/ 100
228

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 06/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 69


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Tiết học này chúng tôi nói về bát chánh đạo. Thánh đạo chỉ cho bát thánh đạo, còn gọi là bát chánh đạo. Đó là: một, chánh kiến; hai, chánh tư duy; ba, chánh ngữ; bốn, chánh nghiệp; năm, chánh mạng; sáu, chánh tinh tấn; bảy, chánh niệm; tám chánh định.

Thứ nhất là chánh kiến. “Một là chánh kiến. Luận Tạp Tập nói: khi thực hành giác chi, đạt được chân giác, dùng tuệ để kiến lập vững vàng, hiểu rành rẽ đế lý, thì chẳng bị sai lầm.” Đây là lời đại sư Liên Trì nói trong Di-đà Sớ Sao. Trong đó quan trọng nhất là: dùng tuệ để kiến lập vững vàng, hiểu rành rẽ đế lý. Chánh kiến chúng ta gọi là cách nhìn, cách nghĩ. Chánh kiến thuộc về cách nhìn không có sai lầm, chánh niệm thuộc về cách nghĩ không có sai lầm, có năng lực phân biệt chân vọng, tà chánh, đúng sai thì đều thuộc về chánh kiến. Chánh kiến vô cùng quan trọng, vì vậy việc đầu tiên trong bát chánh đạo là chánh kiến, nghĩa ở đây rất sâu.

Chúng ta tu học Phật pháp, nếu nắm được tổng cương lĩnh của Phật pháp thì tu học Phật pháp không khó. Vậy tổng cương lĩnh của Phật pháp là gì? Tổng cương lĩnh chính là hai chữ: chân tâm. Sống dùng chân tâm, làm việc dùng chân tâm, đối nhân tiếp vật dùng chân tâm. Chánh trong “chánh kiến” chính là chân, chính là thành. Chúng ta phải dùng chân tâm, dùng thành ý để thực hiện lời dạy của Phật Bồ-tát.

Hoàng Niệm lão đối với chánh kiến đã dùng cách giải thích của đại đức xưa, chánh kiến chính là đạt được chân giác. Chân giác là gì? Chính là “chí thành” mà nhà Nho nói. Tuy dùng văn tự lời nói không như nhau nhưng cảnh giới hoàn toàn bình đẳng. Chánh kiến rất quan trọng, bạn có chánh kiến thì cách nhìn của bạn và Bồ-tát sẽ không khác biệt. Làm thế nào đạt được chân giác? Chính nhờ vào một câu Phật hiệu A-di-đà Phật mà được chân giác. Chúng ta tu pháp môn khác không có phần nắm chắc, niệm Phật có phần nắm chắc. Ngày nay công phu niệm Phật của chúng ta không đắc lực là do chưa buông xả tình chấp, ngũ dục lục trần là đại bệnh, thời gian mắc bệnh đã quá lâu. Hiện nay tuy tỉnh lại rồi nhưng thân thể vẫn chưa dễ chịu, vẫn chưa tự do, cho nên phải buông xả tập khí của bệnh. Buông xả rồi thì là người thật, tâm thật, việc thật; không buông xả thì là người giả, tâm giả, việc giả, thứ gì cũng đều là giả. Nghiệp báo tạo ra là sáu cõi luân hồi, nếu dùng thứ thật thì không ở trong sáu cõi nữa. Chúng ta có mục tiêu, có phương hướng là thế giới Cực Lạc. Đến thế giới Hoa Tạng khó, đến thế giới Cực Lạc dễ, điều này Thích-ca Mâu-ni Phật nói với chúng ta. Chúng ta nhất định phải nghe lời, không được làm theo ý mình, tự làm theo ý mình thì bị tổn thất lớn, đây là lời lão pháp sư nói với chúng ta. Nhất định phải nghe lời, buông xả vạn duyên, một câu Phật hiệu niệm đến cùng. Dùng tâm đại từ bi, dùng đại bát-nhã, bát-nhã chiếu kiến, chiếu soi rõ ràng, nhìn thấy rõ ràng thật giả, phát tâm đại từ bi, giúp đỡ chúng sanh lìa khổ được vui.

Thứ hai là chánh tư duy. Chánh tư duy là tư tưởng đúng đắn, “khi thấy được lý này thì phải tương ưng với tâm vô lậu mà tư duy, suy xét, khiến [chánh kiến] tăng trưởng, nhập vào Niết-bàn”. Cách giải thích này hay! Niết-bàn là cảnh giới cao nhất, là cảnh giới chân thật nhất, rốt ráo nhất, viên mãn nhất, chính là Thường Tịch Quang. Bạn thấy được lý này rồi thì phải tương ưng với tâm vô lậu mà tư duy, chẳng phải là tâm hữu lậu chấp trước chọn lựa lấy bỏ. Văn, tư, tu chính là ý nghĩa này. Văn là đã có chánh kiến, từ trên tánh nghe mà tư duy bèn tương ưng với tâm vô lậu. Vào được cảnh giới này thì chứng đắc Diệu giác Như Lai. Đẳng giác là Hậu Bổ Phật, Diệu giác là viên mãn thành Phật. Chánh tư duy khiến cho chánh kiến tăng trưởng, có thể nhập Niết-bàn.

Chúng ta xem đại sư Huệ Năng đã khai ngộ như thế nào. Ngài chưa từng đi học, không biết chữ, cũng chưa từng tu pháp môn nào, hoàn toàn là không thầy mà tự thông, ngài kiến tánh rồi. Đề thi mà Ngũ tổ ra cho ngài cũng là phương tiện thiện xảo, hỏi ngài: Tánh có hình dạng ra sao? Ông hãy đem nó ra cho mọi người chúng tôi xem xem. Ngài bèn nói ra năm câu, Ngũ tổ làm chứng minh cho ngài, thật đã khai ngộ rồi. Năm câu này nếu người chưa khai ngộ thì nói không ra, chỉ có người khai ngộ mới có thể nói ra được. Lời ngài nói hoàn toàn tương ưng với kinh Kim Cang, ngài có thể làm được vô trụ sanh tâm. Thế nên tư tưởng thuần chánh rất quan trọng, tư tưởng thuần tịnh là không có tư tưởng, lời nói thuần chánh là không có lời nói. Cho nên nói “mở miệng liền sai, động niệm liền trật”, bạn động ý niệm thì bạn là phàm phu rồi. Đại sư Huệ Năng ở chỗ Ngũ tổ đã lấy được học vị cao nhất trong cửa Phật, làm ra tấm gương tốt cho người sau.

/ 100