PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 28/06/2000
Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore
Tập 28
Chư vị đồng tu, chào mọi người! Sáng hôm nay, cư sĩ Thôi ở Bản Khê - Liêu Ninh có điện thoại đến, họ đang tu Phật thất, Phật thất vô cùng thù thắng, hy vọng tôi nói một vài câu với mọi người. Tôi nói với bà, sáng hôm nay chúng tôi sẽ giảng kinh thời gian từ 9h đến 9h30, họ sẽ xem ở trên mạng Internet. Phật pháp dạy người, điều then chốt nhất là khiến người hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, đây là sự giác ngộ cứu cánh viên mãn, sau khi giác ngộ rồi thì chúng ta làm người mới có thể dung hòa thành một thể với tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới. Đây là học vấn lớn của thế xuất thế gian, cũng tức là nói học Phật là học làm thế nào chung sống với người khác, làm thế nào chung sống với tất cả chúng sanh giống như người thân quyến thuộc trong gia đình mình. Người thân quyến thuộc trong gia đình mình vẫn chưa ổn, vì sao vậy? Xã hội hiện nay, người bất hiếu với cha mẹ rất nhiều, con cái không thể chung sống với cha mẹ, mẹ chồng nàng dâu không thể chung sống với nhau, anh em không thể chung sống với nhau, thậm chí vợ chồng cũng không thể chung sống với nhau, vấn đề này nghiêm trọng, vô cùng vô cùng nghiêm trọng! Chúng ta triển khai kinh điển của Thế Tôn, tỉ mỉ mà quán sát, nghiên cứu, chúng ta sẽ rút ra được một kết luận là Phật chẳng qua chỉ dạy chúng ta làm người mà thôi. Do đây có thể biết, học Phật chính là học làm người. Nếu chúng ta ở thế gian này, người với người còn đối xử không tốt thì bạn làm sao có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc? Bạn làm sao có thể chung sống với người ở thế giới Cực Lạc? Thật ra mà nói, người ở thế giới Cực Lạc phức tạp hơn xã hội chúng ta ngày nay rất nhiều. Vì sao biết vậy? Họ là người từ vô lượng vô biên cõi nước mười phương vãng sanh về, hình dáng, màu sắc mỗi người mỗi vẻ, không có cách gì tính được. Những người này có thể vãng sanh là do họ rất biết cách làm người, rất hiểu đạo làm người.
Nguyên tắc cao nhất của làm người chính là đoạn khai thị này trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đây là nguyên tắc cao nhất. Chúng ta thực hiện được đoạn này rồi thì bất luận bạn ở pháp giới nào bạn cũng là Bồ-tát thật, bạn là Phật thật, bạn không phải là giả, không phải là tương tợ, không phải quán hạnh. Nguyên tắc mà Phật dạy chúng ta chính là phải thường xuyên nghĩ đến điều thiện của người khác. Ở Cư Sĩ Lâm, chúng ta đã nghe giới thiệu sơ lược về Hồi giáo, giới thiệu sơ lược về Ấn Độ giáo và Bahá’i giáo, thánh nhân của tất cả tôn giáo đều dạy chúng ta làm người, đều dạy chúng ta phải tâm thiện, niệm thiện, hành vi thiện. Tuy nhiên trong kinh điển của tất cả tôn giáo, thật ra mà nói kinh điển của Phật giáo là nói cứu cánh nhất, viên mãn nhất, vì sao vậy? Đức Phật nói: “Chẳng để mảy may bất thiện xen tạp”, đây là điều mà tôi không hề nhìn thấy trong những kinh điển tôn giáo khác, đây là nói triệt để, nói cứu cánh, không được xen tạp. Người này có mười phần là ác, có một phần là thiện, chúng ta chỉ tán thán một phần thiện của họ, chỉ giữ lấy một phần thiện này, quên hết mười phần ác của họ, không nên để trong lòng, người này vẫn là người thiện. Người này có mười phần thiện, có một phần ác, thì đương nhiên càng phải quên một phần ác đó đi, dứt khoát không được để trong lòng. Trong tâm chúng ta ghi nhớ lỗi lầm của người khác, ghi nhớ cái ác của người khác thì bản thân chúng ta là ác.
Đại sư Ngẫu Ích nói rất hay trong Linh Phong Tông Luận: “Cảnh duyên không có tốt xấu.” Cảnh là hoàn cảnh đời sống vật chất của chúng ta, duyên là hoàn cảnh đời sống nhân sự của chúng ta, người và vật bên ngoài đều không có tốt xấu, tốt xấu sinh ra từ đâu vậy? Tốt xấu sinh ra từ trong tâm của mình, bản thân bạn ưa thích thì nó là tốt, bạn không ưa thích thì nó là xấu, tốt xấu không có tiêu chuẩn, tốt xấu tùy theo tập khí, phiền não của mỗi người mà ra. Cho nên Phật dạy chúng ta, rời khỏi tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì thế giới này là nhất chân pháp giới, trong nhất chân pháp giới thì tất cả mọi chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình và vô tình, đồng viên chủng trí[1].” Từ đâu mà có? Là như vậy mà ra. Chúng ta chân thật tu hành, chân thật dụng công cũng là ở ngay chỗ này.