/ 149
51

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 17/01/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 114

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm nay chúng ta tiếp tục xem điều sau cùng của ngũ căn là “tuệ căn”. Thực hành thập thiện vào trong tuệ căn thì có năng lực phân biệt thiện ác. Thiện và ác của thế xuất thế gian rất không dễ gì phân biệt, nếu không có trí tuệ chân thật thì luôn luôn xem thiện pháp thành ác pháp, xem ác pháp thành thiện pháp, sự việc này xưa nay trong và ngoài nước đã có quá nhiều ví dụ rồi, có thể nói là chẳng thể nêu ra hết nổi. Bất luận là pháp thế xuất thế gian, nếu muốn thành tựu thì không thể không có trí tuệ. Trước tiên phải có trí tuệ quan sát căn tánh của chính mình, đây là việc trước tiên cần phải biết. Kế đến, phải căn cứ vào căn tánh của chính mình mà chọn lấy pháp môn. Sau khi chọn lấy pháp môn thì mới chọn lựa thầy. Đạo lý này có thứ lớp, nếu loạn thứ tự thì sao có thể có thành tựu được? 

Năm xưa, tôi ở Đài Trung thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Có một năm, trường học cao nhất là Đại học Đài Loan thành lập một Phật học xã, đây là lần đầu tiên Phật giáo Đài Loan chính thức tổ chức hoằng dương Phật pháp ở trong trường đại học, do lão cư sĩ Châu Tuyên Đức phát khởi. Lão cư sĩ Châu cũng rất thân với tôi, ông cũng là bạn cũ của thầy Lý Bỉnh Nam, tuổi tác của họ cũng suýt soát nhau. Tin tức truyền đến Đài Trung, thầy Lý nghe rồi rất vui mừng. Tôi ở bên cạnh thầy, thái độ của tôi rất không đồng ý, thầy hỏi tôi: 

- Anh cảm thấy thế nào? 

Tôi nói:

- Con cảm thấy không phải là việc tốt. 

Thầy liền hỏi:

- Vì sao vậy? Đây là một việc tốt, trường học cao cấp, phần tử tri thức cao cấp học Phật, vì sao không phải là việc tốt?

Tôi nói với thầy một câu: 

- Chính vì họ là thành phần trí thức cao cấp, có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội, nhỡ họ học Phật nếu đi sai đường thì phải làm sao? Ai có năng lực sửa sai cho họ? 

Sau khi thầy nghe tôi nói câu này, thái độ của thầy rất là nghiêm túc, thầy nói:

- Đúng! 

Thầy quay lại hỏi tôi: 

- Vậy thì phải làm sao? 

Lúc đó chúng tôi ở thư viện Từ Quang, tôi nói: 

- Thư viện của chúng ta có thể tận dụng kỳ nghỉ đông, kỳ nghỉ hè để thành lập giảng tọa Phật học đại học chuyên khoa. Chúng ta cũng chiêu sinh một tốp sinh viên đại học chuyên khoa đến đây, chúng ta ở đây truyền cho họ chánh pháp, pháp ở bên kia có tà, có lệch; tốp học sinh này của chúng ta có thể biện luận với bên họ. 

Thầy nói:

- Biện pháp này đúng, rất tốt! 

Giảng tọa Phật học Từ Quang đã được thành lập như thế. Cho nên về sau, kỳ nghỉ đông, nghỉ hè, chúng tôi bèn tổ chức giảng tọa Phật học đại học chuyên khoa. Vì giảng tọa này, mà thầy Lý gần như dành thời gian ba tháng để suy nghĩ khóa trình. Giảng tọa đại học chuyên khoa vào kỳ nghỉ hè là từ ba đến bốn tuần, kỳ nghỉ đông thì thời gian tương đối ngắn, chỉ hai tuần lễ. Hai tuần lễ đến bốn tuần lễ này phải giảng cho sinh viên những gì? Làm thế nào giới thiệu Phật pháp cho những sinh viên đại học hoàn toàn chưa tiếp xúc với Phật giáo này? Việc này không được làm tùy tiện, mà thật sự trải qua cân nhắc thận trọng, lựa chọn khóa trình. 

Sau cùng chúng tôi chọn ra sáu khoa mục. Môn thứ nhất chính là “Phật học giảng tọa thập tứ giảng”, môn “Thập tứ” đó chính là Phật học khái luận, giống như nhận thức Phật giáo. Môn thứ hai là chọn kinh Bát Đại Nhân Giác, kinh Bát Đại Nhân Giác là Phật học khái luận trong kinh Phật; tuy kinh văn không dài nhưng đều bao gồm giáo nghĩa của Đại, Tiểu thừa, hai tông Tánh, Tướng, tương đương với Phật học khái luận trong kinh Phật. Hai loại này đều là giới thiệu Phật pháp. Sau đó suy nghĩ đến giải môn và hành môn. Giải môn thì không ngoài hai tông Tánh, Tướng; Tướng tông thì chọn lấy “Bách pháp minh môn luận”, “Duy thức giản giới”, Tánh tông thì chọn “Tâm Kinh”, kinh này mọi người thường đọc, đều rất quen thuộc, đây là giải môn. Còn về hành môn, nhà Phật rất xem trọng hành môn, Liên xã Phật giáo Đài Trung, nghe tên liền biết nghĩa, chính là chuyên tu Tịnh độ, cho nên hành môn bèn chọn kinh Phật Thuyết A-di-đà, đây là Tịnh tông. Ngoài ra còn chọn phẩm Phổ Hiền Bồ-tát Hạnh Nguyện, cũng có thể hàm nhiếp sự tu học của toàn bộ Đại thừa. Chúng tôi dùng thời gian ba tháng để quyết định sáu môn học này, sau khi quyết định khóa trình rồi thì mời thầy giáo, thầy giáo nào có chuyên môn sâu đối với môn đó thì mời đến dạy. Thầy Lý nghiên cứu khóa trình và chọn mời giáo viên, tôi đều tham dự, tôi và thầy ở trong cái phòng nhỏ, thảo luận về việc này nhiều lần trong ba tháng, cho nên giảng tọa đại học chuyên khoa của thầy thành công. Đây không phải là tùy tiện tìm một vài người đến, họ thích giảng cái gì thì giảng cái đó, vậy thì khóa trình lộn xộn hết, không có mục đích. Cho nên phải dùng trí tuệ để chọn lựa. 

/ 149