PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 05/08/2021
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 68
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Mời xem kinh văn tiếp theo:
Vô lượng Thọ Phật ý dục độ thoát, thập phương thế giới, chư chúng sanh loại, giai sử vãng sanh kỳ quốc, tất linh đắc Nê-hoàn đạo. Tác Bồ-tát giả, linh tất tác Phật, ký tác Phật dĩ chuyển tương giáo thọ, chuyển tương độ thoát. Như thị triển chuyển, bất khả phục kế. Thập phương thế giới, Thanh văn, Bồ-tát, chư chúng sanh loại, sanh bỉ Phật quốc, đắc Nê-hoàn đạo, đương tác Phật giả, bất khả thăng số.
Ý của Phật Vô Lượng Thọ muốn độ thoát tất cả các loại chúng sanh trong mười phương thế giới, đều được vãng sanh về nước ấy, đều khiến cho đắc đạo Nê-hoàn. Đã là Bồ-tát thì khiến được thành Phật, đã làm Phật rồi thì luân phiên nhau truyền pháp dạy học, luân phiên nhau độ thoát. Chuyển tiếp như vậy chẳng thể tính kể. Thanh văn, Bồ-tát, các loài chúng sanh trong mười phương thế giới sanh về cõi Phật đó đều đắc đạo Nê-hoàn, người chứng quả thành Phật số không kể xiết.
Đại nguyện của đức Di-đà là muốn phổ độ tất cả các loại chúng sanh trong mười phương đều vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, đều khiến cho đắc đạo Nê-hoàn, hoàn toàn khiến họ đạt được quả Niết-bàn Vô thượng. Những vị đã làm Bồ-tát thì đều khiến cho họ thành Phật, sau khi thành Phật rồi thì luân phiên truyền pháp dạy học, độ thoát, vô cùng vô tận. Những loài vãng sanh được độ thoát có đếm cũng chẳng đếm xuể.
Mời xem kinh văn tiếp theo:
Bỉ Phật quốc trung, thường như nhất pháp, bất vi tăng đa. Sở dĩ giả hà? Do như đại hải, vi thủy trung vương, chư thủy lưu hành, đô nhập hải trung. Thị đại hải thủy, ninh vi tăng giảm? Bát phương thượng hạ, Phật quốc vô số, A-di-đà quốc, trường cửu quảng đại, minh, hảo, khoái lạc, tối vi độc thắng. Bổn kỳ vi Bồ-tát thời, cầu đạo sở nguyện, lũy đức sở trí. Vô Lượng Thọ Phật, ân đức bố thí, bát phương thượng hạ, vô cùng vô cực, thâm đại vô lượng, bất khả thăng ngôn.
Trong nước Phật ấy, thường như nhất pháp, không có tăng thêm, vì sao vậy? Ví như biển cả là vua của nước, các dòng nước đều chảy vào biển cả, nước trong biển ấy cũng không tăng giảm. Trong vô số cõi Phật mười phương, thì cõi nước của A-di-đà Phật là rộng lớn dài lâu, sáng đẹp an lạc, thù thắng độc nhất. Điều ấy vốn do sở nguyện cầu đạo, tích công lũy đức khi còn làm Bồ-tát mà được. Ân đức bố thí của Phật Vô Lượng Thọ đối với khắp mười phương là vô cùng vô cực, lớn sâu vô lượng, không thể nói hết được.
Ý nghĩa của đoạn kinh văn này là [chúng sanh] trong mười phương thế giới nhiều như vậy mà ngài đều lần lượt độ thoát, đều được vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Thế nhưng, trong nước Phật ấy thường như nhất pháp, không có tăng thêm. Chỗ này không dễ hiểu, xin nêu tỉ dụ, tất cả dòng sông đều chảy vào biển cả, biển cả không hề phình to lên, biển cả không tăng không giảm. Giống như rất nhiều người như vậy trong vô số cõi Phật mười phương vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, nhưng thế giới Cực Lạc không hề biến đổi. Cõi nước của A-di-đà Phật rộng lớn dài lâu, sáng đẹp an lạc, thù thắng độc nhất. Rộng là rộng rãi, sáng là ánh sáng thanh tịnh, đẹp là tướng hảo trang nghiêm, vượt hơn tất cả nước Phật mười phương. Đây là do sự phát nguyện cầu đạo, tích công lũy đức khi ngài còn là Bồ-tát mà thành. Bởi vì khi tỳ-kheo Pháp Tạng hành Bồ-tát đạo đã phát nguyện như vậy, lại không ngừng tích công lũy đức. A-di-đà Phật bố thí lợi ích chân thật rộng khắp, chẳng những đối với địa cầu này của chúng ta, mà bố thí khắp cho tất cả chúng sanh trong vô số vô hạn thế giới mười phương. Ân đức của đức Di-đà rộng lớn sâu xa, dùng lời khó mà nêu rõ được.
Bên trên có nói trong nước Phật đó thường như nhất pháp, không có tăng thêm, có thể nêu lên một ví dụ cho dễ hiểu. Trong toán học của chúng ta có con số 8, viết thành hàng ngang “∞” thì gọi là lớn vô hạn. Số nào cộng với lớn vô hạn thì vẫn là lớn vô hạn, lớn vô hạn trừ đi bao nhiêu vẫn là lớn vô hạn, lớn vô hạn bị thứ gì trừ đi thì vẫn là lớn vô hạn, lớn vô hạn không bị giảm bớt, nếu có con số nhất định thì mới bị giảm bớt. Có thể dùng lớn vô hạn để tỉ dụ cho “thường như nhất pháp”, cho nên đừng có cách nghĩ cứng nhắc, hạn hẹp.