Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 24/11/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 95
Phật pháp nói rằng niệm Phật có thể tiêu được định nghiệp. Thế nhưng, chúng ta phải hiểu cho rõ rằng muốn tiêu được định nghiệp, chúng ta phải niệm Phật đạt cảnh giới Lý Nhất Tâm Bất Loạn. Còn Sự Nhất Tâm Bất Loạn không thể chuyển được định nghiệp. Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta công đức niệm Phật, có cạn có sâu, không đồng nhau. Công phu sâu thì sẽ chuyển được những nghiệp vi tế, chuyển được cả định nghiệp còn công phu cạn thì có thể chuyển được nghiệp thô hay nhưng tập khí dễ bỏ.
Hòa Thượng nhắc cho chúng ta biết câu của Ngài Bá Trượng: “Bất muội nhân quả” - chính là có thể chuyển được định nghiệp. Hòa Thượng không dùng từ “tiêu trừ” định nghiệp mà dùng từ “chuyển” định nghiệp. Nói cách khác, đó chính là đem ác nghiệp chuyển thành thiện nghiệp, chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh. Cho nên, công phu niệm Phật đích thật là có hiệu quả như vậy.
Tuy nhiên, nhiều người mê lầm cho rằng chỉ cần niệm Phật là tiêu nghiệp mà không để ý đến việc dụng tâm thái niệm Phật, tâm thái làm việc như thế nào? Vẫn là tâm thái vì “ta”, tâm thái “tự tư tự lợi”! Có người lúc ban đầu chưa niệm Phật thì họ không có thứ gì nhưng sau khi thâm nhập pháp niệm Phật một thời gian thì thứ gì họ cũng có. Đây chính là phước báu, thứ mà mỗi người niệm Phật phải dành dụm để chuyển những nghiệp thô trọng, đã bị họ chuyển thành tài sản vật chất. Đây là việc làm cấm kỵ đối với người học Phật. Thế nhưng họ đã không hiểu điều này.
Người ngộ thì luôn luôn tích cực đem vật chất chuyển thành phước báu hoặc chuyển thành công đức còn người mê thì mong muốn đem phước báu chuyển thành vật chất. Đây là điểm mấu chốt mà phiền não, khổ đau sẽ ập đến rất nhanh. Cho nên Tổ sư Đại đức dạy chúng ta rằng khi mình đã là hành giả tu pháp niệm Phật thì phải biết buông bỏ thân tâm thế giới tức là niệm Phật với tâm thanh tịnh.
Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta cần tu “Giới Định Tuệ”, diệt trừ “Tham Sân Si”, chúng ta cần chú ý là Phật dạy chúng ta “diệt trừ” chứ không dạy chúng ta “đổi”. Ví dụ như “tham” thì nhiều người đổi đối tượng “tham” chứ không diệt trừ “tham”. Mọi thứ ưa thích, ham cầu thì đều là “tham”. Kể cả ham làm việc thiện, “tham” Phật pháp cũng vẫn là “tham”. Tâm “tham” đọa Ngã quỷ, tâm “sân” đọa Địa Ngục, tâm “si”đọa Súc sinh.
Cho nên, người học Phật phải nắm đạo lý mà Tổ sư Đại đức truyền dạy một cách rõ ràng, tường tận để tu cho đúng, tránh trường hợp hiểu nhầm, thực hành sai mà phải đổi giá trị rất lớn của việc học Phật lấy sự luân hồi trong sáu cõi. Giống như một đứa nhỏ đem hạt ngọc của Mẹ để đổi lấy viên kẹo, nó chẳng hề biết giá trị của viên ngọc.
Cũng vậy, công đức niệm Phật có thể giúp chúng ta thành Phật, vượt thoát sanh tử thế nhưng chúng ta lại dại khờ đổi lấy danh vọng thế gian, đổi lấy vài ba căn nhà hay một lượng tài chính nào đó. Chúng ta tưởng rằng đó là nhưng thứ lớn lao, thực ra, đối với các bậc Tổ sư Đại đức, những thứ công danh, tiền tài v..v.. chỉ là bã mía. Chúng ta dùng công đức niệm Phật để đổi lấy bã mía thì chẳng khác gì một đứa trẻ lấy hạt ngọc của Mẹ để đổi lấy túi kẹo, túi bim bim.
Công đức niệm Phật nhất định có thể chuyển được nghiệp. Hằng ngày chúng ta niệm Phật thay vì nói chuyện thị phi, chúng ta ăn rau thay vì ăn thịt chúng sanh thì đây đều là chuyển nghiệp rồi. Nếu công phu đạt Lý Nhất Tâm Bất Loạn thì có thể chuyển được định nghiệp. Nếu công phu đạt Sự Nhất Tâm Bất Loạn thì chỉ chuyển được những nghiệp thô. Hằng ngày tu học và làm việc thì phải quán sát cho kỹ. Người tinh tế thì khi làm bất cứ việc gì cũng chu đáo, không để việc làm của mình gây phiền hay tổn hại cho người. Đấy mới là tâm chân thành. Chúng ta luôn dành tiện nghi, sự thuận tiện cho người mặc dù có thể bản thân sẽ nhận phần thiệt thòi mà không ai biết. Ngược lại, làm việc gì chúng ta cũng sợ được mất, sợ hơn thua v..v thì đó không phải là tâm chân thành.
Câu hỏi thứ nhất trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng có phải là chỉ có trong Phật pháp mới nói rằng người thế gian có nhiều tâm bệnh và có phải chăng chỉ có Phật pháp mới nói đến nỗi khổ đau của thế gian này không ạ?”