/ 7
14

PHẬT THUYẾT BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Hội quán Hòa Thuận, viện Tri Ân Nhật Bản

Thời gian: 04/11/2002

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

Tập 6


Chư vị đồng tu, chúng ta xem tiếp nửa đoạn sau của giác ngộ thứ bảy:

Thường niệm tam y, ngõa bát pháp khí, chí nguyện xuất gia, thủ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao viễn, từ bi nhất thiết.

常念三衣。瓦缽法器。志願出家。守道清白。梵行高遠。慈悲一切。

Thường nghĩ ba y, bát nung khất thực, vật dụng tùy thân, chí nguyện xuất gia, giữ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao vời, từ bi hết thảy.

Đại đức xưa thường hay dạy chúng ta: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm.” Đã là phàm phu, nhiều kiếp luân hồi trong lục đạo, không khởi tâm, không động niệm là khẳng định không làm được. Chân thật có thể làm được không khởi tâm, không động niệm thì chỉ có cảnh giới của A-la-hán trở lên, hay nói cách khác, chỉ có bậc thánh trong tứ thánh pháp giới, đó không phải là phàm phu. Đối với phàm phu mà nói, niệm khởi là hiện tượng bình thường, nhưng ý niệm này rất đáng sợ, chắc chắn là niệm ác nhiều, niệm thiện ít, khẳng định là như vậy. Cho nên Bồ-tát dạy chúng ta phải giác ngộ, “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, đặt biệt là đối với niệm ác. Nếu như vừa giác ngộ thì niệm ác này liền dừng ngay, niệm thiện liền sanh. Thường xuyên trụ ở trong niệm thiện và thân cận với người thiện. Thường xuyên ở chung với người thiện thì không hay không biết, lâu ngày sẽ huân tập trở thành khí chất của người thiện, chúng ta gọi là thay đổi khí chất. Phương pháp quan trọng nhất để thay đổi khí chất, không có gì hơn việc thân cận thiện tri thức. Phật là vị thiện tri thức đứng đầu trong thế gian và xuất thế gian.

Phật ở chỗ này dạy chúng ta “thường niệm tam y, ngõa bát pháp khí”. Y phục của Phật chỉ có ba cái, cho nên gọi là tam y. Ngoài tam y ra, chỉ có một cái bát để ăn cơm, ngày nay chúng ta gọi là bát cơm. Cái bát này thông thường đều là bát sành, chúng ta ngày nay gọi là gốm sứ. Một loại khác nữa là bát sắt. Bát như pháp trong Phật pháp chính là hai loại này, một loại là bát sắt và một loại là bát sành. “Pháp khí” là đạo cụ tùy thân. Đây là Thế Tôn thị hiện ở thế gian chúng ta, tình hình đời sống thường ngày của ngài, tất cả tài sản chỉ có như vậy thôi, cho nên pháp thế gian hay xuất thế gian vạn duyên buông xuống. Phật sau khi làm được rồi mới dạy chúng ta, không phải chỉ nói mà không làm, ngài chân thật là sau khi làm được rồi mới nói. Chúng ta ngày nay không những học thánh nhân khó, mà học hiền nhân cũng không dễ gì. Nhưng thánh hiền là mục tiêu mà chúng ta hằng luôn hướng đến, chúng ta nhất định phải hết lòng nỗ lực học tập theo các ngài, phải học thật giống.

“Chí nguyện xuất gia”, đây là nói với một người chân thật hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, họ nhất định sẽ phát nguyện. Phát nguyện gì vậy? Phát nguyện xuất gia. Xuất gia này tuyệt đối không phải chỉ cho gia đình thế tục chúng ta, ra khỏi gia đình thế tục không phải là xuất gia chân chánh. “Gia” là chỉ cho cái gì? Trong Phật pháp nói là nhà sanh tử. Bạn có thể thoát khỏi sanh tử thì bạn là xuất gia chân thật. Bạn có thể ra khỏi phiền não, phiền não là nhà, ngũ ấm là nhà, cái này quan trọng, còn như gia đình thế gian không quan trọng. Xuất gia trong Phật pháp nói có xuất gia tại gia và xuất gia xuất gia. Xuất gia tại gia là thân tại gia mà tâm xuất gia, chính là không đắm nhiễm thú vui thế gian như phía trước đã nói, người này tâm đã xuất gia. Khi Phật-đà còn tại thế, cư sĩ Duy-ma là một vị Phật, ngài là Phật tại gia. Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện là Phật xuất gia. Nếu như nói chân thật xuất gia thì cư sĩ Duy-ma cũng là xuất gia, ngài ra khỏi nhà sanh tử, ra khỏi nhà tam giới, ra khỏi nhà ngũ ấm, hoàn toàn không khác gì so với Thích-ca Mâu-ni Phật, chỗ khác nhau là ở trên hình thức. Ngài thị hiện xuất gia tại gia, còn Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện xuất gia xuất gia, điểm khác nhau là ở chỗ này. Còn như “thủ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao viễn, từ bi nhất thiết” thì Thế Tôn và cư sĩ Duy-ma hoàn toàn không có gì khác. Điểm này chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải biết rõ.

Người xuất gia muôn vàn không thể cống cao ngã mạn, cho rằng mặc bộ đồ xuất gia này vào rồi thì cao hơn tất cả, thường hay bị đọa địa ngục A-tỳ. Tại sao vậy? Cống cao ngã mạn là phá hoại hình tượng của Phật pháp rồi! Phật pháp là từ bi với tất cả, Phật pháp là khiêm hạ cung kính, làm gì có Bồ-tát cống cao ngã mạn đâu? Không có đạo lý này. Bạn phá hoại hình tượng Phật pháp thì đương nhiên bạn phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả, bạn phải chịu quả báo. Xuất gia đã như vậy thì tại gia cũng không cần phải nói nữa. Tại gia đắp lên cái mạn y này, nếu như cống cao ngã mạn thì tội lỗi còn nặng hơn so với xuất gia cống cao ngã mạn. Cho nên thời kỳ mạt pháp, việc phá giới, phạm lỗi, tại sao lại nhiều như vậy, phổ biến như vậy? Thật ra mà nói chính là do lơ là giới luật, lỗi không đọc kinh. Chúng ta giới luật mà không chịu học, cũng không nghĩ đến nó thì đâu có thể làm được? Không những không làm được, ngay cả nghĩ cũng không nghĩ được. Cho nên, tỳ-kheo thời mạt pháp thân tâm đều là tội lỗi. Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện nói rất hay: “Chúng sanh cõi Diêm-phù-đề khởi tâm động niệm không gì chẳng phải là tội.” Lời nói này là thật, không phải giả. Những việc này đang ở ngay trước mắt chúng ta, chỉ cần chúng ta bình lặng quan sát thì rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Hôm nay chúng ta đọc đến câu kinh văn này: “chí nguyện xuất gia”, thì phải biết ra khỏi nhà sanh tử, ra khỏi nhà phiền não, ra khỏi nhà tam giới. Đương nhiên nhà thế tục, cho dù là tại gia mà trong tâm thanh tịnh, mảy may không vướng mắc, đây chân thật là chí nguyện xuất gia.

/ 7