29Thứ Sáu, 22/11/2024, 21:00

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 22/11/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 93

Tổ sư dạy chúng ta: “Chí thành cảm thông”. Tổ Ấn Quang dạy chúng ta: “Niệm Phật phương năng tiêu túc nghiệp, kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”. Chúng ta chân thành niệm Phật thì nhất định có thể tiêu được tội nghiệp. Trong quá khứ, chúng ta đã tạo nhiều tội nghiệp nên cuộc sống ta gặp nhiều chướng ngại, chúng ta muốn chuyển nghiệp thì chúng ta phải dụng tâm chân thành. Những chúng sanh nhỏ bé cũng biết kính trọng, không làm phiền người có đức hạnh vậy thì Quỷ Thần càng kính trọng người có đức hạnh hơn. Người có đức hạnh là người có tâm rộng lớn, vì người lo nghĩ. Chúng ta không chuyển được hoàn cảnh thì chúng ta phải quán sát lại sự dụng tâm của chúng ta.

Ngày trước, khi tôi đi dạy học ở Vũng Tàu, con đường từ nhà tôi đến Vũng Tàu bị hư hỏng nghiêm trọng, hầu như ngày nào cũng có tai nạn giao thông, tôi đi bằng xe máy, từ sáng sớm đến lúc tối muộn nên mọi người đều lo lắng. Tôi nói với mọi người: “Mọi người yên tâm, oan gia trái chủ có thể lấy chân, tay nhưng sẽ không dám lấy mạng của tôi đâu, vì tôi dạy học bằng tâm chân thành”. Hòa Thượng nói:Hoàn cảnh là do chính chúng ta tạo”. Cảnh tốt hay cảnh xấu đều do cách chúng ta dụng tâm. Chúng ta dụng tâm sai thì hoàn cảnh liền chuyển xấu, chúng ta dụng tâm xấu thì hoàn cảnh tốt cũng sẽ chuyển thành xấu. Người xưa nói: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Tâm chúng ta chưa chuyển được cảnh là do chúng ta dụng tâm sai. Nếu chúng ta không dụng tâm để chuyển cảnh, chúng ta để cảnh ngày càng xấu thì đến khi chúng ta muốn chuyển cảnh, chúng ta cũng không chuyển được.

Trước đây, có một người học trò đi theo tôi, sau đó, người học trò đó vướng vào tình ái, hôn nhân của anh gặp vấn đề nên hiện tại anh khổ không nói nên lời. Hai vợ chồng anh muốn ly hôn nhưng chưa thể ly hôn vì hai vợ chồng còn có chung một ngôi nhà, một đứa con. Hôm qua, tôi dặn một người học trò đến nói với người đó, khi nào người học trò đó cảm thấy khổ không thể thoát được thì đến gặp tôi, tôi có thể giúp. Tôi sẽ khuyên họ buông bỏ, không dính mắc vào bất cứ thứ gì, dùng thân để hy sinh phụng hiến, lợi ích cho chúng sanh, cho cộng đồng. Khổ là do chính chúng ta tự nhận lấy nếu không có người giúp chúng ta khai thông thì chúng ta không thể thoát ra. Người xưa nói: “Nam nhi chí khí tại muôn phương”. Chúng ta dính mắc vào nhà cửa, con cái thì chúng ta sẽ rất khổ. Nếu người đó chịu buông bỏ thì sau khoảng 6 tháng đến 1 năm, họ sẽ có được niềm vui. Cảnh tùy tâm chuyển, nếu tâm chúng ta không chuyển thì cảnh không thể chuyển. Hằng ngày, chúng ta phải phản tỉnh, khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chính mình, hoàn cảnh mà chúng ta đang gặp phải là do nguyên nhân gì. Hòa Thượng nói: “Tâm Ma mới bị Ma ám”. Nếu tâm chúng ta “chính đại quang minh” thì Ma chỉ dám đứng từ xa nhìn chúng ta.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, con nghe Hòa Thượng giảng Kinh, Ngài có nhắc đến âm nhạc và nghệ thuật của Phật giáo, quan hệ của nghệ thuật và vũ đạo cũng giống như cá với nước, làm thế nào để có thể phát triển vũ đạo của Phật giáo? Con đã theo đuổi sự nghiệp này hơn 40 năm, con rất quan tâm đến tương lai nghệ thuật vũ đạo của Phật giáo!”. Phật giáo không thể khô cứng ở một hình thức mà phải có thể vận dụng các hình thức ca múa, kịch nghệ. Nếu chúng ta luôn khuyên người niệm Phật, ăn chay, tụng Kinh thì nhiều người sẽ khó tiếp nhận.

Hòa Thượng nói:Cách nghĩ của bạn rất tốt, ở trong khía cạnh này, nhân tài của Phật giáo so với Thiên Chúa giáo, Ki-tô giáo rất ít. Phật pháp rất xem trọng âm nhạc, ca vũ thế nhưng 200, 300 năm gần đây, Phật giáo không có nhân tài về nghệ thuật xuất hiện. Ở thời kỳ cuối triều nhà Minh đầu nhà Thanh, có một vị Pháp sư viết ra kịch bản là “Quy Nguyên Cảnh”, đó là bình kịch, nội dung là nói về câu chuyện của ba vị Tổ Sư, Đại Sư Huệ Viễn, Đại Sư Diên Thọ và Đại sư Liên Trì, kịch bản viết rất hay cho nên đã giúp Phật pháp được nhiều người biết đến. Hiện tại, khoa học kỹ thuật phát triển, chúng ta hy vọng có thể mang Phật pháp chuyển thành phim truyền hình dài tập. Chúng ta hy vọng sẽ có người nỗ lực trên phương diện này, việc này sẽ giúp ảnh hưởng đến nhân tâm của tất cả mọi người”.