Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm
Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia
Thời gian: Ngày 30 Tháng 12 Năm 2009
Tập 12
Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng tu, xin mời ngồi. Xin xem tiếp phần Tinh Hoa trong kinh Vô Lượng Thọ, hôm nay chúng ta bắt đầu xem từ đoạn Bốn Mươi Bảy.
Kinh văn: “Thiên địa chi gian, ngũ đạo phân minh. Thiện ác báo ứng, họa phước tương thừa. Thân tự đương chi, vô thùy đại giả”.
Đây là sau khi Thế Tôn nói xong ngũ ác cho chúng ta. Ngũ ác là nhân, ngũ thống, ngũ thiêu là quả báo, mấy câu này là đoạn tổng kết ngũ ác. “Thiên địa chi gian” là nói vũ trụ, trong giữa vũ trụ có vô lượng vô biên chúng sanh, trong những tinh cầu, có cao đẳng sinh vật. Cho nên khắp pháp giới, hư không giới cũng là hoàn cảnh hoạt động của chúng ta. Phật tại trong kinh Hoa Nghiêm có nói, vũ trụ, vạn vật, sanh mạng, đều là do tự tánh biến hiện ra, mà trong kinh Hoa Nghiêm, Phật nói với chúng ta rằng: “Duy tân sở hiện, duy thức sở biến”, năng hiện, năng sanh, năng biến là tự tánh, mà sở hiện, sở sanh, sở biến là vạn pháp, tất cả pháp trong vũ trụ, năng sở không hai. Cho nên vũ trụ là vĩnh hằng, sanh mạng cũng là vĩnh hằng, hết thảy tất cả sự biến hóa, do vì ý niệm khác nhau, hiện nay chúng ta gọi là tâm thái chẳng tương đồng, tâm thái khác biệt, cho nên mới có vô lượng, vô biên, vô tận, vô số sự vật, đây là nguyên do của sự biến hóa.
“Ngũ đạo” tức là lục đạo, đây là cảnh giới rất gần với nhân loại chúng ta, con người ở trong ngũ đạo, có lúc trong kinh Phật nói lục đạo, cũng có lúc nói thất đạo, vậy rốt cuộc là mấy đạo? Bất luận là nói như thế nào cũng toàn là sự thật. Nói ngũ đạo là nói thiên đạo, nhân đạo, súc sanh đạo, ngạ quỷ đạo và địa ngục đạo, gọi là ngũ đạo. Nếu nói lục đạo, trong lục đạo thì cộng thêm A Tu La đạo. Phật tại trong kinh Lăng Nghiêm có nói, ngoại trừ trong địa ngục đạo chẳng có A Tu La, còn bốn đạo khác đều có A Tu La, cho nên nói ngũ đạo. Như thiên A Tu La thuộc về thiên đạo, nhân A Tu La thuộc về nhân đạo, cho nên A Tu La thuộc về trong ngũ đạo. Nếu nói lục đạo, A Tu La chỉ là thuộc về thiên A Tu La, thiên chia thành hai đạo, tức thiên đạo và A Tu La đạo, cho nên thiên A Tu La cũng thuộc trong tam thiện đạo. Nói thất đạo, đây là Thích Ca Mâu Ni Phật tại trong kinh Lăng Nghiêm nói, ngoài lục đạo ra lại cộng thêm một tiên đạo, chúng ta gọi là thần tiên, cộng thêm một tiên đạo này. Cho nên bất luận là nói lục đạo, hoặc nói thất đạo hay là ngũ đạo cũng là một ý nghĩa.
“Ngũ đạo phân minh”, đây là nói quả báo, sanh đến đạo nào, đây là trong Phật pháp nói, đều là thuộc về nghiệp lực. Nghiệp lực kéo dẫn quý vị về đạo nào thì nghiệp của quý vị là đạo đó, quý vị đã tạo nghiệp đó. Muốn sanh thiên phải tu Thượng Phẩm Thập Thiện, được sanh thiên, tu Trung Phẩm Thập Thiện là nhân đạo, còn tu Hạ Phẩm Thập Thiện là A Tu La đạo. Trên thực tế, họ tu Hạ Phẩm đó, sao gọi là Hạ? Thật ra họ tu thiện đó, cũng là Thượng Phẩm, nếu chẳng phải là Thượng Phẩm thì làm sao họ được sanh thiên? Trong Thượng Phẩm đó, họ có xen tạp tâm háo thắng, ngạo mạn và ganh tỵ, tuy họ có xen tạp phiền não, tập khí này vào trong, nhưng họ tu là Thượng Phẩm Thập Thiện, cho nên họ được phước báo vượt hơn nhân đạo, nên họ được sanh thiên. Họ được sanh thiên, vẫn còn mang theo tập khí này, Thế Tôn tại trong kinh luận, có lúc Ngài đề cập đến, A Tu La đánh nhau với Đao Lợi Thiên chủ, cho nên trên cõi trời cũng có chiến tranh, cũng chẳng phải là rất thái bình. Đây là hai phần trời phía dưới trong Dục Giới Thiên, trong Dục Giới Thiên có sáu tầng, tầng trời càng cao đức hạnh càng thù thắng. Có lẽ thiên A Tu La chỉ là ở trong cõi trời Đao Lợi và cõi trời Tứ Thiên Vương, gọi là Địa Cư Thiên. Còn cõi trời Dạ Ma, không ở trên mặt đất, gọi là Không Cư Thiên, những cảnh giới của cõi trời này, chúng ta chẳng có cách nào tưởng tượng được.
Do đây mới biết, chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, xử thế, đối người, tiếp vật, nhất định phải học khiêm tốn, tại trong Phật pháp nói nhún nhường, nhà Nho của Trung Hoa gọi là khiêm nhường, đối với mình nhất định là có lợi ích. Nếu trong tâm ngạo mạn, ganh tỵ mà lại chẳng tu đại phước báo, nhất định đọa vào ngạ quỷ, địa ngục, chúng ta không thể chẳng biết điều này. Con người sống trong thế gian này, đích thật là có “ngũ đạo phân minh”, có nghĩa là nói với chúng ta rằng, con người có chết hay không? Con người chết rồi thì sanh lên cõi trời, đây là nói lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi được người phát hiện sớm nhất, người nào phát hiện? Là Ấn Độ cổ Bà La Môn giáo phát hiện. Bà La Môn giáo có sớm hơn Phật giáo, ít nhất sớm hơn Phật giáo năm ngàn năm. Trong số trưởng lão của họ, tôi cũng có quen biết mấy vị, tôi cùng với họ giao đàm, họ nói với tôi rằng lịch sử của Bà La Môn giáo, không chỉ tám ngàn năm, mà tôn giáo của họ đời đời tương truyền cho đến nay, ít nhất có hơn mười ngàn năm. Còn Phật giáo bắt đầu từ Thích Ca Mâu Ni Phật cho đến nay, chiếu theo sự ghi chép lịch sử của Trung Hoa, có hơn ba ngàn năm, còn người ngoại quốc công nhận chỉ có hơn hai ngàn năm, hiện nay cũng y theo ngoại quốc, y theo quốc tế, mọi người đều công nhận là hai ngàn năm trăm năm mươi ba năm, so với sự ghi chép của lịch sử Trung Hoa ít hơn khoảng sáu trăm năm. Sự ghi chép này, chúng ta không cần đi khảo chứng, cũng chẳng nên có phân biệt, chấp trước, trong kinh Kim Cang có nói: “Phàm cái gì có hình tướng, đều là hư vọng”. Không nên chấp trước đều này, chỉ cần hiểu rõ chân tướng sự thật thì được rồi.