Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm
Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia
Thời gian: Ngày 22 Tháng 12 Năm 2009
Tập 4
Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Xin xem tiếp phần Tinh Hoa trong kinh Vô Lượng Thọ, điều Bốn Mươi Mốt, chúng tôi xin đọc đoạn kinh văn này ra để cho quý vị đối chiếu.
Kinh văn: “Phật giáo quần sanh, xả ngũ ác, khử ngũ thống, ly ngũ thiêu, hàng hóa kỳ ý, linh trì ngũ thiện, hoạch kỳ phước đức”.
Trong phần trước, chúng ta đã học đến “khử ngũ thống, ly ngũ thiêu”, hôm nay chúng ta tiếp tục xem câu “hàng hóa kỳ ý”. Ý tức là vọng niệm tham, sân, si, mạn, cũng đã bao gồm tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, những thứ này thảy đều là vọng niệm. Hàng là hàng phục, Hóa là chuyển hóa, trong kinh Kim Cang có nói: “Làm thế nào hàng phục cái tâm”, cùng với câu “hàng hóa kỳ ý” này, ý nghĩa hoàn toàn tương đồng. Phật dạy chúng ta làm thế nào, chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển giết hại thành Từ Bi, đây là mục tiêu giáo hóa của Phật. Làm thế nào hàng hóa cái Ý? Đây chính là trong nhà Phật nói, công phu tu học, dụng công phu, nhất định phải trong cuộc sống hằng ngày, trong công việc, trong xử thế, đối người, tiếp vật, chúng ta thời thời khắc khắc phải thường cảnh giác. Trong Phật môn, từ xưa đến nay chư tổ sư đại đức, vì chúng ta chế định khóa tụng sáng và tối, nhất định phải hiểu rõ mụch đích của khóa tụng sáng và tối. Khóa tụng buổi sáng, đọc đoạn kinh văn này là để nhắc nhở mình, cổ đại đức có nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”.
Cho nên, thời thời khắc khắc phải duy trì cái tâm đề cao cảnh giác, phải đình chỉ tất cả vọng niệm, nếu đình chỉ không được thì phải biết chuyển nó. Lục đạo phàm phu, từ vô thỉ kiếp cho đến ngày nay, vì bị tập khí phiền não huân nhiễm, cho nên tự nhiên có nhiều vọng niệm. Đọc đoạn kinh văn trong khóa tụng buổi sáng, là bảo chúng ta thường nghĩ đến những lời dạy của Phật trong kinh điển, là để giúp cho chúng ta chuyển phiền não thành Bồ Đề, phiền não là trí tuệ. Khóa tụng buổi tối là phản tỉnh, ta trong suốt ngày hôm nay, Phật chỉ dạy những gì chúng ta đã làm được, những gì chúng ta không làm được. Trong giới luật, hiện nay chúng ta thực hành Đệ Tử Quy và Cảm Ứng Thiên, Cảm Ứng Thiên của nhà Đạo là để làm nền tảng. Thật tại mà nói, đây là cho người sơ học mới nhập Phật môn phải nên học tập, thế nhưng lúc chúng ta mới nhập Phật môn cũng không chú trọng, bây giờ đã phát giác được, chẳng thể không hết lòng mà học tập bổ túc Đệ Tử Quy và Cảm Ứng Thiên.
Tại vì sao? Chúng ta nghĩ xem, Phật truyền đến vào đời Hán Minh Đế năm Vĩnh Bình thứ mười, nhà vua phái đặc sứ đến Tây Vực nghênh thỉnh kinh điển về nước, đây là việc lớn. Vào thời đó, Phật giáo không có danh từ tôn giáo, Phật giáo là gì? Là cũng giống như Nho giáo và Đạo giáo của Trung Hoa vậy, người Hoa gọi là học phái, cho nên gọi là nhà Nho, nhà Đạo, nhà Phật. Kinh điển được truyền đến Trung Hoa, đương nhiên trước tiên phải phiên dịch kinh điển Phạn văn thành Trung văn, kinh điển được truyền đến là thuộc về trí tuệ, là luân lý, là đạo đức, là giáo dục nhân quả. Về sau kinh điển Đại Thừa cũng được truyền đến Trung Hoa, trong kinh Phật có triết học cao đẳng, có khoa học cao đẳng, chúng ta phải nên hiểu rõ điều này. Còn về phương diện luân lý, đạo đức, nhân quả, Phật nói được rất nhiều, Phật chỉ dạy chúng ta đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức, tu học thì có được lợi ích chân thật, thân tâm khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, sự nghiệp thuận lợi, xã hội an định, thế giới hòa bình. Các bậc thánh nhân của thế, xuất thế gian, mục tiêu giáo hóa của họ đều giống nhau, họ giáo hóa toàn cả xã hội, giáo hóa những chúng sanh nào có duyên, nhưng vẫn không mãn nguyện.
Họ còn phải truy tìm nghiên cứu nguồn gốc của vũ trụ, nguồn gốc của vạn vật, và nguồn gốc của sanh mạng, họ nghiên cứu những học thuật này, đem linh tánh của mình không ngừng mà nâng cao, nâng cao đến giống như cảnh giới của Phật vậy. Hai chữ Phật Đà, cái danh từ này là phiên dịch từ Phạn văn ra, ý nghĩa của nó tức là Giác Ngộ, tức là Trí Tuệ, chẳng phải không thể phiên dịch, ở Trung Hoa tìm không ra chữ thích hợp. Sự giác ngộ của Phật là bậc giác ngộ viên mãn, Phật chẳng gì không biết, chẳng gì không thể, người Hoa dịch thành ý nghĩa giác ngộ và trí tuệ, cái ý nghĩa này gần giống nhưng chẳng hoàn toàn giống nhau, cho nên lúc phiên dịch kinh điển, có tạo ra rất nhiều chữ mới. Chữ Phật này là lúc dịch kinh tạo ra, bởi vì Phật là người cho nên cộng thêm bộ Nhân đứng bên cạnh chữ Phất, chữ Phất là chữ cổ xưa Trung Hoa. Bộ Nhân đứng bên cạnh chữ Phất thì thành chữ Phật, cũng là danh từ chưa có trong Phật giáo. Phật, Bồ Tát, A La Hán, dùng lời hiện nay mà nói, là danh xưng học vị trong Phật giáo, học vị cao nhất là Phật Đà, học vị thứ hai là Bồ Tát, học vị thứ ba là A La Hán, chứng được A La Hán kể như quý vị lấy được học vị thấp nhất trong Phật giáo, đây là tiêu chuẩn.