/ 7
9

PHẬT THUYẾT BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Hội quán Hòa Thuận, viện Tri Ân Nhật Bản

Thời gian: 03/11/2002

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

Tập 4


Chư vị đồng học, mời xem giác tri thứ tư:

Đệ tứ giác tri, giải đãi trụy lạc, thường hành tinh tấn, phá phiền não ác, tồi phục tứ ma, xuất âm giới ngục.

第四覺知。懈怠墜落。常行精進。破煩惱惡。摧伏四魔。出陰界獄。

Giác ngộ thứ tư: lười biếng đọa lạc, thường tu tinh tấn, phá phiền não ác, hàng phục tứ ma, thoát ngục âm giới.

Thế Tôn ở chỗ này nhắc nhở chúng ta là “giải đãi trụy lạc”. Câu nói này chúng ta nhất định phải ghi nhớ thật kỹ. Nhân tố đứng đầu của đọa lạc chính là giải đãi, cho nên ở trong kinh luận, Phật nói thiện căn với chúng ta, trong pháp thế gian thiện căn có ba điều, gọi là tam thiện căn: không tham, không sân, không si. Tất cả mọi thiện pháp trên thế gian đều được sinh ra từ ba cái gốc này. Xuất thế gian, thiện căn của Bồ-tát chỉ có một cái, đó là tinh tấn. Tinh tấn là thiện căn duy nhất của Bồ-tát. Hay nói cách khác, giải đãi đúng là mặt trái của tinh tấn, giải đãi thì đọa lạc, tinh tấn thì được đi lên, đây là đạo lý nhất định. Giải đãi và tinh tấn đều có hai mặt trái ngược nhau, trong Phật pháp chúng ta nói về hai mặt thiện ác. Người thế gian, chúng sanh ở trong lục đạo, đặc biệt là chúng sanh trong tam đồ, họ vô cùng tinh tấn đối với pháp ác, chân thật là một chút cũng không giải đãi, thế nhưng đối với pháp thiện thì họ hoàn toàn lơ là, giải đãi. Cho nên Phật Bồ-tát, các bậc thánh hiền dạy chúng ta, bảo chúng ta phải tinh tấn đối với tất cả pháp thiện và chúng ta phải giải đãi đối với tất cả pháp ác. Pháp thiện là gì vậy? Đạo đức, nhân nghĩa, chúng ta nhất định phải dũng mãnh tinh tấn mà làm.

Đạo là gì vậy? Đạo là pháp tắc tự nhiên, là nguyên lý, nguyên tắc tự nhiên. Phàm là tùy thuận theo quy luật tự nhiên, đây gọi là hành đạo. Thực tiễn ở trong đời sống thường ngày của chúng ta, nhà Nho nói luân thường đại đạo, hoàn toàn là tùy thuận theo quy luật tự nhiên. Cái thứ nhất là vợ chồng. Chúng ta thử xem hiện thực ở thế gian này, đạo vợ chồng không còn nữa. Bạn thử xem, tỉ lệ ly hôn ở mỗi địa phương rất cao! Giữa vợ chồng với nhau có mâu thuẫn nghiêm trọng, thường thấy nhất đó là tài sản. Tài sản của chồng, vợ không biết, giấu không cho vợ biết, tài sản của vợ giấu không cho chồng biết, mỗi người đều có quyền riêng tư. Có quyền riêng tư thì luân thường đại đạo bị phá hoại ngay! Cái riêng tư này chính là xung đột, giữa người và người với nhau dù là vợ chồng, cha con đều không thể đối diện chân thành, đều là dùng tâm giả dối, tâm che đậy, tâm lừa gạt. Bạn nói xem cái thế gian này làm sao không gặp kiếp nạn cho được! Kiếp nạn từ đâu mà có vậy? Là từ đây mà ra. Hôm nay chúng ta rất may mắn nghe được Phật pháp. Phật dạy chúng ta, chúng ta không những thành thật đối với người thân của mình, mà chúng ta đối với mọi người, mọi chúng sanh đều phải dùng trái tim chân thành để đối đãi với nhau. Tâm chân thành tùy thuận pháp tánh, tùy thuận tánh đức, đây là đi con đường của Phật, đi con đường của Bồ-tát. Nếu như vứt bỏ chân thành, dùng tâm giả dối để đối diện với tất cả người sự và vật, đây là tà đạo, đây là ác đạo, đây chắc chắn trụy lạc, chúng ta không thể không biết. Thế nào gọi là đạo, thế nào gọi là đức, chúng ta nhất định phải thật rõ ràng, thật sáng tỏ.

“Đạo”, tôi bổ sung thêm mấy câu, vợ chồng, cha con, anh em, vua tôi, bạn bè chính là quan hệ giữa người với người, đây là quan hệ bình thường, đây là đại đạo. Biết được những quan hệ này thì biết được mình cần phải tận hết nghĩa vụ. Tâm mà chúng ta giữ là chân tâm, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Nghĩa vụ của chúng ta nhất định phải tận sức, về phương diện này phải “thường hành tinh tấn.” Nghĩa vụ đó chính là đức. Trung hiếu, nhân nghĩa không thể không chú trọng, không thể không hết lòng nỗ lực làm ra tấm gương tốt cho đại chúng xã hội thấy. Làm người không thể không có ân, không có nghĩa, không có trung. Sao gọi là trung vậy? Văn tự của Trung Quốc, trung là trung tâm. Tâm không có lệch, không có tà gọi là trung. Nếu như bạn có tâm thiên lệch, bạn có tà niệm thì cái trung này không còn nữa. Trung là tánh đức. Hiếu thì đã nói rất nhiều. Hiếu là vũ trụ, nhân sinh, cõi nước, chúng sanh là một thể, đây là hiếu. Nếu như bạn còn có đối lập, tôi đối lập với người, tôi đối lập với sự, tôi đối lập với vật, đối lập thì hiếu không còn nữa, đức liền mất hết!

/ 7