/ 149
72

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 30/10/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 98

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười lăm, hàng cuối cùng: “Tứ nhiếp trang nghiêm nên thường siêng năng nhiếp hóa hết thảy chúng sanh.” Trong tứ nhiếp pháp thì bố thí, ái ngữ, lợi hành phần trước đã giảng rồi, hôm nay chúng tôi giảng điều cuối cùng là “đồng sự”. Cổ đức khai thị đơn giản cho chúng ta là: “Hòa quang đồng sự, khiến mỗi người đều được nương nhờ.” Câu nói này tuy đơn giản nhưng trên thực tế đã bao gồm hết tất cả. Thế nào gọi là hòa quang đồng sự? Thánh hiền của nhà Nho dạy chúng ta “tác dụng của lễ thì hòa là quý”, Phật pháp dạy chúng ta “lục hòa kính”, có thể chung sống hòa thuận với mọi người, đây là trí tuệ cao độ, trong Phật pháp gọi là trí tuệ cứu cánh viên mãn. Người như thế nào mới có thể chung sống hòa thuận với mỗi chúng sanh trong chín pháp giới? Chỉ có chư Phật Như Lai. Pháp thân đại sĩ cũng có thể làm được, nhưng không được tự nhiên thuần chánh giống như Phật, đây là do nguyên nhân gì? Là sự khởi dụng của tánh đức viên mãn.

Phật thường nói, vì sao chúng ta lại biến thành phàm phu? Là do tập khí phiền não của chúng ta quá nặng. Hiện tượng của tập khí phiền não là gì? Là không thể chung sống với người khác, đây là hình dạng của tập khí phiền não. Vì sao Phật Bồ-tát có thể chung sống hòa thuận với tất cả chúng sanh, còn chúng ta thì không làm được? Vì chúng ta thấy cái này ưa thích, thấy cái kia chán ghét. Vì sao chư Phật Bồ-tát không sanh tâm này, không khởi lên loại ý niệm này? Xét cho cùng mà nói, đều không ngoài vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chư Phật Bồ-tát, pháp thân đại sĩ hoàn toàn đoạn hết phân biệt, chấp trước rồi, cũng đang phá trừ từng phần vọng tưởng còn sót lại, cho nên các ngài có thể làm được, chúng ta không làm được. Ở đây nhất định phải chú ý rằng, nếu không làm được thì chắc chắn luân hồi, đã không thoát khỏi luân hồi thì nhất định đọa ba đường ác. Quý vị đọc kỹ kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện thì sẽ biết.

“Con người quý ở chỗ tự giác”, giáo học của Phật pháp không có gì khác, chỉ là giúp chúng ta giác ngộ mà thôi. Phật đối với chúng ta là tăng thượng duyên, bản thân chúng ta cần phải có sở duyên duyên, phải có vô gián duyên thì chúng ta mới có thành tựu. Sở duyên duyên là noi theo lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, cũng chính là chúng ta thường nói rằng nhất định phải tiếp nhận lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, hơn nữa việc tiếp nhận giáo huấn nhất định không được gián đoạn. Chúng ta ngày nay ở địa vị phàm phu, tập khí nghiệp chướng rất sâu, cổ nhân nói rằng: “Ba ngày không đọc sách thánh hiền thì mặt mũi hoàn toàn thay đổi.” Người thời xưa nghe lời dạy của thánh hiền thì có thể duy trì được ba ngày, còn chúng ta ngày nay nói thật là một ngày cũng không duy trì được. Hiện nay đọc sách thánh hiền, buông quyển sách xuống là mặt mũi hoàn toàn thay đổi, đâu cần đợi đến ba ngày. Từ đó cho thấy, người hiện nay so với người xưa về phương diện thiện căn thì quả thật không bằng người xưa. Hằng ngày huân tập mà vẫn không thể quay đầu, trong kinh Phật gọi là nhất-xiển-đề, căn tánh xiển-đề nghĩa là không có thiện căn, đoạn sạch thiện căn rồi. Đây là nói để hình dung, chứ sao có thể đoạn thiện căn được? Tuy không đoạn, nhưng do nghiệp chướng quá nặng nên thiện căn của bạn không khởi tác dụng, tuy có cũng như không, là ý nghĩa như vậy. Bản thân chúng ta ngày nay phải nỗ lực, phải ở trên phương diện này mà khắc phục chính mình, nhà Nho thường gọi là khắc kỷ, công phu khắc kỷ chính là mấu chốt của việc tu học thành bại trong đời này của chúng ta. Chúng ta có thể khắc phục tập khí phiền não của mình hay không? Nếu khắc phục được thì trong đời này có thành tựu, không khắc phục được thì không có thành tựu, mấu chốt là ở chỗ này. 

Đồng sự nhiếp, thực tế chính là lục hòa kính trong nhà Phật, lục hòa kính là sáu phép “đồng”. “Kiến hòa đồng giải”, ở giai đoạn sơ học của chúng ta hiện nay, kiến giải của chúng ta đều dựa theo lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, từ đây mà thiết lập nên đồng giải. Khi khế nhập cảnh giới của Phật thì kiến tư phiền não của bạn đã đoạn rồi, trần sa phiền não cũng đoạn rồi, vô minh cũng đã phá được mấy phẩm, nên lúc này kiến giải tự nhiên sẽ tương đồng. Vì sao ngày nay kiến giải của chúng ta bất đồng vậy? Nguyên nhân là do phân biệt, mỗi người có phân biệt không như nhau; do có chấp trước, chấp trước của mỗi người cũng không giống nhau. Cho nên có sự khác biệt về kiến giải, nguyên nhân là do phân biệt, chấp trước. Đều buông xuống phân biệt, chấp trước rồi thì đâu có lý nào mà không đồng kiến giải? Tự nhiên sẽ tương đồng, “Phật Phật đạo đồng” chính là đạo lý này. Kiến giải của pháp thân Bồ-tát gần như đều tương đồng, giữa họ không có khác biệt. Thế nên, chúng ta biết có kiến giải bất đồng, có suy nghĩ bất đồng, có cái nhìn bất đồng đều là do phân biệt, chấp trước khác nhau mà sanh ra. 

/ 149