/ 22
29

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia

Thời gian: Ngày 29 Tháng 12 Năm 2009

Tập 11

Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Xin xem tiếp đoạn Bốn Mươi Sáu trong kinh Vô Lượng Thọ Tinh Hoa, chúng tôi xin đọc đoạn kinh văn này:

Kinh văn: “Thế gian nhân dân tỷ ỷ giải đãi. Bất khẳng tác thiện, trị thân tu nghiệp. Phụ mẫu giáo hối, vi lệ phản nghịch. Thí như oán gia, bất như vô tử. Phụ ân vi nghĩa, vô hữu báo thường. Phóng tứ du tán, đam tửu thị mỹ. Lỗ hỗ để đột, bất thức nhân tình. Vô nghĩa vô lễ, bất khả gián hiểu”.

Đến chỗ này là một đoạn, trong phần trước chúng tôi đã giảng đến “tỷ ỷ giải đãi”. Hôm nay tiếp tục câu thứ hai: “Bất khẳng tác thiện”. Quyết tu thiện là phước báo, người thế gian, bất luận là người Hoa hay là người ngoại quốc, bất luận là tín ngưỡng tôn giáo nào, nếu cùng với họ nói đến tài phú, thông minh, khỏe mạnh, sống lâu, họ đều rất thích, họ đều rất mong cầu. Thế nhưng họ chẳng chịu tu thiện, đây là nguyên nhân gì? Vì họ không hiểu rõ những chân tướng sự thật này, họ chẳng biết được. Nếu họ thật sự biết rõ, biết rõ tu thiện là nhân của phước báo, tu nhân nhất định được phước báo. Tôi còn nhớ, trước kia tôi ở Cựu Kim Sơn nước Mỹ, những người địa phương ở trong vùng đó, họ nhìn thấy cuộc sống của chúng tôi rất là vui sướng, suốt ngày đến tối gương mặt chẳng có buồn bã, mỗi ngày đều là rất vui vẻ. Có một hôm họ đến thăm hỏi chúng tôi, họ hỏi chúng tôi đang làm gì, tức là đang làm nghề nghiệp nào, vì sao mỗi ngày các vị vui sướng như vậy, họ nhìn thấy rất ngưỡng mộ. Thì có vị đồng tu nói với họ rằng: “Chúng tôi là học Phật”, họ lại hỏi: “Phật là gì?” Chúng tôi đơn giản nói với họ: “Phật là giác ngộ, Phật là trí tuệ”, họ lại hỏi: “Vì sao quý vị lại vui sướng như vậy?” Tôi nói: “Chúng tôi là tu Tịnh Độ”, họ chẳng biết tu Tịnh Độ là gì, nói Phật thì họ biết, họ biết trong Phật giáo có Thiền Tông, có Mật Tông, ở nước Mỹ, Thiền Tông và Mật Tông rất thịnh hành, mà nói đến Tịnh Tông thì họ hoàn toàn không biết. Họ lại hỏi tôi: “Cái gì là Tịnh Tông?” Tôi nói: “Tịnh Tông là dạy cho người sống lâu”. Họ nghe rồi rất vui mừng, họ nói: “Chúng tôi cũng muốn thứ này”.

Tịnh Tông là dạy người học trí tuệ, Tịnh Tông là dạy người tu phước sẽ có phước báo. Họ nói: “Chúng tôi cũng muốn những thứ này”. Thì tôi mới khuyên họ: “Chỗ này là một đạo tràng nhỏ của chúng tôi, quý vị phần nhiều đều là tín đồ của Cơ Đốc Giáo, ngày Chủ Nhật đều phải đi lễ giáo đường. Đạo tràng này của chúng tôi, ngày thứ Bảy và ngày Chủ Nhật đều có hoạt động. Hoan nghênh quý vị đến đạo tràng này ngày thứ Bảy, đến học sống lâu, đến học trí tuệ, đến học hạnh phúc. Quý vị vẫn có thể đi lễ giáo đường ngày Chủ Nhật”. Tôi nói với họ rất rõ ràng: “Phật là thầy của chúng tôi, trong giáo đường của quý vị có thượng đế, thượng đế của quý vị chẳng có xung đột với thầy của chúng tôi. Thượng đế cũng như cha mẹ của quý vị, còn Phật giáo là trường học của quý vị, quý vị có thể đến trường học để học hành, để học tập, tuyệt đối chẳng có xung đột chút nào!” Họ nghe rồi rất vui mừng. Ngày thứ Bảy, họ đến Tịnh Tông Học Hội chúng tôi, ngày Chủ Nhật, họ đi lễ giáo đường, không có xung đột, chẳng nên sợ. Cho nên nhất định phải dạy cho họ hành thiện, trong Phật giáo gọi là tu thiện, thiện có thiện báo, ác có ác báo, nghiệp nhân quả báo không sai chút nào.

Những thứ này chẳng phải thật, có thể cầu được hay không? Lúc tôi mới bắt đầu tiếp xúc được Phật pháp thì đại sư Chương Gia dạy cho tôi: “Trong cửa nhà Phật, có cầu tất ứng”, đây là Ngài dạy cho tôi câu này. Ngài lại nói: “Có lúc con cầu không ứng, vì con có nghiệp chướng”, tức là chẳng có cảm ứng, đây là nguyên nhân gì? Nhất định là có chướng ngại, cái chướng ngại này là nghiệp chướng. Quý vị phải trừ bỏ chướng ngại đó đi thì cảm ứng sẽ hiện tiền, chính là nguyên nhân này, tuyệt đối không được hoài nghi. Phật dạy chúng ta phương pháp này, chúng ta cũng hết lòng mà làm, nhưng chẳng có cảm ứng, rồi lòng tin của quý vị thoái chuyển, đó thì là sai rồi. Làm thế nào tiêu trừ nghiệp chướng? Là phải Sám Hối, cho nên nhất định phải biết được sám hối. Cái gì là sám hối? Đại sư Chương Gia dạy tôi, chẳng phải ở trước tượng Phật, Bồ Tát cầu khẩn, lúc tôi vừa mới tiếp xúc được Phật pháp, hoàn toàn chẳng biết Phật pháp là gì, cho nên Ngài rất từ bi, Ngài dùng lời nói cạn cợt nhất dạy tôi cái gì là sám hối. Lỗi làm chỉ có một lần, không được tái phạm những lỗi lầm đó nữa thì gọi là sám hối, cho nên tôi nghe đã hiểu rõ. Như trong Luận Ngữ có nói: “Bất nhị quá”, tức là không phạm lỗi lần thứ hai, Khổng lão phu tử khen ngợi Nhan Hồi hiền đức, hiền đức của Nhan Hồi tức là “bất nhị quá”, chẳng dễ gì làm được điều này, thế nhưng đây là thật sự sám hối. Cho nên sám hối là phải sám trừ nghiệp chướng tức là phải sám trừ những nghiệp chướng bất thiện, thì sự cảm ứng của quý vị nhất định hiện tiền. Đến sau cùng chúng ta sẽ thảo luận đến kinh điển, sâu hơn một chút thì sẽ càng hiểu rõ về nghiệp nhân quả báo.

/ 22