PHẬT THUYẾT BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hội quán Hòa Thuận, viện Tri Ân Nhật Bản
Thời gian: 03/11/2002
Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu
Tập 5
Chư vị đồng học, mời xem giác tri thứ sáu.
Đệ lục giác tri, bần khổ đa oán, hoành kết ác duyên, Bồ-tát bố thí, đẳng niệm oan thân, bất niệm cựu ác, bất tăng ác nhân.
第六覺知。貧苦多怨。橫結惡緣。菩薩布施。等念冤親。不念舊惡。不憎惡人。
Giác ngộ thứ sáu: nghèo khổ nhiều oán, rộng kết ác duyên, Bồ-tát bố thí, bình đẳng oán thân, không nhớ ác cũ, không ghét người ác.
“Bần khổ” không chỉ bao gồm tất cả vật chất, mà đồng thời bao gồm cả phương diện tinh thần. Nếu như thật sự có trí tuệ, tuy bần khổ họ cũng rất vui vẻ, họ sẽ không kết ác duyên với chúng sanh. Trong sách xưa của Trung Quốc có ghi chép, Nhan Hồi là học trò của Khổng lão phu tử, đời sống vật chất là vô cùng thiếu thốn, người bình thường đều cảm thấy rất lo âu, thế nhưng chúng ta từ trong lời của Khổng tử thì thấy rõ, Nhan Hồi không những không cho là khổ, hơn nữa cho là vui. Phu tử tán thán ông, đời sống đó của ông là “người thường không chịu nổi cảnh khốn khổ đó, riêng Nhan Hồi vẫn không đổi niềm vui ấy”, có thể thấy đời sống của ông là vô cùng vui vẻ, nghèo mà vui. Do đây có thể biết, “bần khổ” ở chỗ này nói, trọng điểm nhất định vẫn là phải ở phương diện đạo đức, ở đạo đức, ở trí tuệ. Con người khiếm khuyết đạo đức, thiếu trí tuệ, đó mới thật sự là nghèo khổ. Vì không có trí tuệ, đó là ngu si. Ngu si thì luôn sanh phiền não, cũng tức là tham sân si mạn sẽ đặc biệt nghiêm trọng, và đương nhiên là sẽ “hoành kết ác duyên” với mọi người và tất cả mọi vật, đây là điều không thể tránh khỏi.
“Bồ-tát bố thí, đẳng niệm oan thân, bất niệm cựu ác, bất tăng ác nhân.” Mấy câu nói này thực ra mà nói, cho dù người không học Phật, tu phước báo trời người cũng cần phải tuân thủ. “Bố thí”, đặc biệt đối với người nghèo khổ, chỉ có Bồ-tát có trí tuệ, Bồ-tát hiểu rõ lý sự, nhân quả. Muốn giúp đỡ chúng sanh, đầu tiên là phải bố thí. Bố thí là tặng cho vô điều kiện, cúng dường vô điều kiện. Chúng sanh thiếu cơm ăn áo mặc, trong lúc cấp thiết thì phải giúp đỡ họ. Trong bố thí cúng dường, quan trọng nhất là bố thí pháp, bởi vì tất cả chúng sanh chắc chắn không thể dựa vào sự bố thí cúng dường của người khác mà sống cả đời được. Người này là người có tội, tội gì vậy? Phía trước đã nói rồi, giải đãi, lười biếng. Dựa vào người khác cúng dường, bản thân không thể độc lập sinh tồn, thì họ có tội lỗi. Chỉ biết tiếp nhận cúng dường mà không biết tặng lại, đâu có kiểu đạo lý này? Do đó, trong lúc chúng sanh trong cảnh bần cùng khổ nạn, người làm cứu tế bố thí cúng dường nhất định phải giúp đỡ họ khai trí tuệ, nhất định phải giúp đỡ họ có được năng lực. Do đây có thể biết, trong bố thí cúng dường thì điều quan trọng nhất là giáo dục. Không những phải dạy họ có trí tuệ, còn phải dạy họ có kỹ năng. Cái mà ngày nay chúng ta nói là giáo dục năng lực kỹ thuật, giáo dục luân lý đạo đức, loại từ bi cứu tế này mới được kể là chân thật viên mãn.
Bố thí phải bình đẳng, cho nên phải “đẳng niệm oan thân”. “Đẳng” là bình đẳng, “niệm” tức là đối xử, dùng tâm bình đẳng để đối xử, “oan” là oan gia đối đầu, “thân” là thân bằng quyến thuộc của bạn. Tại sao vậy? Nếu như bạn có thiên vị về lợi ích, tôi chỉ bố thí cho thân thuộc của tôi, tôi không chịu bố thí cho oan gia trái chủ của tôi, hay nói cách khác, đời sống của bạn sẽ không thể được an toàn, bình lặng. Tại sao vậy? Những oan thân trái chủ này nhất định muốn tìm bạn gây chuyện. Ngạn ngữ xưa của Trung Quốc thường nói: “Một nhà no ấm, ngàn nhà oán.” Bạn là đối tượng oán hận, mục tiêu oán hận của mọi người, bạn còn có những ngày sống tốt đẹp được sao? Xã hội phải làm thế nào mới được an định? Thế giới phải làm thế nào mới được hòa bình? Đó chính là oán thân bình đẳng. Bất luận là người nào, trong xã hội lớn ngày nay bất luận là một quốc gia nào, một dân tộc nào, mỗi nơi có nền văn hóa khác nhau, Bồ-tát đối đãi bình đẳng, bố thí cúng dường bình đẳng, thì xã hội này sẽ an định, thế giới sẽ được hòa bình. Nhân dân hạnh phúc thì ta cũng hạnh phúc. Xã hội hưng vượng thì gia đình chúng ta cũng sẽ hưng vượng. Đây là đạo lý nhất định. Cho nên nhất định không được có tâm thiên lệch, nhất định không được có tình thương thiên lệch.