/ 22
113

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia

Thời gian: Ngày 10 Tháng 1 Năm 2010

Tập 17

Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng tu, xin mời ngồi. Xin xem đoạn thứ nhất trong kinh Vô Lượng Thọ Tinh Hoa.

Kinh văn: “Tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức, cụ túc vô lượng hạnh nguyện, an trụ nhất thiết công đức pháp trung”.

Phổ Hiền hạnh nguyện là đại biểu cho vô lượng hạnh nguyện, chúng tôi đã giảng đến nguyện thứ tư “Sám hối nghiệp chướng”. Trong bộ Di Đà Sám, đã dạy cho chúng ta năm điều sám hối, chúng ta đã học hai điều phía trước, hôm nay bắt đầu xem điều thứ ba “Dùng chánh pháp trị nước, không dùng tà pháp dạy người dân, phải nên thuận theo chánh đạo, trị an nhà nước, phải thường giáo hóa người dân, cung kính tin tưởng Tam Bảo, tu trì giới thiện, đừng dùng tà pháp dạy oan cho người, thì gọi là sám hối”.

Trong năm điều sám hối này, điều thứ nhất là dạy cho chúng ta thường nhớ “quán đệ nhất nghĩa Không”, đây tức là sám hối. Điều thứ hai là dạy “hiếu thân tôn sư”, thật sự mà làm được hai điều này cũng là thật sự tâm sám hối. Hiện nay, rất nhiều người cũng đã lơ là hai điều này, mà căn bản của pháp thế gian và xuất thế gian chính là hiếu thân tôn sư, hết thảy tất cả thiện pháp đều từ chỗ này triển khai ra. Cho nên đây là căn nguyên của tất cả thiện pháp, trong sách cổ nhân có nói “trăm thiện hiếu trước tiên, vạn ác dâm đứng đầu”. Cho nên cổ nhân gọi tà dâm là vạn ác, mà hiếu kính là căn nguyên của tất cả thiện pháp, thật sự hết lòng tu học đều là pháp môn sám hối.

Trong điều thứ ba này là dạy cho chúng ta “dùng chánh pháp trị nước”, bởi vì năm điều sám hối này, phía trước đã trích dẫn trong kinh Phổ Hiền Quán nói, đều là khuyên dạy quốc vương, đại thần. Dùng lời hiện nay mà nói, tức là những người lãnh đạo của mỗi tầng lớp trong xã hội. Từ người lãnh đạo quốc gia cho đến các địa phương, thị trấn, nông thôn cũng phải hiểu rõ cái đạo lý này. Chánh pháp của trong Phật pháp chính là thập thiện, tam quy, ngũ giới, bộ kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, thì bài văn Ung Chính Hoàng Đế Thượng Dụ cũng như bài tựa của bộ kinh này, trong bài văn này nói được rất rõ ràng. Trong lịch đại đế vương thì hoàng đế Ung Chánh là vị vua rất là phi thường, lúc Ngài chưa làm hoàng đế, Ngài đối với văn hóa truyền thống Trung Hoa, đã đọc xem tất cả kinh sách của Nho - Thích - Đạo, cho nên nói ba nhà Nho - Thích - Đạo, Ngài đều thông đạt, đích thật là chẳng dễ.

Trong Phật pháp, trước tiên dạy người tu Thập Thiện Nghiệp Đạo, từ trên nền tảng của Thập Thiện Nghiệp Đạo mới có thể xây dựng tam quy, ngũ giới, cho nên mới biết, trong đời cận đại Phật giáo đích thật đã suy. Các đồng tu tại gia không ít, chẳng những có rất nhiều người đã thọ Tam Quy Y, ngũ giới và cũng có nhiều người thọ qua Bồ Tát giới, họ đã thọ giới rồi, có làm được hay không? Đây là điều đáng được cho chúng ta phải phản tỉnh, phải kiểm điểm, họ không làm được! Chẳng những không làm được tam quy, ngũ giới mà kể cả cơ bản thập thiện cũng chẳng làm được. Tịnh Nghiệp Tam Phước trong Quán Kinh có dạy cho chúng ta “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, lòng Từ không giết, tu thập thiện nghiệp”, đây là chúng ta nhập môn học Phật. Ngày đầu tiên, thầy dạy cho chúng ta, nếu không thực hiện được bốn câu này thì những câu phía sau thảy đều không làm được. Giống như cất nhà vậy, bốn câu này là nền tảng, không có nền tảng thì quý vị làm sao cất nhà? Tam quy là tầng thứ nhất, ngũ giới là tầng thứ hai, Bồ Tát giới là tầng thứ ba, nếu không có nền tảng thì đương nhiên cũng chẳng có phía trên ba tầng, đây là nói người học Phật tại gia. Còn người học Phật xuất gia, tầng thứ nhất là Sa Di Luật Nghi, tầng thứ hai là giới Tỳ Kheo và giới Bồ Tát tầng thứ ba, cũng là ba tầng, mà nền tảng của Sa Di Luật Nghi là gì? Là thập thiện, tam quy, ngũ giới.

Nếu không có giới luật, chư vị đồng tu nhất định nên biết, thì không có Phật pháp, nếu không có lễ thì không có Nho giáo, không có luật nhân quả thì không có Đạo giáo. Chúng ta hãy nhìn xem trong xã hội ngày nay, vì sao lại hỗn loạn? Vì sao lại có nhiều tai nạn như vậy? Nền giáo dục truyền thống mấy ngàn năm của Nho - Thích - Đạo, mà trong xã hội ngày nay chỉ có hình thức, chẳng có thực chất, mà thậm chí kể cả hình thức, chúng ta cũng không thấy được. Cái vấn đề này, chúng ta đã biết nguyên nhân ở tại đâu, nói theo học thuyết của nhà Nho là “trị quốc bình thiên hạ”, từ xưa đến nay đều là lấy Nho giáo làm đại biểu. Cái gốc của Nho giáo cũng là hiếu thân tôn sư, từ “phụ tử hữu thân” mở rộng ra ngũ luân. “Quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biện, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín”, đây là nói mối quan hệ giữa người với người. Một người sống trong thế gian này, không rời khỏi quần chúng, con người là động vật trong xã hội, chúng ta có mối quan hệ gì cùng với tất cả đại chúng? Trong Nho giáo thì nói là Nhân Luân. Khi biết được mối quan hệ này, chúng ta phải xử lý mối quan hệ này như thế nào? Phải dùng tâm thái như thế nào? Thì cổ thánh tiên hiền dạy cho chúng ta ngũ thường. Thường là thường đạo, là thời thời khắc khắc cũng không thể rời khỏi, cũng tức là dạy cho chúng ta đạo lý làm người. Nếu quý vị rời khỏi ngũ thường, năm chữ này, thì không phải là con người, nghiêm trọng đến như vậy.

/ 22