/ 7
26

PHẬT THUYẾT BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Hội quán Hòa Thuận, viện Tri Ân Nhật Bản

Thời gian: 04/11/2002

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

Tập 7


Chư vị đồng học, mời xem đoạn cuối cùng của bản kinh, trang thứ 68 trong bản kinh này, hàng thứ 3 từ dưới lên:

Như thử bát sự, nãi thị chư Phật Bồ-tát đại nhân chi sở giác ngộ.

如此八事。乃是諸佛菩薩大人之所覺悟。

Tám điều nói trên, các bậc đại nhân, chư Phật Như Lai đã giác ngộ được.

Câu nói này vô cùng quan trọng, tám sự việc mà Thế Tôn đã nói phía trên này là mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai, các pháp thân Bồ-tát, các ngài đã giác ngộ. Tuy chúng ta là phàm phu, nhưng có duyên tiếp xúc được, nghe được, thấy được, cần phải học tập theo Phật Bồ-tát, cũng phải có sự giác ngộ giống như vậy. Chúng ta thử nghĩ phía trước, Phật nói tám sự việc cho chúng ta. Điều thứ nhất là nói rõ cho chúng ta biết chân tướng của vũ trụ nhân sinh, khẳng định phàm phu “tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu”. Hay nói cách khác, giống như trong kệ sám hối đã nói phàm phu trong lục đạo “xưa nay đã tạo bao ác nghiệp”. Đại đức xưa nói, nếu như những tội nghiệp này mà có hình tướng, hình tướng lại nhỏ, giống như vi trần vậy, thì tội nghiệp đã tạo đời đời kiếp kiếp trong quá khứ, tận hư không cũng chứa không hết. Lời nói này là thật, khẳng định không quá lời. Tội sinh ra từ đâu vậy? Từ tâm sinh. Tâm này chính là vọng tưởng, ý nghĩ, sinh ra từ đây. Thân thể này của chúng ta là công cụ tạo tác tội nghiệp, “hình vi tội tẩu”, chúng ta nhất định phải hiểu rõ, đây chính là nhân tố đứng đầu của sanh tử không ngừng trong lục đạo luân hồi. Vọng niệm sinh ra từ đâu? Sinh ra từ trong dục vọng, sinh ra từ trong đa cầu, cho nên điều thứ hai và điều thứ ba Phật dạy chúng ta “thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại”, đây chính là trải qua đời sống của chư Phật Bồ-tát. “Đa cầu”, đích thực đúng là tăng trưởng tội nghiệp, cho nên Phật dạy chúng ta phải tri túc, phải an bần, phải lạc đạo, phải biết cầu trí tuệ.

Nói đến chỗ này khiến tôi nghĩ đến trước đây tôi thân cận bên thầy Lý, cả đời thầy trải qua đời sống ở mức thấp nhất. Học trò của thầy có mấy trăm ngàn người, học trò có quan tâm thầy không vậy? Học trò quan tâm rất chu đáo, nhưng thầy hoàn toàn không tiếp nhận, vẫn trải qua đời sống bần khổ của thầy như cũ. Ở trong đây có đạo lý rất sâu, thầy làm tấm gương, làm thị phạm cho hàng hậu học xem. Tôi nhìn ra ý chỉ của thầy, cho nên tôi học tập theo thầy. Tôi học được tám tháng, rồi tôi mới báo cáo với thầy. Trước tiên tôi bắt đầu từ trong sinh hoạt, mỗi ngày ăn một bữa. Thầy hỏi tôi: “Anh ăn tám tháng rồi, anh cảm thấy sức khỏe có gì khác so với trước đây hay không?” Tôi đáp: “Con cảm thấy không có gì khác, rất bình thường.” Thầy đập tay xuống bàn một cái, cứ vĩnh viễn giữ như vậy, cả đời không cầu người. “Người đến mức không cầu thì nhân phẩm tự cao.” Dinh dưỡng thực sự của đời sống là gì? Mỗi người không giống nhau. Dinh dưỡng là sự bổ sung năng lượng, cơ thể của mỗi người không giống nhau. Giống như hiện nay các bạn nhìn thấy xe hơi trên đường vậy, có chiếc tiết kiệm xăng, có chiếc hao xăng, không giống nhau. Chiếc hao xăng mà bạn bổ sung năng lượng ít thì nó sẽ không chạy; chiếc tiết kiệm xăng, chỉ một chút năng lượng thì nó có thể chạy rất lâu. Chúng ta phải hiểu đạo lý này.

