/ 149
208

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 26/08/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 58

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Kinh văn của kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo đã giảng đến không tham, không sân, không si, đây là phần giảng dạy then chốt của toàn kinh, rất quan trọng đối với việc tu học của chúng ta. Có rất nhiều đồng tu từ các nơi đến, sáng sớm hôm nay bởi vì chúng tôi không giảng kinh Hoa Nghiêm, bên kia không có xe chạy qua, nên chúng ta tạm dừng một buổi, hy vọng họ đều có duyên đến nghe. Hôm nay tận dụng thời gian này tôi sẽ nói chuyện với mọi người về lớp bồi dưỡng khóa tiếp theo của chúng ta, mà hiện tại đang tích cực trù bị.

Tháng trước, cư sĩ Lý Văn Hoa đưa cho tôi một danh sách, đã có đủ 30 vị rồi, lúc đó tôi không nghĩ rằng cục tôn giáo quốc gia Trung Quốc có thể phê chuẩn văn kiện này. Văn kiện này là do Đao Thuật Nhân, hội phó của hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đề xuất cùng hợp tác với chúng ta, họ chọn ra 30 học sinh, đưa qua bên đây để bồi dưỡng. Đã được phê chuẩn rồi, hiện nay họ đang lựa chọn học viên, sẽ đưa 30 người qua bên đây, như vậy học sinh khóa kế tiếp của chúng ta chí ít có 60 người, tôi bèn nghĩ đến vấn đề phân phối thời gian cho 60 người này. Mỗi một học sinh, mỗi một tuần lễ nhất định phải giảng một giờ đồng hồ. Ban đầu trong suy nghĩ của tôi là định mở 10 lớp, mỗi lớp có một học sinh đã tốt nghiệp, chúng ta mời họ làm trợ giáo, hướng dẫn ba người. Hiện tại nếu có 60 học sinh, vậy thì mỗi một lớp nhỏ sẽ gồm sáu học sinh với một trợ giáo, bảy người cũng tương đối viên mãn, bảy là con số viên mãn. Đây là 10 lớp, thầy trò chúng ta có hơn 70 người, cộng với những người xuất gia là các nhân viên làm việc ở nơi đây của chúng ta. Lý Mộc Nguyên nói với tôi, đạo tràng này của chúng ta người xuất gia có thể lên đến 100 người, đây là ở Singapore, bất cứ đạo tràng nào cũng không có nhiều người xuất gia đến như vậy, đích thực sẽ rất hưng vượng. 

Phân công như thế này thì vấn đề này của chúng ta liền có thể giải quyết, mỗi một lớp có bảy người, mỗi một người giảng một ngày thì vừa đủ một tuần lễ sáu ngày, sáu học trò đều luân phiên giảng. Chúng ta vẫn để trợ giáo giảng đại tòa ở Cư Sĩ Lâm, còn các học sinh thảy đều giảng tiểu tòa, chính là giảng tiểu tòa ở nơi lớp của chính mình. Một người giảng, sáu người phê bình, giúp đỡ họ cải tiến, vậy thì đủ rồi. Ngày trước ở Đài Trung, tôi học giáo với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi ở Đài Trung 10 năm, cũng có một lớp nhỏ. Lớp nhỏ đó của tôi gồm bảy người, bảy người bạn học, bảy người đều học giảng kinh, nên đều hiểu những quy củ của việc giảng kinh, nhờ vào sự phê bình của các bạn học để cải tiến, sau đó lên giảng tòa lớn đối diện với đại chúng thì có thể giảm bớt sai sót. Tôi ở Đài Trung nhiều năm như vậy học tập giảng kinh, thầy Lý chưa từng phê bình tôi. Dường như những gì tôi giảng, thầy chỉ nghe qua một lần, trong 10 năm chỉ nghe qua một lần. Thầy đều không nghe tôi giảng, thế nhưng những gì tôi giảng thì thầy đều biết rõ, chúng tôi không cách gì giấu được thầy, thực tế nghe tôi giảng kinh ở giảng đường chỉ có nghe qua một lần. Cho nên việc này nhất định phải rất nghiêm túc, phải nỗ lực. 

Chúng ta biết Phật pháp thù thắng không gì bằng, cho nên gọi là bảo, gọi là “pháp bảo”. Pháp bảo ở thế gian này, nếu không có người lưu thông thì sẽ chìm mà không thể nổi, người xưa thường nói: “Người có thể hoằng đạo, chẳng phải đạo hoằng người.” Sự hưng suy của Phật pháp chỉ xem thời đại này có người hoằng dương Phật pháp hay không. Kinh sách đều còn đó, không có người hoằng pháp thì cũng không ích gì, nhất định phải có người hoằng pháp. Cho nên phải chân thật phát đại tâm xả mình vì người. “Xả mình” này là hy sinh hưởng thụ vật chất ngũ dục lục trần, danh văn lợi dưỡng của chính mình, phải chân thật có thể buông xả. Nếu tham muốn sự hưởng thụ của thế tục, không thể buông xả thì dù Phật pháp có ở ngay trước mặt bạn, bạn cũng không thể bước vào cửa được. Có thể xả mình vì người, tâm này chính là tâm Bồ-đề chân thật, đồng tâm đồng nguyện với chư Phật Như Lai, pháp thân đại sĩ. 

Đừng sợ chính mình không có năng lực; thật ra mà nói, chúng ta đều không có năng lực, thế nhưng chúng ta phát tâm này, nếu phát tâm chân thành thì sẽ có cảm ứng. Chúng ta nương vào sự gia trì của Phật Bồ-tát, không có Phật Bồ-tát gia trì thì một câu, một chữ trong kinh điển chúng ta cũng không nói ra được. Bạn giảng kinh giáo rất hay, bạn giảng rất thấu triệt, bạn giảng khiến thính chúng pháp hỷ sung mãn, hoàn toàn là do tâm chân thành của bạn cảm ứng. Mỗi một người chúng ta cùng nhau học tập, nhưng thành tích học tập không như nhau, sự không giống nhau này tuyệt đối không phải thông minh trí tuệ. Có một số người không thông minh trí tuệ nhưng trái lại thành tích tốt, còn người thông minh trí tuệ lại bị đào thải. Do đây có thể biết, thành tích học tập không liên quan đến thông minh trí tuệ, mà liên quan đến tâm chân thành. Bạn có mấy phần tâm chân thành thì bạn được Phật Bồ-tát gia trì cấp độ không như nhau. Chân thành đến cực điểm thì bạn đạt được gia trì viên mãn. Chân thành không viên mãn, chính là Phật đã nói trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, bạn tu thiện không tệ, nhưng ở trong thiện xen tạp bất thiện, khác biệt ở chỗ này. 

/ 149