Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 25/11/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 96
Các tôn giáo không chính thống đa phần không chú trọng đến việc đối trị phiền não, tập khí. Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta rằng Phật giáo luôn chú trọng ôn hòa, không chủ trương vận động để làm một việc gì đó, tuyệt đối không làm những việc để khiến mình nổi trội, mình lãnh đạo người khác. Tu hành trong Phật giáo là tịnh hóa thân tâm.
Muốn tịnh hóa thân tâm thì trước tiên phải rời xa phiền não. Cho dù chúng ta tu pháp môn nào cũng phải rời xa gốc rễ tạo nên phiền não là “Tham Sân Si”, “Danh vọng lợi dưỡng”, ham hưởng thụ “Năm dục sáu trần” hay mong muốn tham cầu những việc mà tự mình cho là hợp lý nhưng với người thì không. Hòa Thượng từng trích dẫn lời của Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nếu là người chân thật tu hành thì không thấy lỗi thế gian”, nghĩa là lỗi của bản thân thì chúng ta kiểm soát không đủ thời gian huống hồ chúng ta lại soi lỗi người.
Đây chính là tổng cương lĩnh của nhà Phật. Cho nên bất cứ ai mượn bất kỳ lời nói nào, hình thức nào của nhà Phật mà không đi đúng cương lĩnh thì vẫn không phải là tinh thần của Phật giáo. Có người từng nói rằng làm gì có thế giới Tây Phương Cực Lạc mà cầu sanh về. Họ cho rằng họ đúng nhưng sự đúng sai của họ chẳng theo tiêu chuẩn nào cả. Đây là điểm chúng ta phân biệt tà chánh.
Hòa Thượng từng chỉ rõ rằng nếu chúng ta thấy chỗ này đúng, chỗ kia sai thì tâm của chúng ta đã loạn. Đúng sai không ở sự suy diễn, vọng tưởng của chúng ta mà phải theo tiêu chuẩn trên Kinh Phật, luôn phù hợp với mọi quốc gia, mọi văn hóa. Những điều Phật nói luôn tương ưng với tự tánh mà tự tánh thì vốn thuần tịnh thuần thiện và đã thuần tịnh thuần thiện thì không có chống trái hay sai phạm với quốc gia nào.
Kinh Anh Lạc Bồ Tát Giới dạy hàng đệ tử tại gia chúng ta không được trốn thuế và vi phạm pháp luật như vậy chúng ta ở bất cứ quốc gia nào, chúng ta đều là công dân tốt. Nếu chúng ta làm những việc quốc gia không cho phép, làm việc sai trái thì chúng ta không phải là công dân tốt, đã vi phạm pháp luật. Trong Bồ Tát Phạm Võng Giới Kinh dành cho người xuất gia thì Phật dạy không được làm giặc quốc gia, không được nói xấu lãnh đạo, do đó, mỗi người xuất gia đi đến đâu cũng được hoan nghênh, cũng là một công dân tốt.
Hòa Thượng nói: “Một người có tâm địa thanh tịnh thì sự việc này ở bên ngoài nhìn thấy được rất rõ ràng. Tâm địa thanh tịnh nhất định không lưu lại một dấu vết gì cả.” Đến không không, đi cũng không không như Hòa Thượng Tịnh Không. Ngài đến trần gian này và ra đi như một lữ khách. Cũng giống như khi chúng ta đến ở và rời khỏi khách sạn thì chúng ta cũng chỉ là lữ khách, chúng ta không được mang tài sản nơi đó đi, chẳng lưu luyến, chẳng lo sợ.
Tâm địa không lưu lại một dấu vết tức là không vướng bận một chút gì. Đó mới là Phật pháp. Các Tổ sư Đại Đức, các bậc tu hành đều nêu ra tiêu chuẩn để chúng ta biết rõ thế nào là chánh, là tà nhưng vì không chịu học nên có người mới bị tà đạo xoay chuyển, lôi kéo. Có người xưng là Thầy người ta rồi đến nhà người ta lấy chồng của họ khiến gia đình họ tan nhà nát cửa, vậy mà vẫn có người tin theo.
Phương pháp tiêu chuẩn tu hành rất rõ ràng, chứ chúng ta không “tu mù luyện quáng”. Chúng ta sống trên đời phải phù hợp với luật pháp quốc gia, ở nơi đạo thì phù hợp tiêu chuẩn, chuẩn mực của đạo. Đạo là con đường đi xán lạn, đến một tương lai tươi sáng, không có sự chống trái. Vậy nơi nào dạy chống trái thì biết nơi đó không phải là chánh đạo.
Bài hôm nay có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Ngài có thể làm thế nào để hàng đệ tử tại gia ở nơi loạn thế, ở trong bùn mà không dính vào bùn không ạ?”
Hoa sen từ bùn ngoi lên nhưng nó được bao bọc thật kín đến nỗi bùn không thẩm thấu được, nếu thấm được vào thì hoa sẽ bị thối. Cũng vậy, chúng ta ở thế gian mà không bị nhiễm “danh vọng lợi dưỡng” và “Tài Sắc Danh Thực Thùy” chỉ là phương tiện cho đời sống. Nếu chúng ta không xem nó là phương tiện mà coi nó là của cải để chất chứa thì chúng ta sẽ khổ.
Trả lời câu hỏi này, Hòa Thượng nói: “Chúng ta mỗi ngày đều đang kiểm thảo. Việc trước tiên là phải buông bỏ tự tư tự lợi của chính mình. Người không thể buông bỏ tự tư tự lợi, vậy thì không cách gì tránh được ảnh hưởng những ô nhiễm từ xã hội. Cho nên muốn thành tựu đức hạnh và đạo nghiệp của chính mình thì việc trước tiên là phải buông bỏ tự tư tự lợi.”