/ 149
80

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 01/11/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 99

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Đối tượng mà Phật nói trong kinh văn của kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là long vương Sa-kiệt-la. Ý nghĩa mà long vương Sa-kiệt-la đại biểu, nếu nói theo hiện nay thì chính là người lãnh đạo trong các ngành các nghề trên thế gian này; long vương là đại biểu cho người lãnh đạo, Sa-kiệt-la chính là nói thế giới của chúng ta, chúng ta phải hiểu ý nghĩa này thì bạn mới biết lời Phật nói trong kinh không phải là thần thoại, không phải là mê tín. “Nêu ra điều trọng yếu để nói”, đây là nêu ra hạng mục quan trọng nhất: “Hành đạo thập thiện vào trong tứ nhiếp trang nghiêm nên thường siêng năng nhiếp hóa tất cả chúng sanh.” Đại ý của đoạn này tôi đã giới thiệu qua với quý vị rồi, hôm nay chúng tôi dùng chút thời gian này để làm tổng kết, vì đoạn này thật sự mà nói là vô cùng quan trọng.

Từ trên báo chí, trong các thông tin, chúng ta thấy ngày nay rất nhiều khu vực trên toàn thế giới đều động loạn bất an, một số nơi thì biến động chính trị, một số nơi thì biến động tài chính, một số thì về chủng tộc, một số thì về tôn giáo, khiến cho biết bao người dân trong xã hội đau khổ. Chúng ta phải tư duy thật kỹ, vì sao lại xảy ra nhiều động loạn như vậy? Vì sao có nhiều tranh chấp như vậy? Vấn đề này rốt cuộc phải giải quyết như thế nào? Người hiện nay phản đối những cách làm của đế vương chuyên chế trước đây, tôn sùng tự do dân chủ. Tự do dân chủ và quân chủ chuyên chế rốt cuộc cái nào tốt? Có người nào thâm nhập nghiên cứu, thảo luận hay chưa? Chúng ta không được mù quáng hùa theo, người ta nói sao mà mình cũng nói vậy thì sẽ bị tổn hại. Nhất định phải quan sát, nghiên cứu, tư duy, thảo luận thật kỹ. 

Trước đây, đối với sự việc này tôi cũng đã từng nói qua, hai chế độ khác nhau, mỗi cái đều có lợi và hại, có ưu điểm và cũng có khuyết điểm. Chuyên chế có cái hay và cái không hay của chuyên chế, tự do dân chủ có cái hay và cũng có cái không hay của tự do dân chủ. Chúng ta phải so sánh cái hay với cái hay, so sánh cái không tốt với cái không tốt để đầu óc chúng ta tỉnh ra. Thực tế mà nói thì chế độ không có gì là tốt hay không tốt, tốt hay không tốt là do con người. Lời của Khổng lão phu tử nói rất đáng để chúng ta tư duy phản tỉnh một cách sâu sắc, ngài nói: “Người còn thì chế độ còn, người mất thì chế độ mất.” Nếu người này tốt thì chuyên chế cũng tốt, dân chủ cũng tốt; nếu người này không tốt thì chuyên chế cũng gây ra tổn hại, mà dân chủ cũng gây ra tổn hại. Có thể thấy được vấn đề là ở con người, hoàn toàn không do chế độ, đây là điều chúng ta phải nhận thức rõ ràng.

Chúng ta nói người này là thánh nhân, là hiền nhân, thế nào gọi là thánh hiền? Ở Trung Quốc thì ý nghĩa của “thánh” là người đối với đạo lý, chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sinh thông đạt hiểu rõ, vậy người này được gọi là thánh nhân. Người Trung Quốc nói về “thần thánh”, thần cũng là ý nghĩa này. Chữ “thần” (神) này là chữ hội ý[1], chữ này ở bên trái là chữ “thị” (示), chữ thị trong từ khai thị. “Thị” nghĩa là gì? Theo sách Thuyết Văn giải thích thì “thị” là nói về điềm báo của trời; vì vậy ở phía trên là chữ “thượng” (上), hai gạch ngang, gạch ngang phía trên ngắn, gạch ngang phía dưới dài, là chữ “thượng”, phía dưới chữ “thượng” vẽ ba vạch, đây là biểu thị điềm báo của trời. “Hiển thị điềm báo của trời”, nói theo hiện nay chính là hiện tượng tự nhiên. Bên phải là chữ “thân” (申), “thân” có nghĩa là gì? Nếu bạn xem cách viết chữ triện thì bạn sẽ rất dễ dàng thể hội được, ý nghĩa của nó là thông suốt. Tức là nói hiện tượng tự nhiên này, bạn hoàn toàn thông suốt, hoàn toàn hiểu rõ, một chút cũng không mê hoặc thì người này được gọi là thần nhân. Như vậy ý nghĩa của thần và thánh thông với nhau, nghĩa là một người thấu tình đạt lý. Người như vậy, bất luận họ là chuyên chế hay là dân chủ cũng đều tốt, nhất định họ sẽ làm tốt. Vì sao vậy? Họ không có tâm ích kỷ. Ngược lại, nhà Nho nói nếu tiểu nhân lên nắm chính quyền, bất luận họ làm hoàng đế hay làm tổng thống thì nhân dân đều gặp họa. Tại sao vậy? Bởi vì họ tự tư tự lợi, họ không quan tâm đến trăm họ, không quan tâm đến quốc gia. Từ đó cho thấy, con người là quan trọng nhất, chế độ chỉ là thứ yếu. 

/ 149