SA DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU
TẬP 11
Nguyên bản: Ngẫu Ích Sa môn Trí Húc, y theo Luật Tạng biên tập
Người giảng: Pháp Sư Định Hoằng
Giảng tại: Chùa Viên Minh, Hương Cảng
Thời gian: 21/08/2012
Dịch giả: Thích Thiện Trang
Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, cùng chư vị đồng tu đang xem trực tiếp trên Internet. Chúc quý vị tốt lành! Chúng ta tiếp tục học tập Sa Di Luật Yếu, mời mở trang 27 của sách. Oai nghi thứ sáu là:
“Thứ sáu: Lễ lạy”
Đây là dạy chúng ta làm thế nào để tiến hành lạy Phật và lạy thầy. Thứ nhất:
“Trước phải đánh răng, súc miệng, tắm rửa sạch mới tiến hành lễ bái”
Đây là giảng tự mình muốn đến lễ thầy, thì trước phải sửa soạn tốt chính mình, súc miệng, đánh răng sạch, tắm rửa thân thể, đều phải rất sạch sẽ, sau đó y phục chỉnh tề, ăn mặc ngay ngắn rồi mới đi lễ kính. Lạy Phật trên điện hoặc là lễ lạy Sư phụ, đều phải dùng tâm cung kính. Nhà Nho cũng nói “Lễ giả kính nhi dĩ hĩ”, lễ là biểu hiện bên ngoài, kính là có ở trong tâm mình.
Điều thứ hai:
“Lễ lạy không được chiếm ngay giữa chánh điện, đó là chỗ của Trụ trì”
Vừa mới xuất gia làm Sa di phải nên đứng ở phía sau, đứng sau Tỳ kheo, càng không nên đứng ở giữa chánh điện. Đó là chỗ để nệm lạy của Trụ trì nếu lễ lạy, hoặc là trụ trì hay phương trượng, thỉnh mời thiện tri thức đến giảng Kinh thuyết pháp, trước khi lên tòa có thể phải ra lễ lạy, ngoài những vị ấy ra, người khác không thể lễ lạy ở vị trí đó. Đều phải lễ lạy ở hai bên. Điều thứ ba:
“Có người lạy Phật, không được đi thẳng qua trước đầu họ”
Đi thẳng qua, tức là lúc người ta đang đảnh lễ lạy Phật, quý vị liền đi đến trước đầu người ta, người ta là lạy Phật còn phải đảnh lễ quý vị nữa ư? Chúng ta không lãnh nổi đảnh lễ của họ, cho nên không thể làm như vậy, cho dù là vô tình đều có lỗi lầm, vả lại sẽ khiến người sanh phiền não.
Điều thứ tư:
“Khi chấp tay, không được mười ngón so le, không được trống ở giữa, không được cắm ngón tay vào mũi, nên chấp ngang ngực, cao thấp vừa phải”
Đây nói trước khi lễ Phật nhất định là chấp tay, vấn tấn người cũng phải chấp tay. Chấp tay nhất định mười ngón phải cùng ngay, hai tay hợp thành một, không thể để ngón tay xòe ra, hợp nhất lại biểu thị sự chuyên chú nhất tâm, quý vị xòe ra thì biểu thị tâm rất tán loạn, cho nên ngón tay cũng ngay ngắn, không được trống ở giữa, tôi đang chấp tay như vầy là bị trống ở giữa, ở giữa không được trống, hai lòng bàn tay hợp nhất, vả lại ngón tay không được cắm vào mũi của mình mà ngoái, như vậy rất mất oai nghi. Phải “ngang ngực, cao thấp vừa phải”, không được quá cao, cũng không được quá thấp, có người để hạ thấp ngay chỗ rốn, thì rất khó coi. Đệ Tử Quy cũng nói lễ lạy phải cung kính: “Chào cúi sâu, bái cung kính”, đây đều là động tác của quý vị phải làm cho trọn vẹn, làm đúng quy củ của lễ, như vậy là cung kính. Chấp tay cũng không được xéo, so le tức là xéo không đều.
Tiếp điều thứ năm:
“Không được phi thời lễ bái, nếu như muốn lễ phi thời, phải đợi lúc vắng người”
Lễ lạy cũng phải xem có hợp thời hay không? Thí dụ như mọi người cùng thực hiện thời khóa sáng tối, thì phải làm theo chúng, không thể tự mình làm một kiểu, mọi người đều đang niệm Kinh, đều đang đứng, quý vị lại lễ lạy, thì sẽ ảnh hưởng người khác, toàn cả hàng ngũ cũng lộn xộn. Thế nào gọi là không hợp thời? “Phi thời”, phi thời là không phải lúc lễ lạy, thì không nên lễ. Những lúc nào thì có thể lễ lạy? Mọi người đều tản đi hết, lúc đó thì quý vị có thể tự mình đến Đại điện để lạy Phật, để dụng công, lúc ấy thì không có vấn đề. Tiếp theo điều thứ sáu:
“Thầy lạy Phật, không được đứng ngang hàng với thầy mà lạy, nên theo sau lạy”
Chúng ta đi theo Sư phụ lên Đại điện, lúc Sư phụ lạy Phật, có thể Ngài rất tôn trọng, sẽ không lạy ở chỗ trung tâm đó, Ngài cũng lễ ở một bên, chúng ta cũng đứng lễ ngang hàng với Ngài, như vậy không được. Chúng ta không được đứng ngồi ngang hàng với sư phụ, mà phải đứng sau, quý vị thấy vị trí hàng của chúng ta ở đây, là đứng sau ít nhất một hàng. Hoặc có lúc cũng có thể không lễ Phật theo thầy, mà ở sau làm thị giả, như vậy cũng được. Nếu lạy Phật cũng phải ở phía sau, đó gọi là có tôn ti trật tự, chúng ta phải tôn sư trọng đạo.