48Thứ Ba, 19/11/2024, 13:07

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 19/11/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 90

Vận mạng của mỗi người tuy đã có sự an bài nhưng nhờ sự nỗ lực một cách đặc biệt của mỗi cá nhân nên đều có thể thay đổi. Sự chuyển đổi nhanh hay chậm là do ở mỗi người, có người chỉ vài tháng học tập tu dưỡng là đã có thành tựu nhưng có người cả đời vẫn không có biến chuyển. Cũng có nhiều người nỗ lực làm và làm cũng giống nhưng chỉ giống ở bề ngoài chứ chưa giống trong nội tâm nên cũng chưa có sự chuyển đổi. Do đó nếu có trách thì chúng ta trách chính bản thân mình chứ không trách Phật Bồ Tát. Các Ngài đã quá tận tâm tận lực với chúng ta rồi.

Trong đoạn clip ngắn về Hòa Thượng sáng nay vừa được đăng lên, chúng ta thấy Hòa Thượng nhắc nhở rằng việc thúc đẩy Văn Hóa Truyền Thống là vô cùng quan trọng. Trong phòng làm việc của Ngài, Ngài trân trọng treo tất cả các ảnh của các vị Thầy lớn của mình để tưởng nhớ. Đó là cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Đại sư Chương Gia, Giáo sư Phương Đông Mỹ, Mẹ của Ngài, Bà Hàn Quán Chưởng, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ và lão cư sĩ Chu Quang Đạo. Hòa Thượng khẳng định khi nói chuyện là giảng Kinh nói pháp và khi không nói chuyện cũng là giảng Kinh nói pháp, đều làm ra biểu pháp cho chúng sinh.

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có Văn hóa Truyền thống và hiện tại, chúng ta đang phát huy Văn hóa Truyền thống dân tộc Việt Nam. Chúng ta đã sưu tầm và tổng hợp được 350 tấm gương đức hạnh của dân tộc. Cho nên hiện tại và mãi mãi chúng ta vẫn tiếp tục làm công tác này.

Tuy vậy, có rất nhiều người, thậm chí là đồng tu học Phật cản trở công tác phát triển Văn hóa Truyền thống. Một mặt họ cản trở, mặt khác họ vẫn ngày ngày nói rằng phải kính trọng ân sư, nghe lời ân sư dạy bảo. Rõ ràng tôi đang làm đúng như Hòa Thượng dạy! Trong những lúc giảng Kinh, Hòa Thượng đã nhiều lần nhắc nhở việc phải phát huy Văn hóa Truyền thống dân tộc. Ngài không bảo chúng ta phát huy Văn hóa Truyền thống của nước Ngài mà bảo chúng ta lấy tinh hoa Văn hóa thế giới để đề cao Văn hóa Truyền thống dân tộc Việt Nam.

Vậy những người này đã nghe pháp của Hòa Thượng được bao nhiêu giờ? Có thể nói là rất hạn chế! Vài ngàn giờ, vài trăm giờ đã nhiều lắm sao? Có người nghe mấy chục ngàn giờ mà còn chưa thay đổi được tập khí, thế mới biết rằng phát được tâm đã là khó và khi phát tâm rồi mà có người cản trở thì càng khó để giữ tâm hơn, đã có nhiều người thoái tâm.

Đức Trí là ngôi trường đầu tiên hình thành trong Hệ thống Khai Minh Đức cách đây 10 năm và bây giờ Hệ thống đã phát triển được 20 ngôi trường trên khắp cả nước. Nếu không có sự ra đời ban đầu của Đức Trí thì mọi người sẽ tiếp nhận điều gì? Nhờ sự ra đời của Đức Trí và các trường mà chúng ta có cơ hội học tập, tiếp nhận và lan tỏa tinh hoa Văn hóa Truyền thống dân tộc Việt Nam. Nhân ngày nhà giáo 20-11 năm nay, chúng ta đã có clip về Hòa Thượng, giọng nói của Ngài lúc đó đã rất yếu nhưng Ngài nói rất rõ ràng. Đến thời điểm này, chúng ta phải nói rằng chúng ta đã làm đúng.

Mỗi chúng ta hãy cố gắng sưu tập những tấm gương đức hạnh của dân tộc để góp vào bộ sách “Những tấm gương đức hạnh Việt Nam”. Vừa rồi chúng ta được tiếp xúc với Thầy giáo Triệu Đẩu ở Yên Bái, người đã hai lần gặp được Bác Hồ và lời Thầy dạy cũng có thể đưa được vào cuốn sách này. Có rất nhiều tấm gương như thế nhưng chúng ta thiếu người đi sưu tầm để từ đó thế hệ sau nhìn vào các tấm gương mà học tập. Đây là một sự thiếu sót, là trách nhiệm của chúng ta đối với thế hệ tương lai.

Gần đây có người nói rằng họ không thích đọc sách nước ngoài mà thích đọc cuốn “Những tấm gương đức hạnh Việt Nam”, nên tôi liền gửi luôn 100 cuốn tặng cho họ, họ không phải trả một đồng phí nào kể cả phí vận chuyển. Trong quá trình thúc đẩy Văn hóa truyền thống, ban đầu chúng ta mượn nhờ tinh hóa Văn hóa thế giới để đề cao tinh hoa Văn hóa dân tộc, khơi dậy nguồn cảm hứng trong mỗi chúng ta.

Chúng ta được nghe lời Hòa Thượng trong clip này, tuy rằng muộn màng nhưng chúng ta có phần an ủi rất lớn vì biết rằng chúng ta đã làm đúng. Do vậy, chúng ta phải nỗ lực bởi từng thế hệ đi qua, đặc biệt là khi những trẻ em Việt Nam ở nước ngoài ngày một lớn lên, thì việc đưa Văn hóa Truyền thống đến với chúng là rất khó. “Lá rụng về cội” cho nên con người cũng phải có tổ có tông, có quốc gia, có dân tộc, có chỗ để quay về. Chúng ta học Văn hóa Truyền thống chính là phát huy nền Văn hóa dân tộc để mọi người tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.