Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 21/11/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 92
Nhiều người muốn đoàn thể hòa thuận nên họ dùng hình phạt, chế tài để răn đe các thành viên nhưng điều này chỉ có tác dụng ở bên ngoài, không thể nội hóa vào nội tâm mỗi người. Hòa Thượng nói, mỗi người trong đoàn thể phải lìa xa thành kiến, phân biệt, chấp trước thì đoàn thể đó mới có thể hòa. Điều quan trọng là chúng ta phải làm ra tấm gương, người khác nhìn thấy tấm gương của một người có thể hòa thuận trong mọi hoàn cảnh thì họ sẽ học theo chúng ta, đây là họ được nội hóa. Chúng ta khuyên người “tinh tấn” nhưng chúng ta chỉ “tinh tướng”, chúng ta khuyên người làm nhưng chúng ta không làm thì người khác sẽ không nể phục, nghe theo, làm theo chúng ta. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải thật làm. Chúng ta thật làm trong thời gian dài thì mọi người sẽ làm theo.
Chúng ta làm thật tốt, họ không tán thán nhưng trong âm thầm họ cũng theo dõi hành động của chúng ta và dần dần bị nội hóa. Người xưa nói, chúng ta đừng thắc mắc, mong cầu người khác làm, điều quan trọng là chính chúng ta có làm được tốt hay không. Chính chúng ta làm tốt thì tự nhiên những người xung quanh cũng sẽ tốt. Chúng ta phải làm thật tốt vượt xa mọi sự đàm tiếu. Mùa hè vừa qua, chúng ta đã tổ chức 14 trại hè, trải dài từ tỉnh Điện Biên đến tỉnh Sóc Trăng, tất cả các trại hè đều thành công viên mãn, người của chúng ta tự di chuyển đến, người ở địa phương không phải trả bất cứ chi phí nào. Hằng tuần, chúng ta mở các lớp Kỹ năng sống, các con được học tập, trải nghiệm cũng hoàn toàn miễn phí. Chúng ta vừa gói bánh bằng hơn 100kg gạo nếp để tặng mọi người, những người nhận được bánh đều hoan hỷ. Chúng ta đã làm đạt được đến tiêu chuẩn cao nhất, vượt qua mọi sự đàm tiếu. Chúng ta chân thành cho đi một cách vô điều kiện. Hòa Thượng nói:“Điều quan trọng nhất là chúng ta phải làm ra tấm gương để người khác tự soi rọi lại chính họ”.
Hòa Thượng thường khuyên chúng ta:“Chúng ta phải tinh tấn, dũng mãnh một cách đặc biệt”. Người thế gian không thật làm, họ chỉ “tinh tướng” chứ không “tinh tấn”, tự lừa mình và lừa người, do vậy, khi gặp chướng ngại thì họ vẫn khổ đau, buồn phiền. Chúng ta dùng cảm tình làm việc thì trí tuệ của chúng ta bị lu mờ, chúng ta sẽ không nhận ra những việc sai trái, sự kém khuyết của chính mình.
Nhà Phật dạy chúng ta: “Bạn lành nương cậy, Thầy tà tránh xa”. Chúng ta phải tránh xa bạn tà, Thầy tà, cố gắng học tập, làm theo Thầy tốt, bạn lành. Ý niệm, việc làm “tự tư tự lợi” chính là tà. Người có tâm chánh, hạnh chánh, nguyện chánh thì sẽ không có những ý niệm tư lợi. Ngày trước, tôi đã khuyên một người học trò nhiều lần nhưng họ không nghe, sau đó, họ gọi cho tôi khóc và hỏi, làm thế nào để họ lấy lại được tín tâm. Tôi nói với họ là bây giờ không còn kịp nữa, trước đây, tôi khuyên họ không nên đi theo những người nổi tiếng mà nên về nhà chăm Mẹ, hai Mẹ con cùng niệm Phật nhưng họ không nghe theo lời khuyên của tôi, khi thần tượng, niềm tin của họ bị sụp đổ thì họ đau khổ. Họ không nhận ra những sai phạm của người khác vì họ cảm tình dụng sự. Người khác làm sai mà chúng ta làm theo thì họ đọa lạc, chúng ta cũng đọa lạc.
Chúng ta được tiếp xúc chuẩn mực Thánh Hiền, chuẩn mực Phật Bồ Tát thì chúng ta y theo chuẩn mực đó mà tu hành, đối nhân xử thế tiếp vật. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Gần người hiền tốt vô hạn, đức tiến dần, lỗi ngày giảm”. Khi những người bạn của chúng ta sai lầm, chúng ta không khuyên, không tránh xa thì nhất định chúng ta cũng sai lầm giống họ.
Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng con đã niệm Phật được 5 năm, khi niệm Phật, con như bước vào cảnh giới của tiên đạo, mỗi ngày con đọc Kinh, niệm Phật, nghe lão Pháp sư giảng Kinh và sám hối, hồi hướng, đến tự viện làm siêu độ cho oan gia trái chủ nhưng đến nay, con vẫn bị một thế lực nhập thân không thể ra được. Hiện tại, con niệm Phật hay làm gì cũng không có lực, khi lâm chung nếu bị chướng ngại thì con phải làm sao?”.
Hòa Thượng thường nói:“Tâm Ma thì mới bị Ma ám”. Tâm chúng ta chân thành, chánh đại quang minh, chí công vô tư thì Quỷ Thần nhìn thấy chúng ta cũng khiếp sợ, không dám đến gần. Tâm Ma là tâm ảo danh, ảo vọng, ưa thích hưởng thụ “năm dục sáu trần”. Khi chúng ta có một chút công phu thì chúng ta thường tự cho mình là người giỏi hơn người. Có những người nói rất hay, tưởng chừng như họ đã thông suốt Kinh điển, chuẩn mực Thánh Hiền nhưng họ chỉ nói suông, chỉ làm cho dễ coi, không thành tâm, thành ý mà làm. Những người như vậy thì đạo tràng, gia đình của họ đều có thể bị Ma nhập.