23Thứ Năm, 21/11/2024, 21:46

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 20/11/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 91

Hòa Thượng Tịnh Không cả đời đề xướng tri ân báo ân. Ngoài việc khuyên bảo bốn chúng đồng tu phải tri ân báo ân, Ngài còn làm ra biểu pháp cụ thể. Trên đoạn video ngắn đăng tải hôm qua, Hòa Thượng trước khi bước vào giảng đường, Ngài dừng lại ở một góc trang nghiêm treo ảnh Cha Mẹ, những người Thầy lớn và người có công ơn với Ngài để lễ kính. Đó là công việc hằng ngày Ngài vẫn làm.

Hôm trước, tôi khuyên một cháu bé tặng hoa cho Mẹ nhân dịp sinh nhật và cháu đã rất ngạc nhiên. Tôi cũng khuyên một cháu bé khác tặng hoa cho Mẹ bởi vì Mẹ là người Thầy đầu tiên của con, giúp con tập đi, tập nói và làm mọi việc. Khi câu chuyện này được kể ra cho một bác thì bác ấy cũng ngạc nhiên vì cách làm này. Trong bối cảnh như thế, chúng ta rất cần đề xướng sự tri ân báo ân, đặc biệt là việc giáo dục luân thường đạo lý, giáo dục nhân cách là vô cùng quan trọng.

Trong công tác từ thiện, chúng ta mới chỉ giúp những người thiếu may mắn cơm áo gạo tiền mà chưa giúp họ nhận ra những điều hay, lẽ phải và những việc nên làm. Nếu chúng ta chỉ giúp họ cơm no áo ấm thì vẫn là kém khuyết. Đôi khi sự chu cấp quá đầy đủ khiến họ sẽ sinh ra tâm ỷ lại, khinh mạn và bất cần. Do đó, khi làm từ thiện phải chú ý đến giáo dục nhân quả, luân thường, nhân cách. Tùy môi trường và hoàn cảnh mà chúng ta giúp họ. Đó là một phần trách nhiệm quan trọng của chúng ta.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Nhiều năm trước, con đã từng nghe âm thanh rất rõ ràng 4 lần. Lần thứ nhất nghe được là “Di Đà Chuyên”, lần thứ hai nghe là: “Duy Tâm Luận” nhưng con đi tìm loại sách này thì không có, đến lần thứ ba ngày trong lúc tĩnh tọa, con nghe là: “Vạn pháp duy tâm” và lần thứ tư nghe là:“Niệm vãng sanh chú”.

Hòa Thượng nói: “Bạn tuy rằng đã nghe qua 4 lần như vậy nhưng 3 lần trước thì không nên chú ý, chỉ nhớ lần sau cùng thì tốt, chuyên niệm A Di Đà. A Di Đà Phật, niệm chú vãng sanh cũng là ý này. Bạn có thể thử xem. Nếu niệm A Di Đà Phật có hiệu quả thì chúng ta niệm Phật. Nếu niệm A Di Đà Phật không hiệu quả mà niệm chú vãng sanh có hiệu quả thì bạn niệm chú vãng sanh cũng được.

Có người cũng để xướng niệm “A Di Đà Phật” và niệm chú vãng sanh nên câu trả lời của Hòa Thượng là tùy thuận theo chúng sanh. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật 6 chữ mà Tổ sư Đại đức khuyên chúng ta chỉ niệm 4 chữ vì 6 chữ vẫn còn dài, vọng tưởng có thể xen lẫn vào. Chú vãng sanh thì dài hơn nữa nên có thể vọng niệm vẫn xen tạp vào được.

Chúng ta phải chú ý rằng khi chúng ta thấy điềm lạ hay những giấc mộng thì, theo Hòa Thượng, chúng ta thấy lạ mà không lạ, không ghi nhớ, không chấp trước, không chú ý đến nó thì nó sẽ tự mất. Một khi chúng ta chú ý thì mình sẽ sinh ra chấp trước. Thường khi thấy dễ chịu thì chúng ta sanh đắm chấp như ngửi được mùi hương hay khi ngồi thì thấy khinh an nên ưa thích.

Chỉ cần chúng ta khởi tâm là đã rơi vào phân biệt chấp trước. Mọi cảnh khi chúng ta gặp thì không nên chú ý, chỉ một lòng niệm Phật. Thậm chí đang niệm Phật mà thấy Phật xuất hiện nên quên đi niệm Phật là sai. Nếu là Phật thật thì chúng ta niệm rõ ràng thì Phật càng hiện ra rõ ràng, nếu không phải là Phật thật thì hình ảnh đó sẽ dần mờ tan.

Chúng ta hiện tại chưa thấy có cảnh gì thì không nên lo rằng mình như thế là tu chưa có lực còn người ta thấy nhiều cảnh xuất hiện tức là người ta tu có lực. Hòa Thượng nói bạn tu hành bình bình yên yên, không thấy cảnh giới nào, mà tâm của bạn càng lúc càng thanh tịnh, tập khí phiền não càng lúc càng ít đi thì đó là đúng. Tu hành thấy cảnh này cảnh nọ là chướng ngại.

Câu hỏi thứ hai: “Kính bạch Hòa Thượng, ngay trong cuộc sống làm thế nào để học tập phá đi được 4 tướng (tướng nhân (mình), tướng người, tướng chúng sanh và tướng thọ giả)?”

Hòa Thượng trả lời: “Học tập phá bốn tướng chính là học không phân biệt, không chấp trước. Trước tiên là học không chấp trước nghĩa là đối với bất cứ việc gì đều không chấp trước, phải biết tất cả tướng đều là giả tướng, vậy thì, hà tất gì phải chấp trước nó. ” Thực tế, dù biết là không thật nhưng người ta vẫn ỡm ờ cho là thật, cho nên rất nhiều người bị khổ sở, phiền não. Chúng ta được học nên biết mọi thứ đều như giấc mộng, bọt nước, sấm chớp, như trên Kinh đã nói, nhưng chúng ta vẫn chấp trước cho nó là thật cho nên mọi sự khổ đau từ nơi đây phát sanh.