/ 149
270

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 07/07/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 29


Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ năm, hàng thứ hai từ dưới lên: “Thế nào là thập thiện? Nghĩa là vĩnh viễn xa lìa sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói ly gián, nói thô ác, nói thêu dệt, tham dục, sân giận, tà kiến.” Kinh văn phần sau vẫn phải nói kỹ, nhưng đoạn này là tổng cương lĩnh của toàn kinh, chúng ta nhất định phải thể hội thật sâu, phải ghi nhớ thật kỹ. Phần trước, trong kinh văn Phật nói với chúng ta “chẳng để mảy may bất thiện xen tạp”, vậy thì chúng ta mới có thể thật sự làm đến thuần thiện. Vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì nhất định phải biết thế giới đó là nơi “những người thượng thiện cùng tụ hội một chỗ”, tâm hạnh của chúng ta bất thiện, niệm Phật tốt đến đâu cũng không thể vãng sanh. Đây chính là điều mà trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường nói: “Người niệm Phật nhiều mà người vãng sanh ít.” Nguyên nhân do đâu? Xen tạp bất thiện, cho nên đã bỏ lỡ mất cơ hội vãng sanh của đời này.

Sát sanh, “vĩnh viễn từ bỏ” này là xuyên suốt một mạch cho đến “tà kiến”. Phần trước tuy đã báo cáo sơ lược với quý vị, nhưng trên thực tế là vĩnh viễn nói không hết, nghĩa lý vô lượng vô biên. Không những không được sát sanh mà phải vĩnh viễn lìa bỏ ý niệm sát sanh. Sau khi vĩnh viễn lìa bỏ sát sanh rồi thì chúng ta phải sanh khởi được tâm hộ sanh, yêu thương bảo vệ tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh. Phật dạy Bồ-tát tu học sáu khoa mục, trong kinh Phật gọi là lục ba-la-mật. Thứ nhất là bố thí, đối tượng của bố thí chính là tất cả chúng sanh, bố thí tài vật, bố thí Phật pháp, bố thí vô úy. Nếu bạn khiến chúng sanh sợ hãi thì cũng bao gồm trong điều sát sanh này. Tuy không sát hại họ nhưng bạn khiến họ cảm thấy sợ hãi, cảm thấy sợ sệt, cảm thấy bất an thì đều thuộc về phạm vi này. Thậm chí là chúng sanh đối với lời nói việc làm của chúng ta không vừa lòng, không vui vẻ thì chúng ta đã sai rồi, đây chính là phần trước đã nói “chẳng để mảy may bất thiện xen tạp”. Tu hành là đối nhân xử thế tiếp vật trong đời sống hằng ngày, đem những tật xấu vi tế này chấn chỉnh trở lại, đây gọi là tu hành.

Điều thứ hai là “trộm cắp”, vĩnh viễn từ bỏ trộm cắp. Tôi cũng đã nói rất nhiều về trộm cắp, trong kinh Phật đối với định nghĩa về trộm cắp thì gọi nó là “không cho mà lấy”. Vật này có chủ, chủ nhân chưa đồng ý mà bạn lấy nó, hoặc là chiếm làm của riêng, hoặc là tạm thời sử dụng, hoặc là chuyển đổi vị trí thì đều không được phép. Có lẽ các bạn cảm thấy những cỏ cây hoa lá này là mọc hoang, bạn cho là vô chủ, vậy thì bạn sai rồi. Thế Tôn giáo giới người xuất gia, rất nhiều người xuất gia sống ở trên núi, tự mình phải cất một am tranh nhỏ, lấy vật liệu tại chỗ, đốn vài cái cây để cất am tranh nhỏ, cây này có chủ hay không? Có chủ. Ai là chủ? Thần núi là chủ, thần cây là chủ, mắt thường chúng ta không nhìn thấy. Bạn muốn chặt cây này, Phật nói cây chỉ cần có độ cao bằng đầu người, nếu bạn muốn chặt nó thì trước đó ba ngày bạn phải đi cúng tế, phải tụng kinh niệm chú cho nó, nói rõ là tôi cần dùng cây này để cất am tranh nhỏ ở đây tu hành, xin thần cây dời nhà cho. Nếu bạn không làm như vậy thì đây là thuộc về trộm cắp. Cho nên, từng cành cây, ngọn cỏ đừng cho rằng nó không có chủ, rất khó nói, chủ nhân của nó mắt thường chúng ta không nhìn thấy, thân thể chúng ta không tiếp xúc được. Có vật nào mà không có chủ đâu? Cho nên với người, với việc, với vật, chúng ta nhất định phải chú ý cẩn thận.

Trong giới trộm cắp, trong tất cả kinh luận Phật đều răn nhắc chúng ta, lấy vật của tam bảo bị tội nặng nhất. Chủ của vật tam bảo là “Phật, pháp, tăng” trong tận hư không khắp pháp giới, tội trộm cắp này bạn vĩnh viễn trả không hết. Trong kinh Đại thừa thường nói, bạn tạo ngũ nghịch thập ác thì chư Phật Bồ-tát đều có cách để cứu bạn, còn trộm vật của tam bảo, trộm vật của thường trụ thì mười phương ba đời tất cả chư Phật đều không có cách gì cứu bạn. Cho nên ngạn ngữ nói: “Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều”, lời nói này vô cùng có đạo lý, lời nói này là thật, không phải giả. Tùy tiện trộm cắp vật của thường trụ nơi cửa Phật thì đáng sợ vô cùng. Khi bạn dùng thì rất thuận tiện, nhưng tương lai bạn trả không nổi, nhất định phải hiểu đạo lý này. Một cây kim, một sợi chỉ, một tờ giấy của thường trụ đều không được dùng tâm trộm để lấy. Thế nhưng ngày nay mọi người lơ là rồi, nhìn thấy người khác làm như vậy không có sao, ta cũng làm như vậy. Hiện tại thì không sao, nhưng khi quả báo hiện tiền thì hối hận không kịp. Ở nơi này thường trụ rất từ bi, đem đoạn kinh văn này trong kinh Địa Tạng photo ra dán khắp nơi để nói với mọi người, đây là đại từ đại bi. Không phải sợ bạn lấy đi đồ đạc của thường trụ, không phải vậy, ở đây thường trụ rất rộng rãi, bạn muốn lấy cứ việc lấy. Quả báo tương lai của bạn thì phải làm sao? Cho nên, bạn nhất định phải hiểu đạo lý này.

/ 149