28Thứ Năm, 28/11/2024, 10:28

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 27/11/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 98

Vấn đề nghiêm trọng nhất trong xã hội hiện nay là câu chuyện ly hôn. Hôm qua tôi gặp một người và khuôn mặt của anh có nét buồn buồn. Anh ấy cho biết anh đã ly dị vợ và khẳng định không thể chấp nhận người vợ này. Tôi đã kể cho anh ấy nghe câu chuyện về một người chồng từng gặp người vợ của mình đi với người tình vào khách sạn. Khi người vợ từ khách sạn đi ra thì người chồng dẫn theo đứa con tiến về phía cô làm ra vẻ như vô tình gặp vợ ở đó và mời vợ đi ăn tối. Người vợ gặp chồng thì sợ hãi muốn quỳ xuống xin lỗi còn người chồng thì không tỏ thái độ cũng như không hỏi câu chuyện ngày hôm đó thế nào, nhờ đó, gia đình cặp vợ chồng này vẫn ấm êm.

Anh chàng với khuôn mặt buồn ấy kể cho tôi biết rằng hiện tại anh ấy đã có người yêu mới nhưng chính anh cũng không thể đảm bảo rằng mình sẽ hạnh phúc. Tôi đã khuyên anh ấy rằng nếu không chắc chắn là hạnh phúc thì tại sao vẫn cứ lao vào yêu đương để rồi lại chia tay và đi tìm hạnh phúc mới, để rồi những đứa con lại không có cha, không có mẹ. Câu chuyện của anh cho thấy con người ta rất chấp trước, không thể bỏ được cái thấy, cái nhìn của mình. Một khi họ đã cho rằng ai sai phạm thì họ nhất định không thể tha thứ cho sai phạm đó.

Hòa Thượng từng chỉ dạy rằng ly dị là đọa địa ngục. Việc ly hôn khiến con cái thiếu tình cha, tình mẹ, chắc chắn chúng sẽ là những đứa trẻ không bình thường, do đó, mọi động loạn xã hội đều đến từ nơi gia đình. Hòa Thượng từng nói quốc gia nào có tỷ lệ ly hôn trên 50% thì quốc gia đó có vấn đề. Mỗi gia đình không hạnh phúc như là một tế bào trong thân thể không khỏe mạnh.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, nhân quả để có một gia đình hạnh phúc và một công việc làm được tốt là như thế nào ạ? Chúng con phải nên làm gì để đạt được những điều đó ạ?

Đây là vấn đề mà ai ai cũng quan tâm, tuy vậy, có một số người niệm Phật lại không để ý đến việc này. Tôi từng biết có một cặp vợ chồng xung đột đến nỗi người chồng trong gia đình từng mắng người vợ đang tu niệm Phật rằng: “Mày mà vào địa ngục, tao cũng vào địa ngục bóp cổ mày!” Sau khi cả hai vợ chồng gặp được văn hóa truyền thống thì hai bên đã xích lại gần nhau. Người vợ không chểnh mảng việc tu tập mà niệm Phật còn tốt hơn trước đây. Người chồng luôn nỗ lực làm việc gì đó giúp mọi người.

Một cô Phật tử cũng từng niệm Phật cho biết con cô lúc nhỏ rất ngoan, cô ăn chay niệm Phật thì con cũng ăn chay niệm Phật, thế nhưng đến năm 14 tuổi thì con cô bỏ nhà ra đi. Cô đã không giáo dục con mình một cách đúng đắn nên bạn xấu, trò chơi điện tử đã giáo dục con cô. Đây là sai lầm nghiêm trọng của người niệm Phật. Người mẹ này có lẽ ngày ngày niệm Phật trong khổ đau, lo lắng, bất an. Vậy, với viễn cảnh này, chúng ta có nên để nó xảy ra với chính mình không? Trẻ nhỏ ở từng lứa tuổi phải nhận được sự giáo dục phù hợp thì lớn lên chúng sẽ tốt.

Trong một gia đình hạnh phúc chắc chắn bao giờ cũng có một cặp vợ chồng hòa thuận, con cái ngoan hiền. Một gia đình hạnh phúc là gì? Là cả nhà có tâm “vì quốc gia, vì xã hội mà phụng hiến” chứ không phải tối ngày đi ăn, đi chơi là hạnh phúc.

Trả lời câu hỏi này, Hòa Thượng nói: “Vấn đề này hoàn toàn có ở trong Liễu Phàm Tứ Huấn. Đọc cho thuộc bộ sách này thì vấn đề liền được giải quyết. Trong sách An Sĩ Toàn Thư cũng nói được rất thấu triệt, trọng điểm cũng là gia đình và sự nghiệp. Bạn đem hai cuốn sách này cố gắng mà tham cứu, y giáo phụng hành, nhất định có thể cải tạo được vận mệnh.

Niệm Phật có thể giải quyết hết tất cả nhưng điều quan trọng là chúng ta có niệm Phật đạt đến công đức hay không? Chúng ta niệm Phật với tâm thái “chân thành, thanh tịnh, từ bi” hay chúng ta chỉ biết ngồi đó niệm Phật trong “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”, tham lam bỏn xẻn. Niệm như thế mà mong cầu gia đình bình an, mạnh giỏi, hạnh phúc hay sao?

Trong xã hội hiện tại, có rất nhiều vấn đề, thế nhưng những người niệm Phật đã không niệm Phật tốt, đã không làm ra biểu pháp của người niệm Phật. Hòa Thượng từng hỏi Thầy Lý Bỉnh Nam rằng: “Vì sao niệm Phật đọa địa ngục”. Thầy Lý Bỉnh Nam nói rằng đây là việc rất lớn nên sẽ nói tại giảng đường cho đại chúng cùng nghe. Niệm Phật mà vẫn tham, vẫn “danh vọng lợi dưỡng”, vẫn mong cầu bá đồ cá nhân thì chắc chắn đọa địa ngục.