/ 149
59

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 28/02/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 123

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, hàng thứ hai từ dưới lên:

Giác chi trang nghiêm nên thường khéo giác ngộ tất cả các pháp.

Đoạn này là nói về thất bồ-đề phần trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo, “thất giác chi”. Thất giác chi tổng cộng có bảy điều: điều thứ nhất là niệm, điều thứ hai là trạch pháp, điều thứ ba là tinh tấn, điều thứ tư là hỷ, điều thứ năm là khinh an, điều thứ sáu là định, điều thứ bảy là xả. Từ trong những phẩm trợ đạo này, chúng ta có thể lĩnh hội được danh tướng mà Phật nói, ví dụ nói tinh tấn, nói niệm thì nó xuất hiện trong rất nhiều khoa mục, danh xưng là như nhau nhưng ý nghĩa khác nhau. Cho nên, chúng ta bình thường đọc kinh, đặc biệt là giảng kinh, nhất định phải biết danh tướng này dùng trong hạng mục nào, nhất định phải rõ ràng thì mới không hiểu sai ý nghĩa của nó. Thí dụ như “niệm” trong thất giác chi, trong tứ thần túc có niệm, trong ngũ căn, ngũ lực đều có niệm, ở chỗ này lại có niệm, danh từ này ở trong bốn khoa đều giống nhau, thế nhưng ý nghĩa giảng pháp của nó hoàn toàn khác nhau. Tình hình này ở trong kinh Phật rất nhiều, không thể nào không lưu ý.

Tác dụng của thất giác chi và hiệu quả của nó, một câu nói này ở trong kinh đã điểm tỉnh cho chúng ta: “Khéo giác ngộ tất cả các pháp.” Không chỉ là giác ngộ tất cả các pháp, mà là khéo giác ngộ. Thông thường chúng ta dùng nó để đối trị hôn trầm và trạo cử của chúng ta, chúng ta chọn dùng phương pháp này. Đối với người tu hành, xưa nay trong và ngoài nước thì hai loại này có thể gọi là bệnh chung, ai ai cũng có. Loại thứ nhất là “hôn trầm”, không thể đề khởi tinh thần, ngồi ở đó, thậm chí đứng ở đó cũng có thể ngủ gật. Trong lúc giảng kinh, chúng tôi thường thấy trong số thính chúng có người ngáy, ngủ gật ngáy ra tiếng. Trong lúc tu Phật thất cũng thường có người như vậy, đến khi chỉ tịnh thì thật sự là có người ngủ gật, thậm chí lúc đang đi kinh hành, họ cũng đi, thế nhưng họ vừa đi vừa ngáy, đây là thuộc về hiện tượng hôn trầm. Đây là chướng ngại, là phiền não rất nghiêm trọng. Loại thứ hai là “trạo cử”, trạo cử là trong tâm vọng niệm quá nhiều, bình thường chúng ta không phát hiện ra, dường như không có vọng niệm, nhưng khi chỉ tịnh, vừa tĩnh lặng thì không biết nhiều vọng niệm như vậy ở đâu ra. Cho nên, có người nói với tôi: “Khi không ngồi tĩnh tọa thì không có vọng niệm, khi tĩnh tọa thì nhiều vọng niệm đến như vậy.” Kỳ thật, khi không ngồi tĩnh tọa thì vọng niệm cũng nhiều như vậy, nhưng bạn không hề phát giác, đến khi bạn muốn tĩnh lặng thì mới phát hiện vọng niệm của bạn nhiều như vậy.

Phải biết được phương pháp đối trị. Thông thường chúng tôi cũng không nói “thất giác chi”, vì thất giác chi nói ra quá phiền phức, phải là người thật sự có khế nhập tương đối về Phật pháp thì mới biết dùng những nguyên lý nguyên tắc này trong kinh điển. Thông thường chúng ta sử dụng phương pháp là nếu vọng niệm quá nhiều thì nhất định phải tĩnh lặng, đừng để ý đến vọng niệm; càng sợ vọng niệm nhiều thì vọng niệm sẽ càng nhiều, chắc chắn không thể dừng được. Khi vọng niệm khởi lên thì dùng phương pháp gì? Không để ý đến nó, khi niệm Phật thì đem ý chí chuyên chú vào câu Phật hiệu, bất luận là thiện niệm hay ác niệm, thảy đều không để ý đến, chuyển đổi ý niệm, chuyên chú vào Phật hiệu thì lâu ngày chầy tháng vọng niệm tự nhiên sẽ ít đi. Thông thường chúng ta dùng phương pháp này rất có hiệu quả. Nếu là hôn trầm, hôn trầm nhẹ, không phải là rất nghiêm trọng thì kinh hành, nhiễu Phật; mọi người đang chỉ tịnh cũng không hề gì, chỉ cần bạn không chướng ngại đại chúng thì bạn có thể đứng dậy nhiễu Phật; thậm chí ở niệm Phật đường không lớn lắm, không có chỗ để bạn nhiễu Phật, bạn có thể đứng dậy ra bên ngoài niệm Phật đường nhiễu Phật, đây là phương pháp đối trị. Nếu hôn trầm tương đối nghiêm trọng một chút thì tốt nhất là lạy Phật. Nếu lạy Phật mà cũng ngủ, vậy thì hết cách, rất khó làm. Cho nên, nhất định phải đề khởi tinh thần, đương nhiên tinh thần và nguyện lực của chính mình có quan hệ rất lớn, nhất định phải phát đại nguyện, “nguyện độ chúng sanh, nguyện dứt sanh tử, nguyện thành Phật đạo”. Phàm là người có thành tựu, không gì khác là do nguyện lực đang thúc đẩy họ, cho nên họ mới có thể dũng mãnh tinh tấn.

/ 149