/ 22
39

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia

Thời gian: Ngày 27 Tháng 12 Năm 2009

Tập 9

Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Xin xem tiếp đoạn Bốn Mươi Lăm trong kinh Vô Lượng Thọ Tinh Hoa.

Kinh văn: “Thế gian nhân dân bất niệm tu thiện. Lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ. Tăng tật thiện nhân, bại hoại hiền minh. Bất hiếu phụ mẫu, khinh mạn sư trưởng”.

Hôm qua chúng tôi đã giảng đến đoạn này. Đối xử với cha mẹ, sư trưởng mà bất hiếu, đây là người không biết luân thường đạo lý, chẳng những là trong đại chúng xã hội, mà trong Phật môn cũng không ngoại lệ. Phật tại trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, có chỉ dạy cho chúng ta Tịnh Nghiệp Tam Phước. Phước thứ nhất chính là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, lòng Từ không giết, tu thập thiện nghiệp”. Do đây mới biết, “hiếu thân tôn sư” là căn bản của học Phật, con người không hiếu thuận cha mẹ, chẳng tôn kính sư trưởng, bất luận họ học thế pháp hay học Phật pháp, họ cũng không được thành tựu. Cái đạo lý này, đại sư Ấn Quang tại trong bộ Văn Sao có nói rất nhiều. Chúng ta tu học, tâm của chúng ta phải thành kính, tổ Ấn Quang có nói: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Chúng ta từ nơi nào tu học tâm thành kính? Chính là từ nơi thầy giáo và cha mẹ.

Ở Trung Hoa khi đứa trẻ nó chưa biết nói, chưa biết đi, khi vừa mới sanh ra thì dạy học nó những gì? Dạy nó học hiếu, học kính. Cha mẹ nhất định phải tận tâm mà dạy dỗ cho con cái. Xưa kia là một đại gia đình cha mẹ và con cái, mấy đời cùng sống chung với nhau, cho nên bậc cha mẹ trong gia đình có rất nhiều trưởng bối. Người lớn biết giữ hiếu đạo, con cái chúng nhìn thấy, chúng nghe được thì chúng học theo. Lúc con cháu còn nhỏ, chúng chưa biết nói, chưa biết đi, chúng cần dạy dỗ để đắp vững nền tảng hiếu thân. Sau khi có nền tảng hiếu thân, tương lai chúng đi học sẽ lấy hiếu thân làm kính thầy, đó là lẽ đương nhiên. Cổ nhân có nói “thuận theo dòng nước”, thì chúng học rất dễ. Đối với thầy giáo có một phần thành kính thì thầy giáo chỉ dạy cho quý vị một phần, đối với thầy giáo có mười phần thành kính thì thầy giáo chỉ dạy cho quý vị mười phần. Thầy giáo giảng dạy cho quý vị là bình đẳng, chẳng có thiên vị chút nào. Thế nhưng học trò rất nhiều, mỗi vị học trò có được sự lợi ích cũng khác nhau.

Cho nên cũng có người họ nói rằng, có người thông minh, có người ngu dốt, có người có ngộ tánh, có người chẳng có ngộ tánh, nói như vậy cũng có lý, thế nhưng không phải là hoàn toàn đúng hết. Đó đều là thuộc về duyên, cái nhân đầu tiên chính là đối với thầy giáo thành kính, phải có tâm thành kính. Người nào đối với thầy giáo thật sự có tâm thành kính, họ nhất định học được những gì mà thầy giáo đã dạy. Thầy giáo biết xem xét học trò, cũng là từ chỗ này mà xem xét. Biết được đứa học trò nào tương lai sẽ có thành tựu, thầy giáo không phải xem thông minh trí tuệ của học trò, mà là xem tôn sư trọng đạo của học trò, thầy giáo xem xét là ở chỗ này. Nếu là có mười phần thành kính, thì thầy giáo sẽ đặc biệt lưu ý đến, đặc biệt lưu ý đến là thầy giáo để trong tâm. Bề ngoài thầy giáo vẫn giảng dạy cho các học trò đều như nhau, bài giảng đều như nhau.

Thầy giáo chẳng thể không giảng, chẳng thể không dạy, thế nhưng mỗi vị học trò học được mấy phần là chuyện riêng của vị học trò đó. Thì giống như trời mưa vậy, mưa rơi xuống đất là bình đẳng…là bình đẳng, cây lớn thì hấp thụ nước nhiều, cây nhỏ thì hấp thụ nước ít, hoàn toàn đều như nhau, không có liên hệ gì với trời mưa. Thầy giáo dạy học cũng là như vậy, thầy giáo luôn luôn hết lòng, tận tâm tận lực mà giảng dạy, các học trò học được mấy phần, trong tâm thầy giáo cũng biết rõ. Thầy giáo cũng giảng nhiều môn học, tức là thầy giáo đặc biệt đối với các học trò giảng dạy, thầy cũng rất biết rõ những học trò nào không thể tiếp nhận, thế nhưng cũng có học trò có thể tiếp nhận thì phải hết lòng chỉ dạy. Cho nên tôn kính thầy giáo là điều rất quan trọng. Quý vị nên biết, học hỏi phải có tâm chân thành, tâm chân thành biểu hiện đối cha mẹ là Hiếu, biểu hiện đối với thầy giáo là Kính. Cha mẹ đối với ta có công ơn nuôi dưỡng, dạy dỗ, ta phải nên tận hiếu. Pháp thế gian và xuất thế gian đều xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo. Cho nên không có hiếu đạo, bậc thánh hiền của thế gian và Phật, Bồ Tát của xuất thế gian không có nền tảng thì họ làm sao được thành tựu? Phật pháp là sư đạo, cho nên chúng ta phải chú tâm mà quan sát, mà suy nghĩ. Sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ, số học trò của Ngài đi khắp nơi, bốn phương tám hướng để truyền giáo. Họ truyền bá nền giáo dục của Phật Đà, có những nơi sau hai, ba trăm năm thì không còn nữa, suy diệt, có những nơi năm, sáu trăm năm thì không còn nữa.

/ 22