/ 149
87

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 29/08/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 61

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo trang thứ mười, chúng ta đọc qua một lượt kinh văn: “Lại nữa, long vương! Nếu lìa tham dục thì được thành tựu năm loại tự tại. Những gì là năm? Một, ba nghiệp tự tại, các căn đầy đủ. Hai, tài vật tự tại, tất cả oán tặc không thể cướp đoạt.” Hôm qua giảng đến chỗ này, hôm nay chúng ta xem tiếp:

“Ba, phước đức tự tại, tùy tâm mong muốn, vật dụng đầy đủ.” Phước đức là điều mà tất cả chúng sanh đều mong cầu, đích thực có thể nói là không phân cõi nước, không phân tộc loại, không phân tôn giáo, không người nào mà không cầu phước đức. Người Trung Quốc nói về phước đức, ý nghĩa này rất sâu, rất rộng, rất viên mãn. Phước là quả báo, đức là nhân của phước. Nếu không tích đức thì làm gì có được phước báo? Cho nên hai chữ này hợp lại có nhân có quả, như vậy mới gọi là viên mãn. Phước mà người Trung Quốc nói, thông thường là nói năm loại lớn, chính là “ngũ phước lâm môn”. Trong năm loại lớn này, điều thứ nhất chính là giàu có, điều thứ hai là quý, phú quý; quý là ở trong xã hội có địa vị cao, nói theo người thế tục hiện nay là danh và lợi, đây là thứ mà tất cả mọi người đều mong cầu. Những thứ này có tốt hay không? Thực tế mà nói thì chưa chắc đã tốt. Nếu có phước mà không có đức thì khi hưởng phước chắc chắn tạo tội nghiệp; người không có phước báo, muốn tạo tội nghiệp cũng không thể tạo được. 

Người có phước báo rất dễ tạo tội nghiệp, mà họ tạo phước cho đại chúng xã hội cũng rất dễ dàng. Thí dụ nói, hôm qua tôi xem thấy một băng ghi hình từ Malaysia gửi đến, là phim nhiều tập “Liễu Phàm Tứ Huấn”, tôi xem thấy rất hay, có thể lưu thông, phía sau băng ghi là “hoan nghênh sao chép, công đức vô lượng”, họ không giữ bản quyền, nên chúng ta có thể làm. Như tiên sinh Liễu Phàm, ông là huyện trưởng huyện Bảo Để, lúc đó gọi là tri huyện, đây là thuộc về “quý”. Ở trên địa vị này ông muốn tạo tội nghiệp hay tu phước đều rất dễ dàng. Ông xem thấy chính phủ thu thuế nhà nông hơi nặng, nên ông giảm bớt thuế ruộng, việc này là tạo phước cho nhân dân, nông dân toàn huyện đều nhận được lợi ích. Lúc đó ông phát tâm muốn làm mười ngàn việc tốt, đến nơi nào để làm? Thế nên mỗi ngày ông đều chần chừ do dự. Có một hôm ông nằm mộng thấy một vị thần nói với ông: “Chính nhờ việc làm này của ông mà mười ngàn việc thiện của ông đều viên mãn rồi.” Sau khi ông tỉnh lại rất hoài nghi, sau đó ông gặp một vị pháp sư, kể rõ việc này cho pháp sư nghe. Pháp sư cũng gật đầu khẳng định, đích thực một việc tốt này mà ông làm, người nhận ân huệ không chỉ là một vạn người, cho nên mười ngàn việc thiện của ông trong một lần là được viên mãn. Nếu bạn không ở địa vị này thì mười ngàn việc thiện không dễ dàng gì làm được viên mãn, đây là nói tu phước. 

Nếu như tạo tội nghiệp, bạn xem thấy quốc gia thu thuế từ nông dân nhiều như vậy mà bạn còn muốn thu nhiều thêm một chút để bỏ vào túi riêng của mình, tăng thuế thêm một chút, thôi rồi, một động tác này của bạn đã tạo ra vạn ức tội nghiệp. Cho nên, khi trong tay có địa vị quyền thế, tạo phước hay tạo nghiệp đều rất dễ dàng. Bá tánh bình dân không có quyền, không có thế, họ muốn tạo ác cũng không tạo nổi ác lớn; họ muốn tu thiện vẫn có thể tích được đại thiện, đại thiện thì họ có thể làm, nhưng đại ác thì họ không làm được. Những đạo lý này kinh Phật đã nói rất nhiều, nói rất rõ ràng. Nhất là trước đó chúng tôi đã giảng Cảm Ứng Thiên, trong đây đã nói rất nhiều.

Cảm Ứng Thiên Vựng Biên là những câu chuyện nhân quả báo ứng mà người xưa sưu tập, những câu chuyện này đều là sự thật, tuyệt đối không phải là bịa đặt, mỗi câu chuyện đều là sự thật. Chúng ta tỉ mỉ mà xem, xem quá khứ, sau đó bình lặng xem việc hiện tại, những việc xảy ra mỗi ngày trong xã hội hiện nay của chúng ta, bạn hãy tỉ mỉ mà quán sát thì bạn sẽ tin tưởng nhân quả là chân thật, không giả chút nào. Trồng nhân thiện nhất định được quả thiện. Tu thiện, đây là đức hạnh, nhất định phải chăm chỉ nỗ lực mà làm. Xã hội hiện tại, chúng ta nhất định phải có cảm giác nguy cơ rất cao, hiện nay người thế gian chỉ mong cầu phước báo, họ đánh mất đạo đức, nhưng phước báo của họ cũng hiện tiền; không cầu nhân nghĩa đạo đức mà cũng được đại phước báo thì dường như những việc nhân quả báo ứng không linh. Kỳ thật tầm nhìn của người thế gian nông cạn, họ không biết được chân tướng sự thật. Phật nói với chúng ta rằng “nhân quả thông ba đời”, họ đời này được đại phước báo là do đời trước tu được. Đời này nếu vẫn tu nhân nghĩa đạo đức thì phước báo của họ không thể nghĩ bàn, sẽ rất lớn. Đời này phước báo hiện tiền mà không biết tu nhân nghĩa đạo đức, tạo tác tất cả tội nghiệp thì phước báo của họ đã bị trừ bớt, phước báo của họ không còn lớn như vậy nữa, đã bị trừ bớt đi rồi, khi hưởng hết phước báo thì tội báo của họ hiện tiền. Chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng, tiền đồ của họ là tối tăm, không phải quang minh, hướng họ đi đến là ba đường ác, phước báo trời người ở đời sau đều không có phần. Những đạo lý này Phật đã nói rất thấu triệt, Nho và Đạo cũng nói rất rõ ràng.

/ 149