31Thứ Ba, 26/11/2024, 20:33

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 26/11/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 97

Hòa Thượng chỉ dạy là mỗi chúng ta cần mở rộng tâm lượng, sống hài hòa với tất cả mọi đối tượng, không có sự phân biệt, chấp trước, không cho rằng chúng ta hơn còn người ta thua. Với tinh thần như thế, khi Hòa Thượng ở Xinh-ga-po, Ngài đã liên kết được chín tôn giáo. Giảng đường nơi Hòa Thượng thuyết pháp, các tôn giáo khác cũng có thể đến giảng dạy.

Một số tôn giáo có mời Hòa Thượng đến giảng cho tín đồ của họ nghe và Ngài giảng nội dung cốt lõi mà đấng giáo chủ của tôn giáo bạn muốn truyền đạt. Các tôn giáo khác đến giảng đường của Ngài thì không giảng được Phật pháp mà chỉ giảng được nội dung mà đấng giáo chủ của họ đã chỉ dạy. Chính vì vậy họ không thể mở rộng, tiếp nhận được các tầng lớp trong xã hội.

Tinh thần hài hòa chính là lý do vì sao Phật giáo được mở rộng khắp mọi nơi. Là người học Phật, chúng ta phải biết mở rộng tâm lượng và muốn mở rộng tâm lượng thì cần có trí tuệ. Muốn có trí tuệ thì cần tu học đúng như pháp, đồng thời luôn kiểm soát thân tâm thông qua giới luật và chuẩn mực mà Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền đã chỉ dạy. Một khi có trí tuệ, chúng ta có thể soi chiếu và nhận biết việc gì nên làm, việc gì không nên. Có trí tuệ, chúng ta cũng sẽ phát khởi được tâm thương yêu đối với tất cả mọi người, đặc biệt kể cả với người gây chướng ngại, gây khó khăn cho chúng ta.

Lòng thương cảm của chúng ta với những người hay gây chướng ngại đó ngày một lớn hơn bởi chúng ta thấy được tương lai của họ rất thê thảm. Từ việc làm bất thiện sẽ chiêu cảm quả báo bất thiện nên họ sẽ phải chịu khổ. Cho nên, một mặt họ lo chướng ngại chúng ta mặt khác chúng ta lại lo đi giúp đỡ họ. Đây mới là tinh thần của nhà Phật.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, chúng nam ở tại gia nếu phạm phải giới dâm, không hối cải mà mê muội đọa lạc trong đó thì tương lai quả báo như thế nào? Nên làm thế nào để cảm hóa họ?

Đây là việc rất khó! Có một người tôi biết, vợ anh ấy rất xinh đẹp nhưng anh ấy mặc dù đã là người niệm Phật mà vẫn ngoại tình với một người. Khi huynh đệ biết được nên khuyên can nhưng anh ấy còn muốn hành hung lại người đang khuyên mình, sau đó cũng giác ngộ ra và nói lại rằng: “Anh biết địa ngục là đáng sợ nhưng anh không thể cưỡng lại tập khí của chính mình!

Nhà Phật từng nói: “Ái bất trọng bất sanh Ta Bà - Nghiệp ái mà không nặng thì không sanh Ta Bà”. Chúng ta vì nghiệp ái này mà luân chuyển trong sáu cõi không biết bao nhiêu đời kiếp rồi, hết thọ lại xả thân, có thân rồi lại mất, mất rồi lại có. Sau khi mất thân rồi thì luân chuyển đọa lạc lúc thì Địa Ngục, lúc Ngạ Quỷ, lúc Súc Sanh. Kinh Địa Tạng cũng nói rất rõ tội tà dâm có khi làm chim sẻ, bồ câu, uyên ương.

Trả lời câu hỏi này, Hòa Thượng nói rằng: “Quả báo này trong Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh đã nói rất rõ ràng. Nếu biết quả báo rất đáng sợ thì tự nhiên liền sẽ không dám khởi lên ý niệm này, không những là hành vi mà ngay trong ý niệm cũng không dám khởi.” Người tu hành cần thận trọng vì hành vi có thể không làm nhưng ý niệm vẫn khởi do đó, hằng ngày chúng ta phải cắt duyên dẫn khởi đến các ý niệm này. Ngày ngày chúng ta học Kinh, đọc Kinh, tư duy quán tưởng Kinh pháp, thực tiễn Kinh pháp của Phật Bồ Tát thật nhiều để không có thời gian rảnh nghĩ đến việc đó.

Đây chẳng qua đều là tập khí thói quen, không phải một đời mà là truyền kiếp nên rất khó đối trị. Ví dụ về một thói quen như khi chúng ta vào zoom lớp học thì mật mã là “A Di Đà Phật” nên chúng ta đánh trên máy tính không cần nhìn vì đã thành thói quen. Cho nên chỉ cần chúng ta thay đổi, đem cái quen trở thành cái lạ, đem cái lạ trở thành cái quen. Người quen tham lam bỏn xẻn ích kỷ bây giờ đổi thành rộng lượng, bao dung, quan tâm đến người khác. Có như vậy, tập khí xấu ác của chúng ta mới có thể chuyển đổi được.

Tổ sư Đại đức từng dạy chúng ta rằng tập khí chúng ta giống như cái bình đựng rượu, rượu đã đổ đi rồi nhưng bình rượu dù được súc rửa sẽ mà vẫn còn mùi rượu. Muốn hết mùi thì phải mở nắp một thời gian. Tập khí của chúng ta cũng vậy, muốn đoạn được nó không phải là việc dễ dàng. Một số người tu hành đã dùng phương pháp chặt đứt vọng tưởng khi nó xuất hiện. Cách làm đó là sai lầm!