/ 149
48

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 13/02/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 115

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi tận dụng thời gian nửa giờ này trong ba ngày liên tục, để bàn một chút về “Nội điển tu học yếu lĩnh” với các đồng học. Ba ngày, tổng cộng là một tiếng rưỡi đồng hồ, thời gian không dài. Nội dung này tôi trước đây đã từng giảng rồi, bên này có, bài giảng ký này quý vị có thể làm tham khảo. Học thuật của chúng ta có rất nhiều khái niệm không giống với của nước ngoài, thông thường mà nói đây là do cơ sở văn hóa không giống nhau. Tại sao Trung Quốc trong khoảng 200 năm nay gặp phải khổ nạn lớn như vậy? Thế hệ này của chúng ta không phải không có người thông minh, tôi đã từng tiếp xúc với rất nhiều học giả, họ đều là những nhân vật tài ba, thế nhưng cổ nhân có câu: “Không ở địa vị ấy thì đừng mưu tính chuyện ấy”, nói theo Phật pháp thì những người này có trí tuệ nhưng không có phước báo, phước báo không đủ. Tuy họ có đức hạnh, có học vấn, có trí tuệ, nhưng họ không tại vị, không có quyền, nên họ không thể thúc đẩy sự nghiệp lớn được, vì thế họ chỉ có thể đi dạy học ở trường, rất khó phát huy năng lực của họ.

Việc này giống như trong lịch sử Phật giáo chúng ta, tổ sư Đạt-ma đến Trung Quốc, ngài quả thật là một người tu hành chứng quả, ngài đến Trung Quốc cũng là người không có quyền thế nên không thể khởi tác dụng; không thể nói, không thể khởi tác dụng thì người này bất tài. Tuy họ không có năng lực nhưng chỉ cần có một người có thể kế thừa họ, truyền đến đời thứ sáu, đời thứ sáu nhờ có được sự hộ trì của pháp sư Ấn Tông, cho nên người hộ trì vô cùng quan trọng, Lục tổ có thể phát huy mạnh mẽ Thiền tông. Nếu Lục tổ không có sự hộ trì của thầy Ấn Tông thì thành tựu của ngài cùng lắm là giống như hòa thượng Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Cho nên hoằng pháp và hộ pháp phải phối hợp thật mật thiết thì Phật pháp mới có thể phát huy mạnh mẽ. Ở trong đây đều phải có trí tuệ chân thật, người hoằng pháp có trí tuệ, người hộ pháp cũng phải có trí tuệ; người hộ pháp không có trí tuệ thì không biết tốt xấu, không biết nhìn người. Đại sư Huệ Năng khiêm tốn. Phàm là người thật sự có đức hạnh, có học vấn, bất kể là thế gian hay xuất thế gian, bạn từ đâu mà nhìn thấy? Từ sự khiêm kính, đối với bất kỳ người nào, họ cũng khiêm tốn, cung kính, vậy mới thật sự là người có đức hạnh, có học vấn. Người có thái độ ngạo mạn, Khổng lão phu tử cũng nói trong Luận Ngữ: “Giả như người này, tài hoa của họ giỏi như Chu công, nhưng họ kiêu ngạo và bỏn xẻn, vậy thì không cần xét đến điều khác nữa.” Hãy nhìn họ, người này ngạo mạn, kiêu ngạo, bỏn xẻn thì thôi vậy, miễn bàn những thứ khác, đó là giả, không phải thật. Cho nên phải có học vấn chân thật, tu dưỡng chân thật. 

Tôi học Phật gần 50 năm, tổng kết của 50 năm này là: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi.” Người thật sự có thành tựu thì nhất định sẽ có hiện tượng này, chúng ta thường gọi là khí tượng, cũng có người gọi là bầu không khí, khi bạn tiếp xúc với họ, bạn có thể tỉ mỉ quan sát được. Cho nên, thân cận thiện tri thức rất quan trọng, tiếp nhận sự hun đúc từ bầu không khí này của thiện tri thức, đối với sự tu học của bản thân chúng ta sẽ có sự giúp ích rất lớn. Phải tin vào nền học thuật của Trung Quốc, người nước ngoài kém rất xa, đây là lời chân thật. Chúng ta chưa tiếp xúc với ngoại quốc, cho nên sùng bái phương Tây, có tâm lý sính ngoại. Chúng tôi đi ra nước ngoài một chuyến, đã ở nước ngoài mấy chục năm, nên hiểu rõ triệt để về họ, họ kém rất xa so với những thứ của Trung Quốc. Thế nhưng ngày nay thứ mà Trung Quốc không bằng họ là gì? Họ có súng máy, đại bác, khoa học kỹ thuật cao, những thứ này họ vượt hơn chúng ta, tức là trên tay họ đang cầm vũ khí hủy diệt thế giới, những thứ này chúng ta không bằng họ. Ngoài những thứ này ra thì họ chẳng có thứ nào sánh bằng Trung Quốc. 

/ 149