26Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:43

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 23/11/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 94

Nghiệp chướng nặng nhất của chúng sanh là ý niệm khống chế, chiếm hữu. Hằng ngày, chúng ta khởi tâm động niệm đều là ý niệm khống chế, chiếm hữu nhưng chúng ta không nhận ra. Người càng có địa vị, quyền lực thì ý niệm chiếm hữu càng mạnh mẽ. Chúng ta tu hành, kiểm soát nội tâm thì chúng ta sẽ dần nhận ra những khởi tâm động niệm của mình. Khi chúng ta hơn 60 tuổi, những dục vọng bắt đầu lắng xuống, khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta sẽ chính chắn hơn nhưng khi đó chúng ta mới bắt đầu tu học thì đã muộn.

Hòa Thượng Hải Hiền thọ 112 tuổi, Ngài có 92 năm niệm Phật, hành trì, Ngài tự tại ra đi, lưu lại toàn thân xá lợi. Sau khi Ngài vãng sanh, mọi người để thân Ngài trong chiếc chum, đặt chum vào trong tháp, sau 6 năm 100 ngày, mọi người mở tháp ra thì thấy thân Ngài vẫn nguyên vẹn. Chúng ta thường cho rằng chúng ta còn trẻ nên chúng ta chạy theo dục vọng, đến khi chúng ta hơi tàn, lực kiệt, chúng ta muốn quay đầu cũng không kịp. Ở tuổi này, tôi bắt đầu cảm nhận được rõ nét, mọi sự, mọi việc không còn theo ý mình. Nhiều người nghĩ rằng hôm nay mình chưa tinh tấn thì ngày mai mình sẽ tinh tấn hơn, ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến!

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, con hy vọng các đồng tu trên toàn thế giới về đây tham học có thể chuyển đổi được ý niệm của mình, bỏ tiền ra phụ giúp tiền phí điện nước của Cư sĩ Lâm Singapore như vậy thì tự nhiên sẽ không tạo ra sự lãng phí!”.

Phật pháp thường dạy chúng ta buông bỏ thân tâm thế giới, tận tâm tận lực hy sinh vì chúng sinh, mọi việc trong đời sống của chúng ta đã được phước báu an bài. Tâm tham của chúng ta như túi không có đáy. Trước đây, tôi có một người bạn thân là một Sư Thầy, khi tôi xuống thăm, Sư Thầy nói, Sư Thầy đang xây một nơi để nuôi các trẻ mồ côi. Tôi nói, Thầy đã suy nghĩ cẩn thận chưa, khi Thầy nuôi trẻ mồ côi, mọi người sẽ cung cấp rất nhiều tiền để mua thức ăn, quần áo cho các con vậy thì tiền dư ra Thầy sẽ dùng làm gì? Nhưng nếu bây giờ Thầy không trực tiếp làm mà Thầy giao cho người khác làm thì tâm tham của người đó sẽ còn lớn hơn, do vậy, tốt nhất là Thầy cố gắng làm một cách cẩn trọng. Chúng ta phải chuyển đổi ý niệm “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn” của chính mình. Người hỏi Hòa Thượng câu này là người có tâm “tự tư tự lợi”, tham cầu, họ sợ rằng, những người đến đạo tràng sẽ không cúng dường tiền để trả tiền điện, nước.

Hòa Thượng nói:Quan niệm này không chính xác! Mỗi người đều phải mỗi giờ, mỗi nơi tập thói quen tiết kiệm để khi chúng ta bỏ tiền ra cúng dường tiền điện nước thì chúng ta cũng không tùy ý sử dụng. Chúng ta tu hành là chúng ta phải tu sửa quan niệm, hành vi sai lầm của chính mình. Phật dạy chúng ta phải chân thật tu hành, đạo tràng là nơi chốn để mọi người đến tu hành để thay đổi tập khí, thành tựu đức hạnh”. Chúng ta chẳng những tu phước mà chúng ta còn phải tiếc phước, tích phước.

Hòa Thượng nói:Vào thời nhà Đường, Mã Tổ xây dựng Tòng Lâm, Bá Trượng thành lập Thanh Nguyên để đề xướng cộng tu, việc này cho thấy rằng, trước đây cũng đã có hình thức cộng tu. Mọi người cộng tu nhưng không có quy định, ràng buộc nào, phần nhiều là tự tu, cùng ở chung với nhau để nghiên cứu, học tập, thảo luận Kinh giáo, việc tu hành chân thật là việc của mỗi người. Chúng ta có thể tưởng tượng được, thời đó nhất định cũng có những người giải đãi, lười biếng, không thể khắc phục được tập khí của chính mình cho nên Tổ Sư Đại Đức cảm thấy rất đáng tiếc nên mới đề xướng việc cộng tu. Cộng tu là nương chúng, theo chúng, mọi người cùng sống với nhau, cùng gìn giữ quy tắc, chuẩn mực để có thể khắc phục được tập khí, phiền não của chính mình. Chính mình không thể tự khắc phục chính mình thì phải nhờ lực của đại chúng. Đây là việc tốt! Năm xưa Mã Tổ xây dựng Tòng Lâm, Bá Trượng thành lập Thanh Nguyên dụng ý là ở chỗ này. Chúng ta đến đạo tràng tham học. Tham là tham dự, học là học tập, chúng ta phải tham dự với đoàn thể, cùng học tập với mọi người thì mới đạt được lợi ích”.

Nếu chúng ta không trải qua 2000 ngày học tập thì nhiều người trong chúng ta đã thối tâm từ lâu. Đối với tôi, 2000 buổi học qua vô cùng lợi ích, nếu trong tâm tôi có ý niệm bất thiện vừa khởi lên thì tôi sẽ dễ dàng nhận ra.