/ 7
11

PHẬT THUYẾT BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Hội quán Hòa Thuận, viện Tri Ân Nhật Bản

Thời gian: 02/11/2002

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

Tập 2


Chư vị pháp sư, mời xem “đệ nhị giác tri”, chúng ta đọc qua một lượt kinh văn:

Đệ nhị giác tri: đa dục vi khổ, sanh tử bì lao, tùng tham dục khởi, thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại.

第二覺知。多欲為苦。生死疲勞。從貪欲起。少欲無為。身心自在。

Giác ngộ thứ hai: muốn nhiều là khổ, sanh tử mệt mỏi, từ tham dục sanh, ít muốn tùy duyên, thân tâm tự tại.

Kinh văn có tám đoạn, ở đoạn thứ nhất chúng ta xem thấy là giác ngộ, đoạn thứ hai xem thấy là giác tri. Giác ngộ và giác tri có gì khác biệt? Điều này nhất định phải xem xét thật tỉ mỉ. Giác tri so với giác ngộ thì ý nghĩa phải sâu hơn. Giác ngộ là bạn vừa mới bắt đầu ngộ nhập, giác tri thì ở trong đây sanh ra trí tuệ cao độ. Nếu như không có trí tuệ tương đối thì bạn không cách gì, tuy bạn giác, giác ngộ nhưng bạn biết chưa đủ thấu triệt. Cho nên ý nghĩa của tri sâu hơn ngộ. Chúng sanh trong lục đạo từ vô lượng kiếp đến nay do bởi không thể giác ngộ, đương nhiên càng không có giác tri, cho nên sanh tử luân hồi ở trong lục đạo. Sự việc này, người hiểu rõ, chư Phật Bồ-tát, thậm chí là A-la-hán nhìn thấy hiện tượng này đều cảm thấy đây là sự việc vô cùng bi thương. Cho nên, chư Phật Bồ-tát xuất hiện ở thế gian, mục đích của các ngài là giúp chúng ta thoát khỏi nỗi khổ lớn của sanh tử luân hồi, chứng được niềm vui lớn của chân thường. Chúng sanh ở trong lục đạo, quả nhiên giác ngộ thì cần nên nghĩ đến phải cố gắng tận dụng một đời này. Thời gian của đời này tuy không dài, nhưng nếu như thực sự đi theo con đường giác ngộ thì thời gian cũng đủ dùng. Không những là thoát khỏi lục đạo luân hồi, mà còn thoát khỏi thập pháp giới, thời gian cũng là đủ dùng.

Chúng sanh không ra khỏi luân hồi thì không có cách gì hành Bồ-tát đạo. Thật ra mà nói, gốc bệnh chính là tự tư tự lợi, chính là “đa dục” mà đoạn này nói, nó hại chúng ta khởi mê hoặc, tạo nghiệp, thọ báo. Bình thường trong các buổi giảng, tôi thường hay khuyên các đồng tu, nếu chân thật muốn thành tựu ngay trong đời này thì bạn không thể không xả bỏ ý niệm tự tư tự lợi, xả bỏ danh văn lợi dưỡng, xả bỏ sự hưởng thụ ngũ dục lục trần, xả bỏ tham sân si mạn. Trong đoạn thứ nhất, Phật nói cho chúng ta biết, thế gian quốc độ, thân tâm chúng ta đều không phải chân thật, đều là huyễn hóa vô thường. Nếu như thật sự hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì chúng ta liền có thể buông xuống ý niệm khống chế hết thảy người, sự, vật ở thế gian hay xuất thế gian, không còn có ý niệm này nữa, không còn có ý niệm chiếm hữu nữa. Trong ý nghĩ còn không có thì làm gì có loại hành vi này? Ý niệm chính là “ác nguyên” mà phần trước đã nói, ý niệm là ác nguyên, hành vi là tội tẩu. Nếu được như vậy thì chúng ta ngay trong đời này liền có thể đem nghiệp chướng tiêu trừ thật sạch sẽ, nhất định được Phật lực gia trì, nguyện vọng cầu sanh Tịnh độ của chúng ta khẳng định có thể thành tựu.

Dục vọng là không có cùng tận. Ý này là nói rõ, một người ở trong lục đạo, thời gian mê quá dài, vô lượng kiếp đến nay mê trong lục đạo, mê quá sâu rồi, cho nên mới sanh ra phiền não tập khí nghiêm trọng như vậy. Phải biết rằng dục vọng là không có ở trong tự tánh, ở trong chân tâm nhất định không có dục vọng. Do đây có thể biết, dục niệm khởi lên chúng ta nhất định phải cảnh giác được, đây là vọng tâm, đây là trái ngược với tánh đức. Cho nên, giác ngộ phải bắt đầu giác từ đâu? Chính ngay những chỗ này. Nếu như không thường xuyên tiếp nhận sự huân tập của Phật pháp thì sự huân tập của tập khí phiền não là không cách gì gián đoạn được. Loại huân tập này tất nhiên sẽ khiến cho thân khẩu của chúng ta tạo nghiệp. Thân tạo giết, trộm, dâm; khẩu tạo nói dối, nói ly gián, nói thô ác, nói thêu dệt. Đây chính là “hình vi tội tẩu” mà phần trước đã nói. Ý niệm của chúng ta bất chánh, tạo nghiệp thì nhất định phải chịu quả báo. Quả báo chính là phía dưới nói: “Sanh tử bì lao, tùng tham dục khởi.” Đoạn kinh văn này tổng cộng có năm câu. Năm câu chia làm ba đoạn. “Đa dục vi khổ”, đây là đoạn thứ nhất, đem tổng cương lĩnh này dạy bảo chúng ta. Hai câu ở giữa chính là nói sanh tử luân hồi trong lục đạo là việc như thế nào, là do đâu mà có, đây là nói về phàm phu. Hai câu sau cùng là nói về chư Phật Bồ-tát. Chư Phật Bồ-tát làm thế nào giải thoát, làm thế nào có thể vượt qua lục đạo, vượt qua thập pháp giới, đạt được thân tâm tự tại?

/ 7