/ 149
60

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 27/02/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 122

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, kinh văn hàng thứ ba từ dưới lên: “Ngũ lực trang nghiêm nên mọi oán diệt hết, không gì hoại được.” Hai câu này nói về hiệu quả của ngũ lực, trong hiệu quả nói “mọi oán diệt hết”. Một chữ “oán” này hàm nghĩa vô cùng sâu rộng, không những chướng ngại đến từ bên ngoài là oán nghiệp, mà chướng ngại của chính bản thân cũng là oán nghiệp, giải đãi, lười biếng đều là oán nghiệp. Ngũ căn là để đối trị, nghi chướng được nói trong Giáo thừa pháp số là hoài nghi, chướng ngại, đây là oán nghiệp, giải đãi là oán nghiệp, hôn trầm, thất niệm, quên mất đều là oán nghiệp; phía sau nói tán loạn, ngu mê, những thứ này đều là oán gia phiền não, những thứ này chẳng phải đến từ bên ngoài. Đúng như trong kinh Bát Đại Nhân Giác, Phật nói với chúng ta về bốn loại ma, trong đó có ba loại là thuộc về bên trong, “ngũ ấm ma” là ở bên trong, không phải bên ngoài, đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đây là trong thân chúng ta, “phiền não ma” cũng là bên trong chúng ta, “tử ma” cũng là sự việc của chính chúng ta. Tất cả những ma chướng ở bên ngoài đều gọi là “thiên ma”, chẳng phải thuộc về chính mình. Nhân đây hiểu được phạm vi của oán nghiệp rất lớn. 

Nếu chúng ta muốn phá oán nghiệp bên ngoài thì trước tiên phải đoạn oán nghiệp trong tâm. Bên trong đoạn rồi thì toàn bộ bên ngoài đều được hóa giải; nếu không đoạn bên trong, muốn hóa trừ oán gia ở bên ngoài thì không có đạo lý này. Oán gia bên ngoài đã kết từ vô thỉ kiếp, vĩnh viễn đoạn không hết. Cho nên, Bồ-tát thành Phật nhất định phải làm đến “nghiệp tận tình không” thì mới có thể thành Phật được. Chúng ta nghĩ xem các ngài thực hiện câu nói này như thế nào? Chắc chắn là bắt đầu làm từ bản thân. Chúng sanh thành Phật, tu đạo gian nan đến như vậy, rốt cuộc khó ở chỗ nào? Khó ở chỗ quan niệm sai lầm, chúng ta chỉ biết đối ngoại, không biết đối nội; chúng ta muốn tiêu trừ nghiệp chướng, tầm mắt của ta chỉ nhìn bên ngoài, không biết rằng tiêu trừ nghiệp chướng ở bên trong là quan trọng. Hơn nữa, Phật thường nói với chúng ta trong kinh luận: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.” Câu nói này vô cùng quan trọng! Mười pháp giới y chánh trang nghiêm của thế xuất thế gian từ đâu mà có? Do tâm tưởng sanh. Vì sao thế gian này có nhiều người xấu đến như vậy? Do tâm tưởng của ta sanh ra. Lìa khỏi tâm tưởng thì chẳng có một pháp nào có thể được. Nghịch cảnh, người xấu là do ý niệm bất thiện của chính chúng ta sanh ra, làm sao có thể trách hoàn cảnh bên ngoài được? Trách lầm người ta rồi. Nếu chính mình mỗi niệm đều là thiện, sau đó bạn nhìn cảnh giới bên ngoài thì không có thứ nào là bất thiện. Vì sao Phật thấy tất cả chúng sanh đều là Phật? Bởi tâm của ngài là Phật. Tâm của Phật thấy cảnh giới bên ngoài thảy đều là Phật. Chúng ta chính mình đến hôm nào thì thành tựu? Không cần nói thành Phật Bồ-tát, vậy thì quá cao rồi, chúng ta chỉ nói người thiện, người tốt. Đến khi nào chính chúng ta mới thật sự trở thành người thiện, người tốt vậy? Người thiện vừa mở mắt ra thì thấy tất cả thế gian không có pháp nào là bất thiện, ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh đều là thiện, đó mới là người thiện. Nếu còn có bất thiện xen tạp trong đó thì không phải là người thiện, thiện đó của họ là thiện tương đối, không phải thuần thiện, thuần thiện thì nhất định phải lìa khỏi tương đối, vậy mới đúng.

Cho nên chúng ta chính mình nghĩ xem, những điều được nêu trong kinh đều là phiền não nghiêm trọng, quy nạp chúng thành “hoài nghi”. Chúng ta không chỉ hoài nghi đối với giáo huấn của thánh hiền, mà hoài nghi đối với tất cả mọi người, hoài nghi đối với việc, hoài nghi đối với vật. Đến khi nào có thể đoạn cái nghi này? Không được nói người khác hoài nghi mình thì mình cũng hoài nghi họ, vậy là sai rồi, vậy thì biến thành chướng ngại lớn, chúng ta vĩnh viễn không cách nào tiến bộ. Họ hoài nghi ta, ta không hoài nghi họ. Họ cự tuyệt ta, bài trừ ta thì ta nhường, ta tạm thời né tránh, ta quyết không hoài nghi họ; đến khi công phu của chính mình thật sự sâu rồi, “tâm chân thành đến cực điểm, vàng đá cũng bị cảm động”, vậy thì có thể hóa giải hoài nghi của người bên ngoài đối với chính mình. Họ đối với ta vẫn còn hoài nghi, đây là nói rõ tâm chân thành của mình chưa đủ, chính mình chưa làm được tốt, quyết không có mảy may tâm oán hận đối với người khác. Mỗi niệm phải hồi quang phản chiếu! Tại sao người khác hoài nghi ta? Vì sao bài trừ ta? Chúng ta thành tâm thành ý như vậy, toàn tâm toàn lực vì chúng sanh mà phục vụ, vì xã hội mà phục vụ, xã hội vẫn không chịu tiếp nhận chúng ta; chúng ta toàn tâm toàn lực vì Phật giáo, vì quốc gia ở nơi đây bồi dưỡng nhân tài, vì sao quốc gia không cần chúng ta, cự tuyệt chúng ta? Vì tâm chân thành của chúng ta chưa đủ! Nhất định không thể trách người khác, không thể trách xã hội, tại chính mình làm chưa đủ [đó thôi].

/ 149