách: Tạng giáo và Thông giáo Sa di thì tinh cần sách lệ, xuất phân đoạn sanh tử; Biệt giáo và Viên giáo Sa di thì tinh cần sách lệ, xuất biến dịch sanh tử. Thứ ba dịch là Cầu tịch: Tạng giáo và Thông giáo Sa di thì cầu Thiên chân Niết bàn; Biệt giáo và viên giáo Sa di thì cầu đại Niết bàn.”

Chúng ta giảng đoạn này. Đoạn mà có chứa nhiều thường thức Kinh giáo Phật pháp, nên chúng ta học Sa Di Luật Nghi cũng đem Kinh giáo học chung luôn. Đại sư Ngẫu Ích chuyên tông Thiên Thai, giáo lý của tông Thiên Thai kết cấu rất hoàn chỉnh. Đại sư Ngẫu Ích theo lý đó mà giải thích hai chữ “Sa di”, Ngài dùng phương pháp phân tích tứ giáo của Thiên Thai. Ở đây, tôi thuận theo, giới thiệu cho mọi người. Bởi vì tứ giáo là quy nạp từ tất cả Kinh mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã thuyết, chia phân thành tứ giáo là: Tạng, Thông, Biệt, Viên. Tạng giáo trên thực tế là Tiểu thừa; Thông giáo là thông giữa Tiểu thừa và Đại thừa, trong đó có Tiểu thừa và cũng có Đại thừa; Biệt giáo thì không có Tiểu thừa, chỉ thuần túy là Đại thừa; Viên giáo là viên mãn của Đại thừa. Giữa Đại thừa và Tiểu thừa phân biệt chủ yếu ở sự phát tâm, tâm lượng không giống nhau. Người tu hành Tiểu thừa phát tâm tự độ, để chính mình giác ngộ, tự mình liễu thoát sanh tử; Người Đại thừa không chỉ tự độ mà còn phải độ tha, cần phải độ tất cả chúng sanh cùng thành Phật đạo. Trong Sa Di Luật Nghi này, cần phải phát khởi tâm lượng của Đại thừa, không được coi đó là pháp Tiểu thừa, như vậy thì thu được lợi ích quá nhỏ.

Đó là giảng hai chữ “Sa di”, “Cổ ngoa lược dã”, Ngoa tức là truyền sai. Trên thực tế hai chữ này là nguyên âm, như phần trước Đường Tam Tạng dịch là “Thất lợi ma na lộ ca”, hoặc Pháp sư Nghĩa Tịnh dịch còn lược hơn “Thất la mạt ni”, nhưng đều không sai. Phiên dịch thành Sa di thì đã thay đổi rất nhiều so với dịch theo âm lúc đầu, đây đều do là truyền sai. Lược là giản lược bớt đi, bởi người Trung Hoa đặc biệt thích đơn giản, nên dùng chữ rất đơn giản cho dễ đọc mà vẫn giữ nguyên âm. Như chữ Phật, đầy đủ phải gọi là gọi Phật Đà Da, theo Anh văn gọi là Buddahaya, hoặc là Buddha, theo chúng ta nói là Phật, đó dịch âm sai khác rất lớn, nhưng chữ Phật xác thật là từ âm dịch qua, đây cũng tỉnh lược đi rất nhiều. Chúng ta quan trọng nhất là hiểu ý nghĩa của phiên dịch. Trong đây nêu lên ba cách dịch ý, Luật sư Đạo Tuyên dịch là “Tức từ”, Đại sư Huyền Trang dịch là “Cần sách nam”, còn Pháp sư Nghĩa Tịch dịch là “Cầu tịch”, ba ý nghĩa này dùng giáo pháp của Thiên Thai để giải thích đều rất là viên mãn.

Trước tiên dùng Tạng giáo để giải thích Sa di, Tức từ ý nghĩa là “Tức kiến tư ác, tu sanh duyên từ”. Kiến tư ác là kiến tư phiền não, phàm phu trong Lục đạo đều có kiến tư phiền não, tức bao gồm kiến phiền não và tư phiền não. Kiến phiền não là sự sai lầm trên cái thấy, cái biết, tư phiền não là sai lầm của suy nghĩ, tư duy, tức là chúng ta thấy sai, nghĩ sai. Do đó mới có Lục đạo luân hồi. Buông bỏ được kiến tư phiền não thì Lục đạo cũng không còn nữa. Hay nói cách khác, Lục đạo luân hồi hoàn toàn là cảnh ảo do kiến tư phiền não, những vọng niệm biến hiện ra. Hôm qua, chúng tôi đã giảng như xem phim vậy, tấm phim gốc giống như kiến tư phiền não, phóng chiếu ra phim trên màn hình đó là Lục đạo luân hồi. Cuộn phim gốc như niệm niệm liên tục nhau, nó chuyển động liên tục làm hiện ra phim của Lục đạo luân hồi. Nên khi nào buông bỏ kiến tư phiền não này, thì phim của Lục đạo luân hồi liền chấm dứt.

/ 14