PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM, THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ ba: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 05/04/2024
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Tập 4
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người. A-di-đà Phật.
Bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi sẽ giảng đề kinh và kinh văn của bộ kinh này. Hoàng Niệm lão nói với chúng ta, nếu muốn hiểu được kinh văn thì trước hết phải hiểu đề kinh. Cổ nhân nói: “Người trí xem đề kinh, liền biết toàn bộ nghĩa”. Đề kinh quan trọng biết bao, chúng ta nghĩ đến liền biết. Kinh Vô Lượng Thọ là do Hạ Liên lão hội tập từ năm bản dịch gốc mà thành. Sau Vương Nhật Hưu, Ngụy Thừa Quán, ngài là người kế tiếp hội tập kinh, lấy tên là Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Bản này vừa hoàn thành, đại chúng liền tán thưởng, đồng đề cử là bản hoàn thiện của kinh Vô Lượng Thọ, trong và ngoài nước liền nổi lên “cơn sốt Đại kinh”, người đọc tụng, người diễn thuyết ồ ạt vũ bão, nhiều vô số kể. Vô lượng vô biên chúng sanh nhờ bộ kinh này mà được độ, ra khỏi lục đạo luân hồi, được vãng sanh Tây Phương Tịnh độ.
Kinh Vô Lượng Thọ là bộ kinh có vô lượng nghĩa, ý nghĩa vô lượng, vô lượng kiếp lại vô lượng kiếp nói cũng không hết. Kinh là kinh có vô lượng nghĩa, vậy đề kinh thì sao? Đề kinh cũng là vô lượng nghĩa, đề kinh vô lượng nghĩa cũng là vô lượng kiếp lại vô lượng kiếp chẳng thể nói hết.
Còn nhớ lần phúc giảng thứ nhất, tôi đã giảng đề kinh khoảng 20 phút; phúc giảng lần thứ hai giảng đề kinh mất 3 tiếng. Giữa lần phúc giảng thứ nhất và thứ hai, tôi còn có “giảng tòa chuyên đề kinh Vô Lượng Thọ”, lần đó có một chuyên đề “đề kinh rất hay, hay không thể tả”, đã giảng 2 tiếng đồng hồ. Chúng ta hãy so sánh:
– Năm 2018, lần đầu phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ, đã giảng đề kinh trong 20 phút.
– Năm 2019, “giảng tòa chuyên đề kinh Vô Lượng Thọ”, đã giảng đề kinh 2 tiếng.
– Năm 2020, phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai, đã giảng đề kinh 3 tiếng.
Vì sao xuất hiện tình trạng này? Nói theo lời của lão pháp sư thì gọi là “lần sau thù thắng hơn lần trước”. Lời này nói hết sức có lý, bản thân tôi cảm nhận sâu sắc rằng: theo dòng chảy thời gian, khi sự thâm nhập kinh tạng ngày một sâu hơn, khi bản thân trưởng thành và chín chắn hơn, khi cảnh giới tư duy không ngừng nâng cao thì lần giảng sau chắc chắn vượt hơn lần giảng trước. Tôi muốn nói về đặc điểm của đề kinh này, còn việc nhận thức và đánh giá của mọi người về đề kinh này ra sao thì tùy vào cái nhìn của người nhân, kẻ trí.
Đặc điểm thứ nhất: Đề kinh này là điển phạm của công tác hội tập
Xin chú ý, ở đây tôi dùng từ “điển phạm”. Thế nào gọi là “điển phạm”? Nói dễ hiểu một chút, chính là kiểu mẫu, hình mẫu, cũng gọi là “tiêu chí”, “quy tắc”, nói rõ hơn chính là tấm gương để mọi người học tập. Vì sao nói việc hội tập đề kinh này là điển phạm của công tác hội tập? Tôi dựa vào bốn phương diện để nói:
1. Cao nhân hội tập, không ai sánh bằng
Đề kinh này được hội tập, ai hội tập vậy? Là lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư là người thế nào? Ngài là vị đại đức cận đại hiếm có của Phật môn, là người truyền thừa Tịnh độ, là Phật Bồ-tát đại quyền thị hiện cứu khổ cứu nạn. Nếu không phải là người tái lai thì ai có thể hội tập được đề kinh hay không thể tả như thế?
2. Tôn trọng bản dịch gốc, đầy đủ chứng cứ
Việc hội tập đề kinh này không rời khỏi bản dịch gốc. Kinh Vô Lượng Thọ có 12 bản dịch, Hạ Liên lão đã chọn dùng hai bản dịch thời Tống và thời Hán, việc hội tập đề kinh này là căn cứ theo bản dịch gốc.
3. Hoàn mỹ không tì vết, tự nhiên mà thành
12 bản dịch, bản dịch thời Hán là sớm nhất, bản dịch thời Tống là sau cùng. Đề kinh của bản dịch thời Tống là “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh”, đề kinh của bản dịch thời Hán là “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”. Hạ Liên lão chọn lấy biệt đề của bản dịch thời Tống “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm”, và chọn tiếp đề kinh của bản dịch thời Hán “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”, hợp hai cái này lại thì chính là “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”. Hội tập đề kinh của hai bản dịch sớm nhất và sau cùng trong 12 bản dịch lại, hàm nghĩa đề kinh của 12 bản dịch đều được hàm nhiếp trong đó. Việc hội tập đề kinh này tuyệt diệu, hoàn mỹ không tì vết, tự nhiên mà thành, quả thực là nét bút xuất thần.