PHẬT THUYẾT BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC KINH
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hội quán Hòa Thuận, viện Tri Ân Nhật Bản
Thời gian: 02/11/2002
Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu
Tập 3
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời xem “đệ tam giác tri”.
Đệ tam giác tri: tâm vô yếm túc, duy đắc đa cầu, tăng trưởng tội ác. Bồ-tát bất nhĩ, thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp.
第三覺知。心無厭足。唯得多求。增長罪惡。菩薩不爾。常念知足。安貧守道。唯慧是業。
Giác ngộ thứ ba: tâm không biết đủ, chỉ muốn cầu nhiều, tăng trưởng tội ác, Bồ-tát không vậy, thường nghĩ biết đủ, an vui với nghèo, giữ gìn đạo tâm, chỉ xem trí tuệ mới là sự nghiệp.
Kinh văn rất rõ ràng, ba câu phía trước là phàm phu, bốn câu phía sau là Bồ-tát, đối chiếu rất rõ ràng. Người phàm phu thì “tâm vô yếm túc, duy đắc đa cầu”, đây là nói rõ phàm phu trong lục đạo, đặc biệt là xã hội hiện nay của chúng ta. Tại sao lại tạo thành tham sân si mạn? Hình như đã đạt đến tình trạng bão hòa. Nếu như chúng ta bình tâm mà quan sát, tư duy thì sẽ phát hiện, đây là vấn đề của giáo dục. Trung Quốc, cũng có thể nói gồm cả phương Đông, từ xưa đến nay, không nơi nào mà không xem trọng giáo dục của thánh hiền. Giáo dục của thánh hiền, bất luận là nhà Nho cũng tốt, nhà Đạo cũng tốt, thậm chí ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, cái này có thể nói đều là nằm trong một hệ thống văn hóa lớn, từ xưa đến nay đều là dạy về luân thường, đạo đức, nhân nghĩa. Những quan niệm này luôn không mong cầu quá mức đối với dục vọng về vật chất, mà xem trọng sự hưởng thụ về mặt tinh thần. Cho nên chúng ta xem thử, biết bao nhiêu văn tự của cổ nhân, thi từ, ca phú, ngày nay chúng ta đọc lên vẫn có thể cảm nhận được, đời sống đó của họ thật tự tại, an lạc. Cho nên biết đủ thường vui, có thể cảm nhận được. Người hiện nay cả đời bạt mạng truy cầu dục vọng, dục vọng không cùng tận. Hay nói cách khác, cả đời sống trong đau khổ, cả đời sống trong trạng thái thân tâm căng thẳng, cả đời này không có được một tí vui sướng nhân sinh nào cả.
Chúng tôi thật sự nghĩ không ra, họ làm sao mà sống được vậy. Cả đời này sống trong thế gian là vì kiếm tiền mà sống hay sao? Là vì tham cầu ngũ dục lục trần mà sống hay sao? Vậy thì không tính. Lại xem thử Phật pháp, so sánh một chút, chúng tôi tự nhiên phát hiện, họ ở trong một đời tạo biết bao nhiêu tội nghiệp, những tội nghiệp này chắc chắn là chiêu cảm khổ báo trong ba đường, cho nên đến mấy chục năm tại sao lại khổ như vậy? Khiến chúng tôi sau khi quan sát, đích thực cảm khái muôn vàn. Quay lại nghĩ về bản thân chúng ta, trong đời này thật vô cùng may mắn gặp được chánh pháp, cũng vô cùng may mắn khi gặp được thiện tri thức giảng giải cho chúng ta, dẫn dắt chúng ta tu hành, chúng ta trong đời này mới không đến nỗi bị đọa lạc. Chí ít chúng ta có phạm lỗi lầm, tạo tội nghiệp thì cũng giảm thiểu đến mức độ thấp nhất. Chúng ta còn phải nỗ lực tinh tấn, hy vọng sau này, tuổi già tuy thời gian không nhiều, vẫn hy vọng có thể làm đến được tâm địa thuần tịnh, hành vi thuần thiện, có thể có một ngày làm được. Đó là điều rất đáng vui mừng. Có thể ở trong một đời, có một tuần có thể làm được, có một tháng có thể làm được, có một năm có thể làm được, tôi rất tin tưởng, chúng ta sẽ dứt sanh tử, thoát luân hồi, cầu sanh Tịnh độ quyết định có đảm bảo, quyết định nắm chắc. Vậy thì đời này chúng ta mới không sống uổng.
Phật Bồ-tát, tổ sư đại đức thị hiện cho chúng ta thấy, đó chính là tấm gương của chúng ta. Là tấm gương gì vậy? Là tấm gương thoát khỏi lục đạo luân hồi, là tấm gương thoát khỏi sanh tử phiền não. Chúng ta cần phải giác tri, cần phải học tập, noi theo, nhất định không thể “tăng trưởng tội ác”. Học Phật nếu như tăng trưởng tội ác, sự việc này vô cùng nghiêm trọng. Bởi vì họ mang hình tượng là đệ tử Phật, họ không phải là phàm phu thông thường. Phàm phu thông thường tạo tác tội nghiệp thì họ phải chịu quả báo, đây là điều chắc chắn không thể tránh khỏi. Nếu như thân là đệ tử Phật, cũng tức là nói đã dán lên nhãn mác Phật pháp, biểu hiện của bản thân là hình tượng của Phật, mà cũng đang tăng trưởng tội nghiệp thì đó chính là phá hoại hình tượng của Phật, phá hoại hình tượng của chánh pháp, cái tội này phải nặng hơn. Rốt cuộc nặng cỡ nào vậy? Điều này rất khó nói, phải xem mặt ảnh hưởng của nó là bao lớn, thời gian dài bao lâu. Nếu như mặt ảnh hưởng của nó rất rộng, thời gian ảnh hưởng rất dài thì cái đó phiền phức lớn rồi! Tội đó là vô cùng, vô cùng nặng.