Sự tiêu hao năng lượng, 95% trở lên là tiêu hao vào trong vọng tưởng. Người vọng niệm nhiều, người dục vọng nhiều, người tham cầu nhiều thì họ nhất định phải bổ sung năng lượng nhiều. Tâm địa thanh tịnh, không có dục vọng, không có mong cầu, tâm là thanh tịnh thì họ tiêu hao năng lượng rất ít, cho nên ăn uống một chút xíu thì họ có thể duy trì, sẽ rất bình thường, họ sống rất hạnh phúc, rất vui vẻ. Điều này người bình thường không thể nào lý giải được. Lao tâm, lao lực, tiêu hao năng lượng rất có hạn. Vọng tưởng thì rất khủng khiếp, từ sáng đến tối, ngày đêm không gián đoạn, đặc biệt là tự tư tự lợi, tổn người lợi mình, cái ý nghĩ này tiêu hao năng lượng nhiều nhất. Hiểu được đạo lý này, ở trong kinh, Phật dạy chúng ta “tri túc, an bần, lạc đạo”, bạn mới chân thật có thể cảm nhận được, bạn mới chân thật có thể hướng về, chân thật muốn học theo, sẽ đem lại lợi ích lớn cho bản thân.

Điều thứ tư ở trong kinh dạy chúng ta “giải đãi trụy lạc”, đây là lời cảnh cáo vô cùng nghiêm trọng. Phật khuyên bảo chúng ta phải tinh tấn, phải đoạn phiền não, phải hàng phục ma chướng. Hàng phục ma chướng tức là dứt khoát không bị mê hoặc bởi ngũ dục lục trần bên ngoài. Khuyên bảo chúng ta phải quảng học đa văn, phải thành tựu trí tuệ biện tài, phải phát tâm giáo hóa chúng sanh, hành Bồ-tát đạo. Điều thứ sáu dạy chúng ta “bần khổ đa oán”. Chúng ta khẳng định ý nghĩa mà Phật nói câu này là chú trọng ở luân lý đạo đức, giới định trí tuệ. “Bần khổ” hoàn toàn không phải chỉ cho sự thọ dụng trên vật chất, mà là chú trọng giác ngộ ở trên tinh thần. Không giác ngộ mới là bần khổ thật sự. Cho nên Phật-đà đã thị hiện cho chúng ta, chúng ta có thể thể hội được. Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa còn tại thế, ba y một bát, ăn một bữa giữa ngày, ngủ một đêm dưới cây. Ngài trải qua đời sống vật chất còn nghèo khổ hơn so với Nhan Hồi - học trò của Khổng lão phu tử. Nhan Hồi nghèo khổ còn có một căn nhà tranh, Thích-ca Mâu-ni Phật ngay cả nhà tranh cũng không có, tối ngủ gốc cây. Do đây có thể biết, “bần khổ đa oán” mà Phật đã nói là không phải chỉ cho đời sống vật chất, mà là chỉ cho đời sống tinh thần. Đời sống vật chất khổ hơn đi nữa mà đời sống tinh thần vui, thì vật chất cũng không có gì là khổ. Người thế gian cho là khổ, đó là lấy tiêu chuẩn của chính người thế gian, đó không phải là tiêu chuẩn của người giác ngộ. Tiêu chuẩn của người giác ngộ không giống với tiêu chuẩn của chúng ta. Tiêu chuẩn của người giác ngộ là “thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại”, trong đây có niềm vui chân thật. Họ nhìn thấy người thế gian chúng ta có nhà cửa, có ruộng vườn, có vợ chồng con cái, họ cho rằng đây là trói buộc của gia đình, đây là rắc rối, cái này khổ. Nhưng người thế gian chúng ta ở trong khổ mà không biết đây là khổ.

/ 7