/ 22
38

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia

Thời gian: Ngày 9 Tháng 1 Năm 2010

Tập 16

Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng tu. Xin mời ngồi. Xin xem tiếp đoạn thứ nhất trong kinh Vô Lượng Thọ Tinh Hoa.

Kinh văn: “Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”.

Trong mười đại nguyện, chúng tôi đã giảng đến nguyện thứ ba là “Rộng tu cúng dường”. Hôm nay, tôi vừa đến giảng đường thì thấy có rất nhiều vị đồng tu muốn cúng dường tịnh tài, điều này thì không cần, đây là theo nghi thức cổ lễ. Trong cổ lễ giảng kinh không chỉ có một điều này, trong cổ lễ giảng kinh là khai giảng đại tòa, thời gian khai giảng đại tòa ít nhất phải mất bốn, năm chục phút, trong cổ lễ có rất nhiều lễ tiết bao gồm cả cúng dường tịnh tài. Vào thời xưa thì cần, trong xã hội nông nghiệp, mọi người đều có nhiều thì giờ, nghi thức trước khi khai giảng đại tòa có hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là trang nghiêm đạo tràng, giảng kinh rất là long trọng, chẳng phải tùy tiện giảng kinh mà phải khiến cho mọi người khởi lòng cung kính. Ý nghĩa thứ hai là sợ có người đến trễ, phải đợi họ, phải đợi người đến sau, cho nên sau khi làm xong nghi thức này thì mới bắt đầu giảng kinh. Trên thực tế, thời gian giảng kinh là hai tiếng đồng hồ, phần nghi thức đã chiếm hết bốn mươi phút, kế tiếp là hồi hướng, thì đã mất hết một tiếng đồng hồ, còn lại thời gian giảng kinh là một tiếng đồng hồ. Hiện nay vì thời đại đã khác hẳn, chúng ta là đến nghe giảng kinh, chúng ta không muốn tiếp nhận những nghi thức rườm rà như vậy, khiến cho người nhìn thấy chẳng muốn đến nghe giảng kinh. Cho nên hiện nay chúng ta lược bỏ hết, phần cúng dường tịnh tài cũng bỏ luôn. Chúng ta biết được đây là nghi thức cổ lễ giảng kinh thì được rồi.

Hiện nay cúng dường, điều quan trọng nhất là tu hành cúng dường, tức là chúng ta hiểu được ý nghĩa trong kinh dạy, rồi thật sự y theo làm, thì đây là thật sự cúng dường. Ý nghĩa của cúng dường này vượt hơn tiền tài, châu báu quá nhiều. Bởi vì chúng ta hy vọng có thể hưng vượng Phật pháp, muốn hưng vượng Phật pháp thì phải nhờ vào sự tu hành của chúng ta, người tu hành càng nhiều thì có thể hưng vượng Phật pháp. Dù có cúng dường tịnh tài nhiều đi nữa, nhưng Phật pháp cũng chẳng thể hưng vượng, hôm qua chúng tôi đã giảng rất tường tận. Hôm nay chúng ta lại tiếp tục học nguyện thứ tư, là:

Kinh văn: “Sám hối nghiệp chướng”.

Sám là tiếng Phạn, gọi đủ là Sám Ma, người Trung Hoa thích đơn giản, chẳng thích rườm rà nên lược bỏ cái âm cuối. Sám Ma, chúng ta chỉ dùng một chữ Sám, như ba chữ Phật Đà Gia, chúng ta chỉ dùng một chữ Phật, lược bỏ hai chữ phía sau, còn Bồ Đề Tát Đỏa, chúng ta chỉ dùng Bồ Tát, lược bỏ hai chữ Đề Đỏa. Người Ấn Độ không sợ rườm rà, người Trung Hoa thích đơn giản. Khi chúng ta đến địa phương nào phải thích hợp với trạng huống của địa phương đó, phải thích hợp với tập quán của địa phương đó, thì sẽ được mọi người ở địa phương đó hoan nghênh, chúng ta phải biết rõ điểm này, nên bỏ thì phải nên lược bỏ. Tiếng Ấn Độ gọi Sám Ma, dịch ý nghĩa tiếng Hoa là Hối Quá, tiếng Hoa là hối quá, nay nói chữ Sám Hối là Hoa Phạn hợp dịch, nguyên dịch cái danh từ này, một nửa là tiếng Phạn, một nửa là tiếng Hoa, hai chữ Sám Hối này là Hoa Phạn hợp dịch.

Chữ Sám này là nói ra cái tội đã phạm, chữ Hối là sửa đổi lỗi lầm, đây là hàm nghĩa của hai chữ Sám Hối. Còn ý nghĩa hai chữ Sám Ma của tiếng Phạn là, ở trước đại chúng hoặc trước mặt thầy nói ra điều lỗi lầm của mình, thì gọi là Sám, cũng đồng với ý nghĩa chữ Hối của tiếng Hoa, thế nhưng trên nghi thức thì khác nhau. Chữ Hối của tiếng Hoa là sửa lỗi, không còn tái phạm, mà không nhất định ở trước đại chúng nói ra điều lỗi lầm của mình. Vì vậy, người Ấn Độ, đối với sự sám hối, nhất định ở trước đại chúng nói ra điều lỗi lầm của mình, sửa lỗi chẳng còn tái phạm.

Kế tiếp là phần giải thích, nếu muốn sám trừ nghiệp chướng thì liền nghĩ đến, ta trong vô lượng kiếp đều do tham, sân, si tạo tác các ác nghiệp làm chướng ngại chân tánh, nay phải thanh tịnh ba nghiệp, ở trước Phật, Bồ Tát và đại chúng trong đạo tràng, có tượng Phật, tượng Bồ Tát và đại chúng. Nay ở trước mặt đại chúng “thành tâm sám hối, không dám che dấu”, phải nói ra hết, chẳng thể che dấu lỗi lầm của mình, thì gọi là “sám hối nghiệp chướng”. Thành thật mà nói, pháp môn tu hành của trong giáo pháp Đại Thừa có rất nhiều, chúng ta thường nói, có tám vạn bốn ngàn pháp môn. Đó là những pháp môn gì? Có thể nói, đều là pháp sám hối.

/ 22