/ 149
97

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 01/09/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 62

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười, chúng ta bắt đầu xem từ hàng thứ nhất: “Lại nữa, long vương! Nếu lìa tham dục thì được thành tựu năm loại tự tại. Những gì là năm? Một, ba nghiệp tự tại, các căn đầy đủ. Hai, tài vật tự tại, tất cả oán tặc không thể cướp đoạt. Ba, phước đức tự tại, tùy tâm mong muốn, vật dụng đầy đủ.” Ba điều này phần trước đã giới thiệu rồi, hôm nay chúng ta xem điều tiếp theo:

“Bốn, vương vị tự tại, đồ vật trân quý hiếm lạ đều được dâng tặng.” Bắt đầu xem từ đây, đây là Thế Tôn nói với long vương. Phần trước đã báo cáo với quý vị về ý nghĩa biểu pháp của long vương rồi. Trong các giai cấp xã hội, người ở địa vị lãnh đạo đều có nghĩa là vương. Nói “vương vị tự tại” chính là địa vị xã hội của bạn, là địa vị lãnh đạo trong quần chúng, bạn vĩnh viễn được quần chúng ủng hộ, đây gọi là tự tại. Quần chúng đều có thể nghe theo bạn, bạn có thể tùy ý ra lệnh, nguyên nhân là vì bạn không có tham dục. Bạn không có tham dục thì phước đức của bạn nhất định là thấm nhuần tất cả chúng sanh, vậy có lý nào chúng sanh không ủng hộ, có lý nào không yêu quý bạn cho được? Chúng ta phải hiểu đạo lý này, phải biết học tập. Bất luận chúng ta ở trong xã hội có thân phận như thế nào, địa vị như thế nào, sống đời sống như thế nào, nhất định phải đoạn tham sân si thì chúng ta mới có thể được đại tự tại.

Hai câu tiếp theo là: “Đồ vật trân quý hiếm lạ đều được dâng tặng.” Vì bạn được quần chúng yêu quý, nên quần chúng có những vật quý lạ đều sẽ đem cúng dường bạn, “đều được dâng tặng”. Cúng dường cho bạn, bạn có hưởng thụ hay không? Không hưởng thụ. Vì sao biết sẽ không hưởng thụ vậy? Bởi vì bạn không có tham dục, cho nên vật cúng dường của mọi người, nói theo hiện nay thì bạn nhất định sẽ tặng lại cho xã hội, bạn nhất định sẽ bố thí cúng dường tất cả chúng sanh giống như vậy. Nhân quả là tuần hoàn, bạn có thể cúng dường tất cả chúng sanh thì tất cả chúng sanh nhất định cũng cúng dường bạn, quả báo này thù thắng không gì bằng. Nếu như bạn làm một người lãnh đạo, bạn có tham dục, bạn muốn được vật báu quý lạ để riêng mình hưởng thụ, không chịu cúng dường người khác, tất cả vật báu quý lạ của quần chúng bạn cũng đều cất giấu cho riêng mình, không biết đem ra phụng hiến, khiến cho báu vật quý lạ của thế gian này đều bị chôn giấu, không thể phát huy đức dụng của nó, điều này trong Phật pháp nói đều là tội nghiệp. Tội nghiệp gì vậy? Không phát huy hết tác dụng của vật. Xã hội thật sự hướng đến phồn vinh hưng vượng, an hòa lợi lạc thì phải nhất định là “người dùng hết tài năng, vật dùng hết công dụng”, hai câu nói này là chân lý vĩnh viễn bất biến. 

Chúng ta phải xem trọng nhân tài, phải tạo mọi điều kiện để họ phát huy, dứt khoát không được gây chướng ngại. Trong Phật pháp nói quả báo của chướng ngại là ngu si. Bản thân chúng ta có năng lực, có trí tuệ mà không muốn dạy người khác, đây gọi là keo pháp; nhìn thấy người khác có tài năng, có trí tuệ mà gây chướng ngại cho họ, không để họ phát huy viên mãn, tội lỗi này còn nghiêm trọng hơn là chính mình keo kiệt pháp. Phật nói với chúng ta, bố thí pháp được thông minh trí tuệ; hay nói cách khác, chướng ngại bố thí pháp sẽ bị quả báo ngu si. Định luật nhân quả là thật, là chân tướng sự thật. Như nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không.” Nhân quả vì sao bất không? Do chuyển biến bất không; nhân sẽ biến thành quả, quả lại sẽ biến thành nhân, nhân quả vĩnh viễn đang chuyển biến, vĩnh viễn đang tuần hoàn, vĩnh viễn đang tiếp nối. Cho nên từ chuyển biến, từ tiếp nối, từ tuần hoàn nên nó chẳng phải là không, chúng ta phải hiểu được đạo lý này. 

Chúng ta làm thế nào khiến chính mình càng chuyển càng thù thắng, điều này ai cũng kỳ vọng. Nhưng bạn không ngờ rằng nếu bạn chỉ chăm chăm vào quả báo thù thắng cho mình thì sẽ rất khó đạt được. Phải chuyển đổi lại ý niệm giống như chư Phật Bồ-tát vậy, niệm niệm mong cầu tất cả chúng sanh càng chuyển càng thù thắng. Quên đi bản thân mình, chỉ có chúng sanh không có chính mình, đây chính là cảnh giới của chư Phật Bồ-tát; trong những tôn giáo khác, đây là cảnh giới của tất cả thần minh. Người Trung Quốc luận về thần: “Thông minh chánh trực chính là thần.” Nhà Phật nói “chúng sanh và Phật bình đẳng”, cổ đức Trung Quốc nói “thiên địa hợp nhất”. Người có phải là Phật, có phải là thần hay không? Phải, thông minh chánh trực chính là thần, thông minh là đầy đủ trí tuệ, chánh trực là đầy đủ tánh đức. Đây là từ trong nhân quả tuần hoàn mà chúng ta nhìn thấy quả đức thù thắng vô song.

/ 149